"Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc, thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình.
Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi", đó là những dòng tâm sự của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên một số báo Tết Tân Mùi - 1991. Đây được xem là những lời chân xác mà Trịnh Công Sơn lý giải việc ông dấn thân vào cuộc chơi cùng bảng màu, cọ vẽ.
"Khỏa thân" - Tranh sơn dầu Trịnh Công Sơn. |
* Ảnh: Những 'nốt màu' trong tranh Trịnh Công Sơn |
10 năm sau ngày ông mất, hơn 50 bức tranh và ký họa chân dung ông sáng tác được giới thiệu qua triển lãm chủ đề Nốt màu, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Số tranh này được Trịnh Công Sơn vẽ trong nhiều năm, từ thời trẻ sống ở Huế cho đến những năm cuối đời sống tại ngôi nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP HCM.
Khi sáng tác, Trịnh Công Sơn sử dụng nhiều chất liệu, từ màu nước, phấn tiên đến sơn dầu. Ở mỗi chất liệu, ông cho thấy khả năng sáng tạo đầy cảm xúc với hội họa. Tranh Trịnh Công Sơn nhiều khi giản lược đường nét đến mức tối thiểu, chỉ để lại những vệt sáng của màu sắc như những nốt nhạc nhỏ, nhẹ nhàng kết hợp ngân thành giai điệu trên vải vẽ. Cũng như với âm nhạc, trong tranh ông, một mặt Trịnh Công Sơn phô bày cái tôi cô đơn, trống vắng và những khoảng lặng của một kiếp người; mặt khác, ông thổi vào đó sự sống hồn nhiên, trong trẻo và lãng mạn của tâm hồn luôn yêu con người, cuộc đời và luôn khao khát tìm kiếm những tin yêu nhỏ bé.
Nói như họa sĩ Nguyễn Trung trong lần triển lãm tranh của 3 tác giả Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn vào tháng 1/1989 thì: "Trịnh Công Sơn đã trở thành họa sĩ thực thụ".
"Ly rượu màu đỏ" - Tranh sơn dầu Trịnh Công Sơn. |
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhiều lần triển lãm tranh cùng các họa sĩ chuyên nghiệp như Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn, Bửu Chỉ tại vài gallery ở TP HCM. Ông còn vẽ nhiều bìa và phụ bản các tập nhạc của chính mình; nhiều ký họa chân dung các nhân vật ông gần gũi, thân quen từng được in trên các báo, tạp chí…
Những tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm này phần lớn thuộc về gia đình Trịnh Công Sơn, một vài bức được mượn từ các sưu tập tư nhân và một số bức là phiên bản, được thực hiện theo nguyên bản trong các bộ sưu tập ở nước ngoài. Hơn 50 tranh và ký họa, dù chưa phải là một lời giới thiệu toàn diện về hội họa Trịnh Công Sơn nhưng ít nhiều giúp công chúng hình dung được phong cách cũng như cảm xúc ông với hội họa.
Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phối hợp thực hiện, kéo dài đến ngày 15/4. Hoạt động này nằm trong loạt chương trình "Mười năm nhớ Trịnh Công Sơn".
Thoại Hà