Thủ tướng: Không để xảy ra mất cân đối nguồn điện

 Yêu cầu này được lãnh đạo Chính phủ nêu khi chủ trì cuộc họp về cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện năm 2022 và các năm tiếp theo, ngày 3/4.

Vừa qua, việc thiếu than, khí cho sản xuất điện chịu những tác động khách quan và chủ quan. Lý do khách quan là dịch bệnh, giá cước vận tải, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của thế giới tăng cao... đã ảnh hưởng tới cung ứng than cho điện.

Nhưng nguyên nhân chủ quan là điều hành, phối hợp giữa các bộ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước... chưa chặt chẽ, đồng bộ. Việc dự báo, xây dựng các kế hoạch về sản lượng, tiến độ, nhu cầu... năng lượng chưa sát tình hình và chưa kịp thời điều chỉnh khi có thay đổi. Cùng đó, giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra chưa được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu "phải đảm bảo cân đối lớn về điện, năng lượng, không để mất cân đối nguồn điện, khủng hoảng về năng lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về đảm bảo cung ứng điện, ngày 3/4. Ảnh; VGP

Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, Việt Nam đủ tiềm lực, điều kiện, nền tảng, giải pháp để bảo đảm cân đối lớn về điện, năng lượng. Về tổng thể, Việt Nam không thiếu điện, nhưng có thể thiếu điện cục bộ ở một số thời điểm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, khu vực miền Nam, miền Trung cơ bản đảm bảo cung ứng điện, nhưng miền Bắc có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào cao điểm nắng nóng (các tháng 5,6 và 7).

Theo các chuyên gia, nếu khắc phục được các hạn chế, bất cập, chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan điều hành, quản lý thì "không thể thiếu điện, kể cả thiếu điện cục bộ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đảm bảo cân đối lớn về điện hết sức quan trọng, nên các giải pháp đảm bảo cân đối về điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, với giá thành phù hợp.

"Phải thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường của ngành điện, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, giảm nhập khẩu. Muốn vậy, phải vừa có giải pháp trước mắt, tình thế, vừa có giải pháp căn cơ, lâu dài", ông nhấn mạnh.

Trong ngắn hạn, Thủ tướng yêu cầu tập trung khai thác hết công suất có thể về dầu, khí, than; tiếp tục điều chỉnh nguồn điện phù hợp với những nơi có thể thiếu. Việc nhập khẩu phải hợp lý, không để tác động xấu tới cân đối lớn về xuất nhập khẩu, hạn chế tối đa nhập siêu, tăng xuất siêu.

Về lâu dài phải hướng tới phát triển bền vững, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam.

Giải pháp khác là giải quyết mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; kiểm soát lạm phát, tính toán kỹ tác động tới kinh tế vĩ mô.

"Tiếp tục rà soát, đề xuất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách với sản xuất, kinh doanh, cung ứng điện, than, khí, các nguồn năng lượng tái tạo để bảo đảm an ninh năng lượng", Thủ tướng nói.

Ông cũng đề nghị các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải bám sát tình hình, khi xuất hiện các vấn đề vướng mắc, biến động, tác động xấu thuộc phạm vi quản lý nhà nước thì phải có biện pháp, công cụ, đề xuất các giải pháp can thiệp, xử lý phù hợp.

Các cơ quan này cũng phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, tất cả vì sự phát triển chung, tránh lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; chống tiêu cực, lãng phí, "xin-cho", "giấy phép con" trong ngành năng lượng.

Anh Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
10096
Số người truy cập:
8620642