Thế giới đón năm mới 2022 trong nỗi lo âu, sau khi chứng kiến một năm nhiều xung đột, thiên tai, thảm họa cùng sự trỗi dậy của biến chủng Omicron khiến Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Giới phân tích dự đoán nhiều thách thức năm cũ sẽ tiếp tục kéo dài trong năm mới, nhưng một số cơ hội cũng sẽ xuất hiện có thể đưa nhân loại tới tương lai tươi sáng hơn.
Một trong những nguy cơ lớn nhất với thế giới trong năm nay là căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn sẽ tiếp tục tăng nhiệt ở nhiều điểm nóng toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) họp thượng đỉnh hôm 16/11. Ảnh: AFP.
Mathew Burrows và Robert A. Manning, hai chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục căng thẳng và ngày càng giống với một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới". Cuộc đối đầu giữa hai siêu cường sẽ tăng nhiệt ngay từ đầu năm, khi Olympic Mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng hai, trong bối cảnh Mỹ và một số đồng minh đã tiến hành nỗ lực "tẩy chay ngoại giao".
Chiến dịch "tẩy chay ngoại giao" để phản đối "những tội ác chống lại loài người ở Tân Cương" được coi là dấu hiệu cho thấy nhân quyền sẽ là mặt trận nóng bỏng giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm tới. Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc của Washington liên quan đến vấn đề Tân Cương, đồng thời cho rằng Mỹ mới là nước "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất".
Một trong những điểm nóng căng thẳng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 12/2021 cảnh báo rằng các cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc gần eo biển Đài Loan gần đây có thể là "màn tập dượt" cho một chiến dịch quân sự.
Bình luận viên James Kynge của FT nhận định kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan sẽ khó xảy ra trong năm 2022, bởi đây sẽ là "hành động tự sát về mặt kinh tế" với Bắc Kinh. Nếu một chiến dịch quân sự xuyên eo biển nổ ra, Mỹ chắc chắn sẽ lập tức áp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt với Trung Quốc, trong đó có lệnh cấm Bắc Kinh nhập các thiết bị bán dẫn, giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào chip bán dẫn nhập khẩu của nước này.
Tuy nhiên, hai siêu cường được cho là sẽ nỗ lực tập hợp lực lượng trong năm tới để gia tăng sức ép với nhau, khiến các điểm nóng an ninh trên thế giới sẽ diễn biến khó lường hơn với sự tham gia tích cực hơn của Nga, Ấn Độ, châu Âu, Australia, Nhật Bản.
Sĩ quan hải quân Mỹ dùng ống nhòm quan sát từ khu trục hạm USS John S. McCain di chuyển trên Biển Đông hồi tháng 2/2021. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Tầm nhìn về trật tự thế giới đa cực đang thúc đẩy Điện Kremlin quyết liệt bảo vệ ảnh hưởng của mình ở châu Âu với những động thái quân sự dọc biên giới Ukraine, khiến phương Tây ngày càng lo ngại và đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt. Nguy cơ bị trừng phạt lại thúc đẩy Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc, tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng và quốc phòng.
Hai chuyên gia Andrew Sheng, Viện châu Á Toàn cầu (AGI) thuộc Đại học Hong Kong, và giáo sư Xiao Geng, chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế Hong Kong, nhận định điều này sẽ định hình xu hướng đa cực hóa trong trật tự quốc tế.
Theo nghiên cứu Chỉ số Sức mạnh châu Á 2021 được Viện Lowy của Australia công bố đầu tháng 12/2021, Mỹ tái gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực so nhờ đà hồi phục giữa đại dịch Covid-19 tốt hơn dự kiến. Trong khi đó, Trung Quốc đóng cửa chống dịch và giảm hoạt động ngoại giao truyền thống. Tuy nhiên, Giám đốc nghiên cứu Viện Lowy Herve Lemahieu cảnh báo Mỹ có giữ được xu hướng này hay không sẽ tùy vào khả năng duy trì ảnh hưởng kinh tế ở khu vực.
Các dòng chảy thương mại giữa Trung Quốc và phần còn lại của châu Á đang gấp ba lần của Mỹ với khu vực. Dù chính quyền Biden đang quan tâm hơn đến đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các chuyên gia cảnh báo Washington qua các đời tổng thống vẫn đang quá chú trọng vào khía cạnh quân sự và an ninh, tạo áp lực chọn phe lên các nước.
"Mỹ đang rơi vào tình trạng ngày càng thiếu liên kết với kinh tế, chính trị châu Á", Lemahieu nói.
Ngọn lửa đối đầu, đua tranh quyết liệt sẽ càng bùng lên khi nhiều nước trên thế giới sẽ bước vào các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2022.
Ở phương Tây, cuộc đua giành phiếu tiếp tục là màn đối đầu giữa xu thế toàn cầu hoá và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Tại châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4/2022 nhiều khả năng quyết định hướng đi cho khu vực trong nửa thập niên tiếp theo.
Giới quan sát nhận định Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều khả năng sẽ tuyên bố tái tranh cử trong đầu năm sau, đối đầu với Marine Le Pen, chủ tịch đảng Tập hợp Dân tộc (tiền thân là đảng Mặt trận Dân tộc), ngọn cờ đầu của phong trào thoát ly EU tại Pháp.
Phía bên kia Đại Tây Dương, Mỹ sẽ bước vào kỳ bầu cử quốc hội giữa kỳ, có thể định đoạt thành tựu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden nếu đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ.
Tại châu Á, cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 3 có khả năng khiến tình hình bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt trở lại. Ứng viên phe đối lập Yoon Suk-yeol, đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), chủ trương tăng hợp tác cùng Nhật Bản và Mỹ để gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Dù Yoon vẫn ủng hộ chính sách ngoại giao với Bình Nhưỡng, ông tuyên bố Seoul cần sách lược lý trí thay cho dân túy, nhấn mạnh nếu đắc cử tổng thống, ông sẵn sàng cho Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ "trong trường hợp khẩn cấp".
Nếu Yoon lên nắm quyền và tình thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân không được tháo gỡ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sau hai năm chú trọng bảo vệ nền kinh tế và xã hội trước Covid-19, có thể quay lại với chiến lược "ngoại giao tên lửa", theo các phân tích từ dự án nghiên cứu Triều Tiên 38 North thuộc Trung tâm Henry L. Stimson của Mỹ.
Trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, thế giới trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ không chứng kiến những bước tiến lớn. Theo các bình luận viên của FT, dù các nước đã đưa ra nhiều cam kết tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng ít nhất 1,8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thậm chí có thể tăng tới 2,4 độ C.
Hội nghị khí hậu COP27 sẽ diễn ra ở Ai Cập vào tháng 11, nhưng mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C sẽ rất khó đạt được, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mỹ chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ cải thiện mục tiêu khí hậu trong năm 2022.
Bởi vậy, giới chuyên gia dự đoán thế giới năm nay sẽ tiếp tục chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng liên quan đến nhiệt độ toàn cầu ấm lên, ảnh hưởng nặng nề đến sinh mạng và kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Ngoài những lo ngại địa chính trị, kinh tế và khí hậu, thế giới năm 2022 vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tháng đầu năm, khi biến chủng Omicron lây lan "như sóng thần" ở nhiều quốc gia.
Xe phun khử khuẩn trên đường phố Tây An, Trung Quốc hôm 28/12/2021. Ảnh: VCG.
Nhiều chuyên gia dịch tễ dự đoán Omicron sẽ tiếp tục lây nhiễm cho hàng tỷ người trong năm 2022. Bởi vậy, bình luận viên Clive Cookson của FT dự đoán sẽ không ngạc nhiên nếu một biến chủng mới xuất hiện trong năm nay và có tốc độ lây lan thậm chí còn nhanh hơn. Mức độ nguy hiểm của biến chủng mới đến đâu sẽ phụ thuộc vào chiến dịch tiêm chủng cũng như nỗ lực phòng dịch của các quốc gia trên thế giới.
Toàn thế giới đến nay đã tiêm gần 9 tỷ liều vaccine, nhưng ở một số khu vực như châu Phi, mới chỉ có 12% dân số được tiêm ít nhất một liều. Sáng kiến vaccine toàn cầu Covax đến nay mới phân phối được 400 triệu liều vaccine, quá ít so với mục tiêu 1,9 tỷ liều trước cuối năm 2021. Giới chuyên gia dự đoán với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, châu Phi sẽ không thể tiêm cho phần lớn dân số của mình trong năm 2022.
Càng nhiều người trên thế giới chậm được tiêm chủng, nguy cơ virus đột biến thành biến chủng mới nguy hiểm hơn, có khả năng né tránh vaccine càng cao. Một số chuyên gia cũng cảnh báo ngay cả khi độ phủ vaccine tăng lên, Covid-19 cũng không biến mất và nhân loại cần sẵn sàng sống chung với nó như một loại bệnh đặc hữu.
Dù vậy, vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan trong nỗ lực ứng phó đại dịch và cơ hội để nhân loại chiến thắng Covid-19 đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyenus trong thông điệp năm mới kêu gọi thế giới hành động để giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine giữa các nước ngay trong năm 2022.
"Nếu chúng ta chấm dứt bất bình đẳng vaccine, chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch và cơn ác mộng toàn cầu mà tất cả chúng ta đang trải qua", ông nhấn mạnh.
Thế giới cũng đang dần mở cửa trở lại, chuyển sang chiến lược "sống chung với Covid-19" nhờ sự xuất hiện của các loại thuốc điều trị mới và cải tiến vaccine đối phó biến chủng nCoV.
Trong khi đó, các nhà khoa học trên khắp thế giới cũng đang nỗ lực nghiên cứu một loại vaccine có thể chống lại được tất cả biến chủng của nCoV. Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Toàn cầu Gillings thuộc Đại học Bắc Carolina, Mỹ đã thu được kết quả đáng khích lệ khi thử nghiệm một loại vaccine như vậy trên động vật, bằng cách trộn mRNA từ nhiều chủng nCoV để phát triển vaccine mới.
"Với tín hiệu lạc quan đó, đà phục hồi kinh tế thế giới được kỳ vọng duy trì mạnh mẽ trong năm sau, với tổng sản lượng nền kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ lần đầu trong lịch sử vượt mốc 100.000 tỷ USD", Douglas McWilliams, phó chủ tịch hãng tư vấn tài chính Cebr tại Anh, nhận định.
Trung Nhân (Theo CFR, Foreign Affairs, Foreign Policy)