Tình trạng này không chỉ cho thấy sự xuống cấp trong tư duy, đạo đức làm nghề của những người tự khoác trên mình chiếc áo "nghệ sĩ" mà còn cho thấy sự dễ dãi của truyền thông cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các đơn vị chức năng.
1. Nghệ sĩ đích thực là người bằng tác phẩm của mình mang những thông điệp cao đẹp đến người thưởng thức. Nhưng thời gian gần đây, quá nhiều những người tự cho mình là người của công chúng, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại mang đến cho công chúng những tác phẩm gây phản cảm. Điều đáng ngạc nhiên hơn là chủ nhân của những sản phẩm ấy lại lấy làm tự hào, coi đó như một con đường ngắn nhất để đi đến nổi tiếng.
Nếu có thời gian theo dõi đời sống âm nhạc hiện nay, hẳn nhiều người sẽ đồng tình với quan niệm: Muốn nổi tiếng, muốn được nhiều người biết đến, nếu không hát cực hay thì hãy hát cực… dở. Và phương châm này được "người đẹp dao kéo" Phi Thanh Vân áp dụng triệt để. Đóng phim vô hồn, diễn kịch nhạt nhẽo không hề khiến Phi Thanh Vân nhụt chí. Cô tiếp tục lấn sân sang âm nhạc và ra mắt bằng ca khúc "Da nâu". Ca khúc với vỏn vẹn hơn chục từ được nhắc đi nhắc lại cùng giai điệu nhạt nhẽo, dễ dãi. Khán giả phản đối, la ó kịch liệt những tưởng sẽ là bài học nhớ đời với cô gái này. Nhưng có lẽ, chính nhờ "Da nâu" mà cái tên Phi Thanh Vân được nhắc đến nhiều hơn. Không dừng bước, Phi Thanh Vân tiếp tục cho ra đời "Da nâu 2" cũng phản cảm không kém. Gần đây nhất, bài hát trong bộ phim "Thẩm mĩ viện" mà Phi Thanh Vân đóng vai chính tiếp tục được cô đầu tư quay hẳn một clip rồi tung lên Youtobe. Bài hát tiếp tục là ứng cử viên sáng giá của danh xưng "thảm họa nhạc Việt" với những ca từ: "Phụ nữ chẳng có ai xấu, mà chỉ có không biết chăm sóc làm đẹp mà thôi. Ngày xưa em cũng như mọi người. Nhưng từ khi biết điểm tô sắc đẹp… đời em nay đã đổi thay!... Đẹp hay xấu không là vấn đề…".
Theo gót Phi Thanh Vân, đầu tháng 5 vừa qua, cư dân mạng xôn xao về một ca khúc của cô gái tên Phương My được đăng tải trên các trang web âm nhạc. Ca khúc được đặt tựa đề là "Nói dối" với ca từ và cả hình ảnh vô cùng nhảm nhí. Ít ai có thể tin đó là lời một ca khúc: "Khi đã yêu nhau trong đời, khi đã tin yêu thật rồi. Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao anh lại nói dối? Vì sao? Vì sao? Vì sao? Vì sao anh lại dối em… Một lần nói dối vạn lần mất tin. Đừng nên nói dối bị người ta khinh. Hãy nên thật thà đừng nên nói dối, có biết nói dối là sao không hả? Một khi nói dối sẽ mất tất cả. Sẽ mất tất cả có biết không hả?".
Phi Thanh Vân
Cùng với ca từ thuộc dạng đại nhảm nhí là phần hình ảnh ca sĩ với bộ tóc giả và đôi kính to sụ che gần hết khuôn mặt. Giọng hát thì the thé với giai điệu đơn điệu thực sự là nỗi kinh hoàng với người nghe.
Không chỉ có âm nhạc, ở lĩnh vực phim truyền hình cũng xuất hiện khá nhiều những bộ phim kém chất lượng. Tiêu biểu nhất phải kể tới "Anh chàng vượt thời gian". Đây là một bộ phim 36 tập, thể loại giả tưởng - cổ trang với kinh phí lên tới 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, "Anh chàng vượt thời gian" trước khi phát sóng đã nổi tiếng bởi những rắc rối, kiện tụng trong quá trình làm phim. Có lẽ, đây là phim duy nhất có chuyện họp báo giới thiệu diễn viên một đằng nhưng đến khi phát sóng lại là một ê kíp diễn viên hoàn toàn khác.
Phim được phát sóng vào "giờ Vàng" trên VTV3 nhưng xem tới 10 tập, khán giả không hiểu nổi phim muốn nói điều gì. Phim khó hiểu, rời rạc và nhạt nhẽo. Chưa kể diễn xuất của diễn viên quá tệ. Bối cảnh và trang phục của phim đánh đố người xem đến nỗi không thể đoán nổi đó là thời đại nào. Tệ hại và khó hiểu hơn, toàn bộ âm thanh nền bị ngắt hết, chỉ để lại tiếng của các nhân vật, cho nên ở những đoạn không có lời thoại, người xem cứ ngỡ là đang xem phim câm. Nhưng nếu khán giả biết rằng phim xây dựng theo lối phim cổ trang dài mấy chục tập, bối cảnh ở cả ba thời điểm, quá khứ, hiện tại, tương lai, vậy mà chỉ thực hiện trong vòng… một tháng thì không dở mới là lạ. Điều đáng ngạc nhiên là tại sao những bộ phim kém chất lượng như thế vẫn chễm chệ trên sóng giờ Vàng?
Ai cũng biết, theo chủ trương của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì giờ Vàng (từ 20h đến 22h tối) là giờ dành cho phim Việt Nam có chất lượng. Nó được đánh giá bởi tính tư tưởng, tay nghề và chất lượng của phim. Tuy nhiên, với "Anh chàng vượt thời gian" và trước đó là "Có lẽ nào ta yêu nhau", "Phía cuối cầu vồng"… thì không hiểu chất lượng của phim được đánh giá theo tiêu chí nào.
"Không "thảm họa", bất thành… nổi tiếng", tiêu chí ấy tràn sang cả lĩnh vực thời trang. Sau scandal ồn ào nhất của Đoan Trang khi đi dự tiệc với trang phục ngắn ngỡ ngàng tưởng sẽ là một bài học với bất kỳ một người đẹp nào khi chọn trang phục đi dự tiệc. Nhưng sự việc lại tiếp tục xảy ra với người mẫu Trang Trần: Cô đi dự công chiếu phim với chiếc quần màu da mặc như không mặc. Chiếc quần phản cảm ấy đã phô toàn bộ phần nhạy cảm trước bàn dân thiên hạ. Hoặc gần đây nhất là việc diễn viên Lý Nhã Kỳ mặc trang phục quá hở hang trong vở kịch "Bản giao hưởng Điện Biên" đã cho thấy gu thẩm mỹ có vấn đề của khá nhiều nghệ sĩ.
2. Những sản phẩm nghệ thuật kém chất lượng tràn lan là điều đáng báo động, bởi tác hại không nhỏ của nó với đời sống xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Lo ngại hơn khi đây lại đang là xu hướng có chủ đích của không ít người nổi tiếng. Là chủ nhân của một loạt sản phẩm phi nghệ thuật, Phi Thanh Vân vẫn nhất mực cho rằng "Đó là album hot chứ đâu phải "thảm họa". Rồi cô huênh hoang: "Album này tôi phát hành gần 3.000 đĩa và bán gần hết rồi… mà trong Sài Gòn album của tôi bị in lậu tràn ngập". Những câu nói vô căn cứ của Phi Thanh Vân đã cho thấy cô đã cố tình bỏ qua dư luận và cho rằng phần đông khán giả không biết gì.
Phương My với thảm họa Nói dối
Còn Phương My, cô gái trẻ tuổi tự tin khẳng định: "Phương My thấy ca khúc này giai điệu rất vui, lời bài hát xoay quanh vấn đề tình yêu thôi chứ có gì đâu mà nhảm nhí". Và cô còn tự hào: "Giờ đây, sau nhiều năm theo đuổi con đường ca hát đầy chông gai và cạm bẫy thì cuối cùng Phương My đã được nhiều người biết đến".
Phương My đã nói thẳng mục tiêu của những người cố tình tung ra "thảm họa", đó là mưu cầu sự nổi tiếng. Nhưng xét một cách khách quan, nếu không có sự tiếp tay của truyền thông, đặc biệt là những trang báo mạng thì ảnh hưởng của những sản phẩm phi thẩm mỹ ấy không thể lan tỏa rộng rãi đến vậy. Chạy theo trào lưu giật gân, câu khách nhảm nhí, chỉ cần ai đó lạ lạ, quái quái là các trang báo mạng đổ xô vào phỏng vấn. Chưa kể, chính những sản phẩm âm nhạc "rác" này từng được sử dụng ở những chương trình truyền hình đã cho thấy sự dễ dãi ở khâu kiểm duyệt. Tương tự như vậy, chỉ cần ăn mặc hở hang một chút, ngày mai hình ảnh ca sĩ, người mẫu sẽ được lập tức xuất hiện ở một trang báo nào đó. Vì vậy, tội gì họ không cố tình "hở, lộ"?
Tương tự như vậy, một bộ phim dở lỗi đầu tiên thuộc về những người sản xuất, đạo diễn và ê kíp làm phim. Nhưng một nguyên nhân không nhỏ thuộc về phía nhà đài. Không ít người thắc mắc rằng, khán giả có thể nhìn ngay ra cái dở của phim, vậy tại sao những người kiểm duyệt lại không phát hiện ra? Và tại sao, khi người mẫu, ca sĩ ăn mặc phản cảm thì đơn vị chủ quản sẽ bị phạt, vậy mà cả một bộ phim dài tiêu tốn nhiều thời gian của khán giả nhưng khán giả không nhận được bất cứ một lời xin lỗi nào. Việc cố tình chế tác "thảm họa" đã cho thấy sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nghệ sĩ trẻ. Chỉ áp dụng những biện pháp mạnh tay mới có thể ngăn chặn tình trạng này.