'Thợ săn' virus từng trăn trở về chợ Vũ Hán

 Tiến sĩ Holmes, nhà sinh học người Anh tại Đại học Sydney, tháng 10/2014 tới Trung Quốc để khảo sát hàng trăm loại động vật và tìm kiếm những loại virus mới.

Khi tới thăm thành phố 11 triệu dân Vũ Hán, các nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố đã đưa Holmes tới chợ hải sản Hoa Nam. Trong những gian hàng có khả năng thông gió kém, ông nhìn thấy nhiều động vật hoang dã còn sống như rắn, lửng, chuột hương, chim được bán làm thực phẩm. Nhưng những con lửng chó khiến Holmes đặc biệt chú ý và rút điện thoại chụp ảnh lại.

Là một trong những chuyên gia về tiến hóa của virus, tiến sĩ Holmes có hiểu biết sâu sắc về cách virus có thể truyền từ loài này sang loài khác, đôi khi gây ra những hậu quả chết người. Trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2002 do một loại virus corona xuất phát từ dơi ở Trung Quốc gây ra, virus đã lây nhiễm qua một số loại động vật có vú hoang dã trước khi lây sang người. Một trong những "nghi phạm" hàng đầu của nhóm động vật trung gian chính là lửng chó.

"Bạn không thể có ví dụ nào tốt hơn về dịch bệnh có nguy cơ xảy ra", Holmes, 57 tuổi, nói.

Nhà sinh học người Anh Edward Holmes. Ảnh: NY Times.

Holmes cố hết sức để không bị chú ý khi chụp ảnh những con lửng chó, loài có quan hệ họ hàng gần với cáo. Sau đó, ông chụp thêm vài bức ảnh về các loại động vật khác, trước khi bỏ vội điện thoại vào túi và rời đi.

Những bức ảnh mờ dần trong ký ức của ông cho đến ngày cuối cùng năm 2019. Khi Holmes lướt Twitter ở nhà tại Sydney, ông nghe tin về đợt bùng phát đáng báo động ở Vũ Hán, một bệnh viêm phổi giống như SARS với các ca ban đầu liên quan tới chợ Hoa Nam. Ông lập tức nghĩ ngay tới những con lửng chó.

"Vài năm trước tôi đã nghĩ đến nguy cơ đại dịch bùng phát. Sau đó nó xảy ra một cách nghiêm trọng", ông nói.

Săn virus ở Trung Quốc

Quay trở lại năm 2012, khi đang chuẩn bị chuyển tới Đại học Sydney làm việc, Holmes nhận được email bất ngờ từ nhà virus học Trung Quốc Yong-Zhen Zhang cùng lời đề nghị hợp tác nghiên cứu virus. Holmes đã đồng ý.

Hai người đã cùng nhau nghiên cứu hàng trăm loại động vật ở Trung Quốc và tìm thấy hơn 2.000 loại virus mới. Họ phát hiện ra nhiều điều bất ngờ như cá và ếch cũng có thể bị cúm.

"Điều này đã giúp mở mang tầm mắt", Andrew Rambaut, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Edinburgh ở Scotland, nói. "Các loài virus ngoài tự nhiên thật sự rất đa dạng".

Chuyến thăm chợ hải sản Hoa Nam năm 2014 là một trong những chuyến đi mà Holmes và Zhang hợp tác với nhau. Sau chuyến thăm, ông Holmes đã hy vọng có thể sử dụng các kỹ thuật giải trình tự gene mà họ đã phát triển để khảo sát các loại động vật ở chợ. Nhưng các đồng nghiệp của ông quan tâm nhiều hơn tới việc tìm kiếm virus ở người.

Tiến sĩ Zhang và Holmes bắt đầu làm việc với các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, tìm kiếm RNA của virus trong các mẫu sinh phẩm dịch phổi của người bị viêm phổi. Với dự án hợp tác này, ông được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc năm 2014 - 2020.

Tháng trước, tiến sĩ Holmes và các đồng nghiệp đã công bố báo cáo đầu tiên về dự án, dựa trên 408 mẫu sinh phẩm thu từ bệnh nhân trong giai đoạn 2016-2017. Nhiều bệnh nhân trong đó đã nhiễm nhiều hơn một loại virus, trong khi một số khác nhiễm cả vi khuẩn và nấm. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn thấy bằng chứng về một đợt bùng phát không được phát hiện, khi 6 bệnh nhân bị nhiễm loại Enterovirus giống hệt nhau về mặt di truyền.

Holmes và Zhang đã tiếp tục khảo sát các loại virus, kiểm tra đất, trầm tích và phân động vật trên khắp Trung Quốc. Nhưng công việc đó đã dừng vào cuối tháng 12/2019.

Một con lửng chó được tiến sĩ Holmes chụp ở chợ Hoa Nam, Vũ Hán, Trung Quốc năm 2014. Ảnh: NY Times.

Bước ngoặt

Cuối năm 2019, khi Zhang nhận được thông tin về bệnh viêm phổi mới ở Vũ Hán, ông đã yêu cầu đồng nghiệp ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán gửi mẫu dịch phẩm của một bệnh nhân. Nó được gửi đến vào ngày 3/1/2020. Ông đã sử dụng những kỹ thuật mà ông và tiến sĩ Holmes hoàn thiện để tìm kiếm virus. Hai ngày sau, đội của Zhang giải trình tự gene của loại virus corona mới, SARS-CoV-2 (nCoV).

Zhang và Holmes bắt đầu viết bài về bộ gene này, về sau đăng trên tạp chí Nature. Zhang tải thông tin bộ gene virus mới lên cơ sở dữ liệu công khai do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) quản lý. Nhưng cơ sở dữ liệu mới cần nhiều thời gian để bình duyệt, nên nhiều ngày trôi qua mà thông tin chưa được công bố.

Holmes đã kêu gọi các cộng sự tìm cách khác chia sẻ bộ gene với thế giới. "Tôi có cảm giác phải làm điều đó", ông nói.

Tới ngày 10/1/2020, họ đồng ý chia sẻ nó lên một diễn đàn dành cho các nhà virus học và Holmes đã đưa nó lên mạng.

Quyết định này là một bước ngoặt, theo Jason McLellan, nhà sinh học cấu trúc tại Đại học Texas ở Austin, Mỹ, người đã nghiên cứu về công nghệ mRNA để sản xuất vaccine Moderna. Chỉ khi có trình tự gene đó, các nhà nghiên cứu mới có thể bắt đầu các thử nghiệm, sản xuất thuốc và vaccine. McLellan nói các nhà khoa học giống như các vận động viên điền kinh đang ở vạch xuất phát, chờ đợi tiếng súng phát lệnh.

"Nó bắt đầu ngay khi Holmes và Zhang đăng trình tự gene", ông nói. "Lập tức, Twitter sôi sục và các email được trao đổi. Cuộc đua bắt đầu".

Tranh cãi về nguồn gốc Covid-19

Tiến sĩ Holmes hiện là trung tâm của cuộc tranh luận về nguồn gốc nCoV.

Sau khi giải trình tự gene nCoV, Holmes bị bối rối khi thấy một số mảnh vật chất di truyền giống như chúng được đưa vào thông qua kỹ thuật di truyền (thao tác thay đổi gene bằng công nghệ sinh học). Trong cuộc họp trực tuyến ngày 1/2/2020, Holmes chia sẻ những lo lắng với các chuyên gia khác, trong đó có tiến sĩ Francis Collins, giám đốc NIH, và tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà khoa học giải thích rằng những đặc điểm đó của bộ gene có thể dễ dàng được tạo ra thông qua quá trình tiến hóa tự nhiên của virus.

Sau đó, Holmes đã giúp các nhà khoa học tại Đại học Hong Kong phân tích một loại virus corona được tìm thấy ở tê tê, khá giống với nCoV. Virus này đặc biệt giống với nCoV về phần gai protein, bộ phận mà virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào.

Việc phát hiện một đặc điểm sinh học như vậy ở một loại virus trong động vật hoang dã đã củng cố niềm tin của tiến sĩ Holmes rằng nCoV không phải là sản phẩm của kỹ thuật di truyền mà xuất phát từ tự nhiên.

Ông và đồng nghiệp đã trình bày một số phát hiện trong một bài viết được công bố hồi tháng 3/2020. Cùng tháng đó, ông công bố một số bức ảnh của mình về những loại động vật bị nhốt ở chợ Hoa Nam, chỉ ra đây có thể là nơi virus lây lan qua động vật.

Nhưng giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý. Tiến sĩ Holmes đã bị chỉ trích vì làm việc với các nhà khoa học Trung Quốc. Tờ Daily Telegraph tháng 5/2020 đưa tin rằng hai nhà khoa học Trung Quốc từng hỗ trợ Holmes có mối quan hệ với một phòng thí nghiệm quân đội Trung Quốc.

Trong các báo cáo được công bố tháng trước, tiến sĩ Holmes và hơn 30 cộng sự đã phân tích những ca Covid-19 đầu tiên, phát hiện họ tập trung quanh chợ Hoa Nam, đồng thời kiểm tra các đột biến trong các mẫu virus ban đầu.

Chris Newman, nhà sinh vật học động vật hoang dã tại Đại học Oxford và là đồng tác giả nghiên cứu, nói các đồng nghiệp Trung Quốc của ông đã thấy nhiều động vật có vú hoang dã được bán ở chợ Hoa Nam vào cuối năm 2019. Bất kỳ loại nào trong số đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới đại dịch, theo Holmes.

"Chưa thể chứng minh nguồn lây là những con lửng chó, nhưng chúng chắc chắn là đối tượng tình nghi", ông nói.

Chợ Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc năm 2014. Ảnh: NY Times.

Một số nhà chỉ trích đặt câu hỏi làm cách nào mà tiến sĩ Holmes và các đồng nghiệp có thể chắc chắn một loại động vật ở chợ Hoa Nam là nguyên nhân. Dù nhiều trường hợp Covid-19 đầu tiên liên quan tới chợ này, chưa chắc các trường hợp Covid-19 đầu tiên thực sự được phát hiện ở đây.

"Chúng ta vẫn biết quá ít về những ca đầu tiên và có thể có thêm các trường hợp khác mà chúng ta không biết, để có thể đưa ra kết luận cuối cùng", Filippa Lentzos, chuyên gia về an ninh sinh học tại Đại học King ở London, Anh, nói.

Một vấn đề khác là nếu động vật thực sự là nguồn gây đại dịch, chúng sẽ không bao giờ được tìm thấy. Vào tháng 1/2020, khi các nhà nghiên cứu từ CDC Trung Quốc tới chợ để điều tra, tất cả động vật đã biến mất.

Nhưng Holmes tranh luận rằng có quá đủ bằng chứng để thấy các khu chợ động vật có thể gây ra các đại dịch khác. Tháng trước, ông và đồng nghiệp Trung Quốc công bố một nghiên cứu về 18 loài động vật thường được bán ở chợ, do bắt được trong tự nhiên hoặc được nuôi trong trang trại.

"Chúng đều chứa virus", Holmes nói.

Hơn 100 loại virus lây nhiễm cho động vật có xương sống đã được phát hiện, trong đó có một số mầm bệnh tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho con người. Và một số loại virus gần đây vượt qua rào cản chủng loại, như cúm gia cầm lây cho lửng, virus corona ở chó lây cho lửng chó. Một số động vật cũng bị nhiễm virus ở người.

Tiến sĩ Holmes cho rằng cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ đại dịch tương lai là thực hiện các nghiên cứu về sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã và con người. Kinh nghiệm của ông về tìm kiếm các loại virus mới cho thấy liệt kê tất cả các mối đe dọa tiềm ẩn trong thế giới hoang dã không phải là cách làm hợp lý.

"Bạn không bao giờ có thể lấy mẫu tất cả các loại virus ngoài kia và sau đó tìm ra loại virus nào trong đó có thể nhiễm bệnh cho con người. Tôi không nghĩ nó khả thi", ông nói.

Thanh Tâm (Theo NY Times)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14019
Số người truy cập:
7613683