Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; hơn 600 đại biểu là các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đối tác phát triển trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Nghị quyết số 26 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đã khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Đến nay, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước (năm 2017 có 2.000 doanh nghiệp thành lập mới đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp).
Kết quả trên cho thấy, vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là nguồn lực có tính đột phá thúc đẩy chuyển dịch sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng cao giá trị, tạo thêm việc làm và thu nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ngành nông nghiệp còn phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng đã trình bày nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn về những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là tiếp cận nguồn tín dụng, đất đai, khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, kết quả nghiên cứu ứng dụng, thị trường tiêu thụ…
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu to lớn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường cùng nhau đưa nông sản Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế thành công.
“Tôi yêu cầu các tỉnh, các sở ngành địa phương phải làm cho người nông dân thấy sự khác biệt về hiệu quả giữa hai mô hình nông nghiệp truyền thống và hiện đại, và từng bộ ngành có chương trình hành động phục vụ nông nghiệp một cách cụ thể, tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, khẩn trương trình để Thủ tướng ban hành chỉ thị về giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn". Thủ tướng nhấn mạnh.