Thanh tra Chính phủ: MobiFone định giá AVG sai số hơn 8 lần

 

Nếu trừ nợ phải trả, giá trị của AVG chưa đến 2.000 tỷ đồng nhưng MobiFone lại lấy con số 16.565 tỷ làm căn cứ mua bán. 

AVG luôn khó khăn từ khi thành lập, lỗ luỹ kế liên tục nhưng MobiFone lại sử dụng kết quả thẩm định giá xác định AVG giá trị 16.565 tỷ đồng làm căn cứ giá mua cổ phần. Con số này được đưa ra bởi Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) với những cơ sở đầu vào theo Thanh tra Chính phủ là "thiếu tin cậy".

Giá trị vốn chủ sở hữu của AVG chưa đến 2.000 tỷ đồng nhưng MobiFone lại sử dụng kết quả thẩm định giá lên tới hơn 16.000 tỷ đồng để làm căn cứ mua cổ phần. 

Giá trị vốn chủ sở hữu của AVG chưa đến 2.000 tỷ đồng nhưng MobiFone lại sử dụng kết quả thẩm định giá lên tới hơn 16.000 tỷ đồng để làm căn cứ mua cổ phần. 

Nhưng thực tế, giá trị của AVG chưa bằng một phần tám con số này. Theo Thanh tra Chính phủ, AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào không có cơ sở để xác định giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng.

Trong khi đó, nếu loại trừ con số này và nợ phải trả 1.134 tỷ đồng của AVG thì giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm cuối tháng 3/2015 chỉ là 1.983 tỷ đồng. Con số này còn chưa tính đến việc định giá lại giá trị thực của các khoản AVG đã đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp. Như vậy cũng đồng nghĩa, kết quả định giá 16.565 tỷ đồng của AMAX gấp tới hơn 8 lần so với tính toán của Thanh tra Chính phủ.

Việc MobiFone không trừ các khoản nợ phải trả 1.134 tỷ đồng khi đàm phán giá mua cổ phần đã gây thiệt hại số tiền tương ứng.

So sánh mức 1.983 tỷ đồng với “giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Trong suốt quá trình thẩm định giá của AVG, MobiFone đã làm trái và thiếu trách nhiệm từ việc lựa chọn tư vấn cho đến nghiệm thu. Cụ thể, Tổng công ty này chọn Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) và đã chuyển hồ sơ yêu cầu cho VCBS trước cả khi phát hành hồ sơ. Ngoài ra, MobiFone cũng cho nhà thầu bổ sung tài liệu vào hồ sơ đề xuất sau khi đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu. Cách làm này, theo Thanh tra Chính phủ, vi phạm hành vi bị cấm tại Điều 89 của Luật Đấu thầu.

Khi lựa chọn Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX), MobilFone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong 3 đơn vị tư vấn, không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu, vi phạm quy định của Chính phủ.

Việc MobiFone nghiệm thu kết quả thẩm định của AMAX và nhận xét, đánh giá kết quả thẩm định này “tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam” theo cơ quan thanh tra là thể hiện sự thiếu trách nhiệm. Bởi Thanh tra Chính phủ cho rằng kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không khách quan, không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy, vi phạm quy định các tiêu chuẩn thẩm định giá. Kết quả đó cũng giới hạn không đúng nhiều nội dung quan trọng, nhất là về cơ sở, tính khả thi của nguồn số liệu kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020 của AVG mà đơn vị tư vấn đã sử dụng để xác định giá trị đơn vị này.

Theo Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền theo hợp đồng mà MobiFone đã ký với 2 công ty tư vấn là 3,19 tỷ đồng và đã chi số tiền 1,54 tỷ đồng. Cơ quan này kiến nghị Chủ tịch HĐTV, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, kế toán chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý số tiền đã chi cho 2 công ty tư vấn.

Nguyễn Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8571
Số người truy cập:
8521053