Thủ tướng: Đất đai là “cần câu” chứ không phải “con cá”

 Sáng 30/7, tại thành phố Đạt Lạt, tỉnh Lâm Đồng, địa phương có nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; hơn 600 đại biểu là các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đối tác phát triển trong và ngoài nước.

 

thu tuong dat hang nong nghiep viet nam vao top 15 the gioi hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay các đại biểu dự Hội nghị.

Hội nghị là dịp để đánh giá về những việc làm được và chưa làm được trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từ đó có giải pháp để thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này.

Theo ước tính, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị đều nhấn mạnh, để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì cần coi doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, nòng cốt, nông dân là chủ thể và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực này.

Cùng với đó là có chính sách để khuyến khích dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; thúc đẩy phát triển các hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp; chia sẻ thông tin thị trường; quy hoạch đất đai để đảm bảo đủ diện tích lớn cho sản xuất hàng hóa.

Để xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp cũng cho rằng, chính các doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi tư duy, ngoài đảm bảo chất lượng cao của sản phẩm thì phải chuyển từ tư duy “đóng bao” sang “đóng gói”, cung cấp đầy đủ thông tin cho sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico đề nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn gen nông sản quý để phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, bởi hiện doanh nghiệp chưa tiếp cận được các giống quý từ “cửa trước” của các Viện nghiên cứu.

Cho rằng doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn để khẳng định mình tại các thị trường trọng điểm, trong đó có thị trường lớn là Trung Quốc, bởi các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô còn nhỏ, bà Nguyễn Thị Thành Thực đề nghị có khu đại diện cho Việt Nam để doanh nghiệp khi đến buôn bán coi đó là nhà mình, được bảo vệ.

“Nếu chúng tôi muốn đầu tư trên sàn giao dịch thương mại của Alibaba phải đặt cọc hàng tỷ đồng và kho đảm bảo, thì không phải doanh nghiệp nhỏ nào cũng làm được điều đó” – bà Nguyễn Thị Thành Thực nói.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phải đổi mới các cơ cấu sản xuất nông nghiệp Việt Nam chuyển từ hộ cá thể sang HTX, liên hiệp HTX và doanh nghiệp, liên minh giữa HTX và doanh nghiệp.

Tán thành với các doanh nghiệp về việc cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp và HTX để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương đo đếm sự giúp đỡ doanh nghiệp bằng cách chỉ rõ mỗi năm, tại mỗi tỉnh, Nhà nước giúp cho bao nhiêu HTX, bao nhiêu doanh nghiệp để triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao có hiệu quả. Nói chính sách phải cụ thể, từng tỉnh giúp được HTX tên là gì, doanh nghiệp gì. Và nên công bố 3 chỉ tiêu, thu nhập nông dân là bao nhiêu; tỷ lệ nông dân, HTX là bao nhiêu; đất nông nghiệp được người dân HTX và doanh nghiệp thâm canh là bao nhiêu.

Kết luận hội nghị, nhấn mạnh việc nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, Thủ tướng cho biết, việc tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 210 từ năm 2013. 

 

thu tuong dat hang nong nghiep viet nam vao top 15 the gioi hinh 2
Thủ tướng ‘đặt hàng’ ngành nông nghiệp vào tốp 15 thế giới.

Khẳng định những thành quả vượt bậc của ngành Nông nghiệp Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng cũng đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các loại hình doanh nghiệp, HTX, kinh tế hộ đối với phát triển nông nghiệp. Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu lên một số vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, đó là công nghiệp chế biến sâu chưa có mà chủ yếu vẫn là chế biến thô; việc tiêu thụ túi nilon trong bao nhiêu sản phẩm quá lớn. Đặc biệt còn ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Doanh nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong đó số doanh nghiệp nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 1%, thấp quá! Thiếu vai trò của doanh nghiệp, các loại hình thì khó trở thành một ngành sản xuất lớn của nông nghiệp Việt Nam. Đây là khâu các tỉnh, thành, các bộ, ngành phải quan tâm đặc biệt, trước hết là số lượng doanh nghiệp. Thứ hai, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ vẫn chiếm đến 96%” – Thủ tướng cho biết.

Tán thành với một số đại biểu phát biểu về việc cần sử dụng đất đai trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao hơn, Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh việc khan hiếm nguồn đất thì cũng còn nhiều đất đai nhưng không tổ chức sản xuất, trong khi nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp thiếu đất đai. Nông, lâm trường còn rất nhiều nhưng tổ chức sản xuất hiệu quả như thế nào, đó là câu hỏi tại hội nghị này mà các cấp chính quyền phải tính toán lại. Đất đai phải được tổ chức tốt hơn.

“Đất đai là "cần câu" chứ không phải là "con cá", để tạo năng lực sản xuất mới cho sự phát triển là rất quan trọng, không phải là chia lô bán nền” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng "đặt hàng" ngành Nông nghiệp

Từ những vấn đề của sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng nêu tầm nhìn, mục tiêu phát triển nông nghiệp Việt Nam trong trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.Một tinh thần là nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội có thể khai thác, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. Tại hội nghị này, Thủ tướng đặt hàng ngành Nông nghiệp, trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 của các nước phát triển nhất thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung  tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.

Để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề cốt lõi vẫn là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành Nông nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định 57 và yêu cầu yêu cầu các cấp các ngành thực hiện tốt Nghị định.

Thủ tướng cho biết dù mới ban hành, nhưng Chính phủ nhận thấy Nghị định 57 tập trung hỗ trợ đầu vào là chính và chưa hỗ trợ nhiều cho đầu ra. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ lưu ý nghiên cứu bổ sung. Trong đó có thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với một số sản phẩm có sản lượng lớn là thế mạnh của Việt Nam, từ sữa đến tôm, gạo, cà phê…  

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cùng với thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ 500 thủ tục xuống còn 250 thủ tục.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 109 của Chính phủ về xuất khẩu gạo nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo ra thị trường quốc tế.

Các bộ, ngành cũng cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất, tạo cơ chế đồng bộ để thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển. Khẩn trương nghiên cứu cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất; nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi Luật đất đai theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, trong đó có việc sử dụng hiệu quả đất nông lâm trường quốc doanh. 

Tại hội nghị, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam  tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, để xây dựng phát triển các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Tất cả cùng nỗ lực, chung sức, đồng lòng, cùng Chính phủ và người dân đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn./.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12392
Số người truy cập:
9008288