Thư pháp Nhật ký trong tù kỷ lục

 
Quyển thư pháp kỷ lục Nhật ký trong tù trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, TP.HCM - Ảnh: H.C.
 

Quyển thư pháp có kích thước 1m x 0,52m x 0,15m, với 322 trang, trọng lượng 40kg. Bìa sách được làm bằng gỗ; các góc, gáy sách và bản lề được làm bằng đồng. Công trình do họa sĩ - nghệ nhân Trần Quốc Ẩn (Nha Trang) kết hợp với các nhà thư pháp, họa sĩ, nghệ sĩ như Lê Vũ, Trần Hòa Ân, Văn Xuân Lộc (Nha Trang), Nhuận Đức, Nguyệt Đình, Phạm Kế (Huế), Nguyễn Thế Mẫn, Hồ Công Khanh, Ái Diệp, Nguyên Luân, Ngọc Thạch, Sỹ Bằng, Xuân Điềm (Đà Nẵng), Nguyễn Thanh Sơn, Trương Tuấn Dũng, Trương Tuấn Hải, Huỳnh Tuần Bá, Trần Xuyên, Lý Khắc Nhu, Lý Tùng Niên, Ô Dân Phát, Trương Lộ (TP.HCM)... kỳ công thực hiện hơn một năm liền.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đã mua bản quyền của các tác giả quyển thư pháp Nhật ký trong tù và trao tặng UBND TP.HCM, trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh - bến cảng Nhà Rồng. Tác phẩm độc đáo này đã được Trung tâm Sách kỷ lục VN công nhận là kỷ lục VN.

Ông Ẩn cho biết mình bắt đầu hình thành ý tưởng làm quyển sách từ khi tham quan vườn thư pháp trong một dịp festival Huế. Ở đó có quyển Truyện Kiều khổng lồ (1,6m x 1,2m) của nhà thư pháp Nguyệt Đình. Trở về quê hương Nha Trang, ông đã thuyết phục nhiều bạn bè cùng thực hiện. Những bài thơ trong Nhật ký trong tù được các nhà thư pháp phóng bút trên giấy dó và giấy xuyến chỉ. Sau đó được bồi lên giấy kỹ thuật (giấy nền, nhập từ Đức) thành những tác phẩm tranh chữ rất đẹp; thể hiện bằng ba loại chữ: Hán, Nôm, quốc ngữ. Những bức tranh minh họa do các họa sĩ Trần Hòa Ân, Văn Xuân Lộc (Nha Trang), CLB Mỹ thuật Q.5 (TP.HCM) và chính họa sĩ Trần Quốc Ẩn vẽ.

Nội dung quyển sách gồm năm phần, trong đó có các ảnh tư liệu về Bác, bút tích 133 bài thơ của tập Nhật ký trong tù và bài Mới ra tù tập leo núi của Bác viết tay bằng chữ Hán dịch âm ra thơ tiếng Việt. Các tác phẩm viết tay, thư pháp, họa, tranh thủy mặc của các tác giả được bồi đính kèm theo bài thơ. Đặc biệt của quyển thư pháp là bản đồ miêu tả con đường tù đày của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn bản mô tả lịch sáng tác của Bác khi bị giam cầm và cuối cùng là bài viết của Hoàng Quảng Uyên mô tả cặn kẽ sự thất lạc của tập thơ và sau đó trở về lại với Bác như thế nào.

Công phu nhất có lẽ ở bìa sách. Ông Trần Quốc Ẩn đã chọn mẫu đơn giản nhưng đầy đủ ý nghĩa: bìa được làm bằng gỗ dầu, gáy bọc đồng, nổi bật trên bìa sách là một ô cửa tù với bốn chấn song. Ô cửa này được trổ thủng để lộ ba chữ vàng “Hồ Chí Minh” viết theo chiều dọc trên nền đỏ của trang lót phía trong. Phía trên ô cửa là tựa sách Nhật ký trong tù được khắc nổi bằng chữ quốc ngữ. Phía dưới ô cửa cũng có bốn chữ Nhật ký trong tù bằng chữ Hán và chữ “độc bản” (bản duy nhất). Nét độc đáo của bìa sách là dù thể hiện những song cửa tù nhưng chủ yếu nêu lên ý đồ nghệ thuật của tác giả: tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đọc qua bốn song và năm ô, với ý nghĩa Bác Hồ được năm châu bốn biển biết đến.

Theo Đặng Tươi / Tuổi Trẻ


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27560
Số người truy cập:
9278845