Những đồng meme coin hay parody coin (tiền số bắt đầu từ một trò đùa) đang có giá cao. Những chiến lược quảng cáo dựa trên người nổi tiếng cho các nền tảng giao dịch ngày càng nhiều. Cơn sốt NFT gần đây cũng thu hút những người nổi tiếng như cựu đệ nhất phu nhân Melania Trump.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy tiền số có thể sắp sửa tiến tới một đợt bán tháo lớn. Và những thay đổi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh quá trình này.
Một tín hiệu đáng chú ý là khối lượng giao dịch cho cả tiền số và NFT đều đang giảm sau khi đợt tăng vọt theo hình parabol. Báo cáo tài chính quý III của Block và Coinbase Global - công ty dịch vụ tài chính tập trung vào tiền số, cho thấy doanh thu từ giao dịch tiền số thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng. Giao dịch trên nền tảng của các công ty này cũng chậm lại. Tổng giá trị của NFT được mua bán trên thị trường đã giảm liên tiếp từ mức đỉnh tháng 8.
Thuyết "kẻ ngốc hơn" (greater fool) cho rằng, việc mua những tài sản được định giá quá cao vẫn là tốt, miễn là có thể bán chúng với giá cao hơn. Tuy nhiên, giao dịch giảm dần cho thấy thị trường tiền số đang vơi dần những "kẻ ngốc hơn". Nguyên nhân là phần lớn tiền số và NFT không có giá trị trong thế giới thực. Chúng được sử dụng chủ yếu cho giao dịch đầu cơ. Các nhà đầu tư cũng đang dần mất đi niềm tin về tiền số và NFT.
Chính phủ Mỹ và Fed đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế trong giai đoạn Covid-19 thông qua chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ. Một phần số tiền đó đã chảy vào các loại tài sản mang tính rủi ro như tiền số và NFT. Nhưng khi Fed rút dần các gói kích thích kinh tế, tiền số có thể sẽ là một trong những tài sản đầu tiên biến mất.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Số liệu lạm phát tháng 10 đã kích hoạt một đợt bán tháo Bitcoin khi các nhà giao dịch bắt đầu dự đoán Fed sẽ dừng kích thích để kìm hãm lạm phát. Giá các loại tiền số giảm khoảng 30% so với mức đỉnh đầu tháng 11. Bitcoin tiếp tục giảm cuối tuần trước sau khi Fed thông báo sẽ tăng lãi suất năm tới.
Bitcoin và các tiền số khác đang chịu sức ép giảm giá do chính sách tiền tệ sẽ được siết chặt. Ảnh: Bloomberg
Tuy nhiên, gần đây, thị trường bắt đầu ghi nhận dấu hiệu đáng chú ý khi nhiều công ty kinh doanh về tiền số tích cực chi tiền để gắn tên mình lên các sân vận động. Đây được xem là sự báo hiệu cho thành công khi nhiều năm về trước, cách quảng cáo này mang lại thắng lợi vượt bậc cho các doanh nghiệp tiên phong.
Hơn 20 năm trước, Enron công bố một hợp đồng trị giá 100 triệu USD kéo dài 30 năm để gắn tên của mình lên sân nhà của đội bóng chày Houston Astros. Ngay sau đó, tập đoàn internet CMGI ký một hợp đồng trị giá 114 triệu USD để đặt tên cho sân vận động New England Patriots. Cả hai công ty sau đó đều rất thành công.
Tháng trước, Crypto.com - một nền tảng giao dịch 5 năm tuổi, ký một thỏa thuận kéo dài 20 năm để đổi tên Staples Center ở Los Angeles thành Crypto.com Arena với giá 700 triệu USD. Đầu năm nay, FTX - một công ty tiền số trẻ đang phát triển nhanh, đã mua lại quyền đặt tên cho sân đấu của đội Miami Heat.
Với nhiều người, con sốt tiền số và NFT hiện tại là điều rất khó hiểu, giống như những giao dịch hàng trăm triệu USD để đặt tên cho một sân vận động trước đây. Một số người xem thị trường tiền số là một trò giải trí, nhưng không phải là trò đùa. Khi các đợt sóng qua đi, một số người sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng một số sẽ tay trắng. Hãy luôn nhớ điều đó.
Tất Đạt (theo Bloomberg)