Thủ tướng: Huy động mọi nguồn để không thiếu điện

 Chiều tối 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp trước mắt để bảo đảm đủ điện. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh cả nước bước vào mùa nắng nóng, nước tại nhiều hồ thủy điện giảm xuống mức báo động, ảnh hưởng tới cung ứng điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh.

Đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống khoảng 77.800 MW, tăng gần 1.400 MW so với 2021. Với mức này, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, công suất các nguồn điện hiện đáp ứng tổng nhu cầu, không thiếu trong dài hạn.

Tuy nhiên, cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn từ nay tới ngày 25/5 do nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng diện tăng cao. Trong khi đó, khô hạn khiến lượng nước tại các hồ thủy điện giảm, nhập khẩu than từ Indonesia bị chậm, không đáp ứng yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện.

Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp trước mắt với yêu cầu từ nay tới ngày 25/5, không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại cuộc họp về cung ứng điện, chiều 19/5. Ảnh: VGP

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện dùng than trong nước, "cần bao nhiêu thì cung cấp bấy nhiêu".

Các nhà máy điện dùng than nhập khẩu triển khai các biện pháp vay, mượn, mua lại, ứng trước than của các nhà máy khác.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao bảo đảm cung cấp khí, dầu cho các nhà máy điện khí, dầu.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được yêu cầu khai thác tối đa nguồn thủy điện cho đến thời điểm phù hợp và đàm phán giá tạm tính với các dự án điện tái tạo (điện gió, mặt trời) chuyển tiếp để huy động nguồn này lên lưới.

Thủ tướng giao Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn EVN triển khai các giải pháp vận hành hệ thống điện, bảo đảm cung ứng điện, không để xảy ra thiếu điện.

Cùng ngày, tại họp báo của Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng dẫn số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến ngày 12/5 có 13 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết. Đa số các hồ thủy điện còn lại có mực nước thấp hơn nhiều so với quy định trong Quy trình điều tiết hồ chứa, liên hồ chứa.

Tính toán trước đó của EVN cho thấy, trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra và mực nước các hồ thủy điện khu vực giảm sâu, miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600-4.900 MW điện trong các tháng 5 và 6.

Nhân viên điện lực bảo trì lưới điện quốc gia tại xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nguyệt Nhi

Về huy động các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, ông Hòa cho biết, Bộ đã thống nhất giá tạm thời với 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời trên cơ sở đàm phán giữa EVN và các chủ đầu tư. Khi đáp ứng đầy đủ quy định các nhà máy này sẽ được huy động điện lên lưới điện quốc gia.

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.600 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 mặt trời) tổng công suất gần 2.100 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.

Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo khung giá phát điện Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay, với giá thấp hơn 20-30% so với trước đây.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư và EVN vừa qua gặp khó khăn khi đàm phán vì chưa có hướng dẫn chi tiết phương pháp tính giá từ Bộ Công Thương. Trước thực tế này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương sớm sửa các quy định, có hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính, đàm phán giá với điện gió, mặt trời chuyển tiếp. Phương án tính giá có thể nghiên cứu thêm, chẳng hạn tương tự dự án BT giao thông, tức là kiểm toán độc lập và thống nhất mức lợi nhuận có thể chấp nhận của dự án, để đảm bảo động lực đầu tư cho doanh nghiệp.

Anh Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12528
Số người truy cập:
8525797