Ứng viên cực hữu chiến thắng bầu cử tổng thống Brazil
Tổng thống đắc cử Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: Reuters. |
Kết quả bỏ phiếu vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Brazil diễn ra hôm qua cho thấy ứng viên cực hữu Jair Bolsonaro đã giành 56% số phiếu bầu, dẫn trước 8 điểm phần trăm so với ứng viên trung tả thuộc đảng Công nhân Fernando Haddad, theo Al Jazeera.
Chiến thắng của ông Bolsonaro được dự đoán sẽ tạo ra thay đổi đáng kể đối với nền kinh tế lớn nhất và cũng là quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ này.
Sau khi kết quả được công bố, ông Bolsonaro đã có bài phát biểu trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, bỏ qua màn họp báo như truyền thống vì các mối lo ngại về an ninh. Hồi tháng 9, ông bị một kẻ lạ mặt đâm dao vào bụng trong một cuộc vận động tranh cử.
Trong chiến dịch vận động chạy đua cho ghế tổng thống, Bolsonaro tuyên bố sẽ đối phó với tình trạng tội phạm bạo lực đang gia tăng ở Brazil, đồng thời cam kết cải cách luật sở hữu súng đạn. Những người ủng hộ cho rằng Bolsonaro sẽ là người thiết lập lại an ninh và an toàn cho Brazil.
Hàn Quốc chưa có kế hoạch cụ thể cho chuyến thăm của Kim Jong-un
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đón tại sân bay ở Bình Nhưỡng sáng 18/9. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 28/10 cho biết ông sẵn sàng đưa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên núi Halla, ngọn núi cao nhất nước này nằm ở phía nam đảo Jeju, nếu lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc, Yonhap đưa tin. Tuy nhiên, Tổng thống Moon cũng thêm rằng hai bên chưa lên bất kỳ lịch trình cụ thể nào, vì vậy chưa có kế hoạch nào được đưa ra.
Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng trước, ông Moon và ông Kim đã cùng leo núi Paekdu, ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc đang thúc đẩy tổ chức chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên tới Seoul trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chuyến thăm này có thể bị hoãn lại sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra, dự kiến vào đầu năm sau.
Giáo hoàng lên án vụ tấn công giáo đường Do Thái ở Mỹ
Giáo hoàng Francis trong một cuộc họp với các tín hữu tại Rome, Italy hôm 14/5. Ảnh: Reuters. |
Giáo hoàng Francis hôm qua gọi vụ xả súng ngày 27/10 nhằm vào giáo đường Do Thái ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, khiến 11 người thiệt mạng là "hành vi bạo lực phi nhân tính", AFP đưa tin.
Giáo hoàng nhấn mạnh những vụ tấn công kiểu này luôn khiến tất cả mọi người cảm thấy đau đớn. Ông gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, đồng thời cầu nguyện những thù hằn sắc tộc sẽ chấm dứt và giá trị đạo đức được đề cao.
Cảnh sát xác định nghi phạm gây ra vụ xả súng là Robert Bowers, công dân thành phố Pittsburgh. Ngoài 11 người thiệt mạng còn có 6 người bị thương. Đây được coi là một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất chống lại người Do Thái trong lịch sử Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã lên án hành động này, gọi đây là "vụ giết người hàng loạt ác độc".
Khashoggi có thể từng định công bố việc Arab Saudi dùng vũ khí hóa học
Jamal Khashoggi trong một cuộc họp báo ở Manama, thủ đô Bahrain, hồi năm 2014. Ảnh: AFP. |
Báo Express của Anh ngày 28/10 đưa tin một nguồn tin gần gũi với nhà báo Jamal Khashoggi cho biết trước thời điểm bị sát hại, ông đang có kế hoạch tiết lộ về việc Arrab Saudi sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến tại Yemen.
Nguồn tin cho hay ông gặp Khashoggi khoảng một tuần trước khi nhà báo này khoảng một trước khi mất tích và bị sát hại. Khashoggi nói rằng ông đã thu thập được bằng chứng Arab Saudi dùng vũ khí hóa học và đang chờ thêm một số tài liệu làm bằng chứng. Lúc bấy giờ, Kashoggi tỏ ra khá lo lắng và bồn chồn.
Arab Saudi trước đây bị cáo buộc sử dụng đạn phốt pho trắng trong cuộc xung đột tại Yemen.
4.000 tay súng IS tái chiếm khu vực miền đông Syria
Phiến quân IS ở Syria. Ảnh: Zaman Al Wasl. |
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), trụ sở ở Anh, ngày 28/10 cho hay các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đánh bật Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) khỏi thị trấn Hajin, chiến lại toàn bộ những khu vực ở phía đông nước này, AFP đưa tin.
Một chỉ huy SDF giấu tên xác nhận họ đã rút lui khỏi thị trấn Hajin, gần biên giới Iraq, sau 7 tuần giao tranh tại đây. SDF, được Mỹ hậu thuẫn, phát động chiến dịch tấn công thành trì của IS từ ngày 10/9 song gặp sự phản kháng quyết liệt và dường như "không chuẩn bị đầy đủ để đối đầu với IS", theo giới quan sát.
Vệ sĩ của bộ trưởng Sri Lanka nổ súng vào người biểu tình
Lực lượng an ninh Sri Lanka ngăn chặn người biểu tình trước tòa nhà của Bộ Dầu mỏ ở thủ đô Colombo. Ảnh: Reuters. |
Một người thiệt mạng và hai người bị thương sau khi các vệ sĩ của Bộ trưởng Dầu mỏ Sri Lanka Arjuna Ranatunga chiều qua nổ súng vào đám đông người ủng hộ Tổng thống Maithripala Sirisena, trong bối cảnh căng thẳng chính trị ở quốc gia này đang gia tăng, theo Guardian.
Vụ nổ súng xảy ra không lâu sau khi Tổng thống Sirisena ra quyết định đình chỉ hoạt động của quốc hội tới ngày 16/11 và cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Tuy nhiên, Thủ tướng Wickremesinghe tuyên bố việc sa thải ông là không phù hợp với hiến pháp và đã từ chối rời chức vụ.
Một trong các vệ sĩ của ông Ranatunga đã bị bắt. Cảnh sát phải thắt chặt an ninh xung quanh các tòa nhà chính phủ để ngăn người biểu tình quá khích gây rối sau vụ nổ súng.
Nga bắt hàng chục người biểu tình đòi thả 10 thanh niên bị cáo buộc đảo chính
Một người bị bắt khi tham gia cuộc biểu tình ở Moskva ngày 28/10. Ảnh: AP. |
Những người biểu tình bị bắt sau khi kêu gọi chính quyền trả tự do cho 10 thanh niên Nga bị bắt với cáo buộc có xu hướng cực đoan và "âm mưu đảo chính", AFP đưa tin.
Theo tổ chức giám sát độc lập OVD-Info, 18 người đã bị bắt ở Moskva và 40 người bị bắt ở Saint Petersburg trong các cuộc biểu tình ngày 28/10. Những người biểu tình cho rằng cơ quan an ninh Nga đã ngụy tạo các bằng chứng chống lại 10 thanh niên này.
10 thanh niên Nga bị bắt hồi tháng ba với cáo buộc "âm mưu đảo chính" và thành lập một "tổ chức cực đoan" vì những đoạn tin nhắn trao đổi trên mạng của họ.