Thành phố cực bắc của Mỹ sắp chìm trong bóng tối 66 ngày

 Thành phố Utqiagvik nằm ở bang Alaska. Ảnh: Bonnie Jo Mount/The Washington Post

Thành phố Utqiagvik nằm ở bang Alaska. Ảnh: Bonnie Jo Mount/The Washington Post

Utqiagvik là thành phố ở cực bắc nước Mỹ, nơi ở của hơn 4.000 người. Thành phố thuộc bang Alaska có nhiều biệt danh, bao gồm "nóc nhà của thế giới" và "điểm bắt đầu của biến đổi khí hậu". Từ tuần này, thành phố sẽ trải qua "đêm vùng cực" kéo dài 66 ngày. Không có ánh sáng Mặt Trời, nhiệt độ tại đây sẽ giảm đáng kể. Utqiagvik có nhiệt độ thấp hơn 0 độ C vào 160 ngày trong năm. Theo đó lần tiếp theo Mặt Trời mọc phía trên đường chân trời là ngày 22/1/2022.

Cư dân ở Utqiagvik vẫn tiếp tục cuộc sống thường nhật không có ánh sáng Mặt Trời. "Trời tối khi bạn về nhà vào buổi trưa. Bạn bật đèn pha vào buổi trưa để lái xe về nhà. Điều đó hơi khác một chút đối với phần lớn người dân ở 48 bang còn lại của Mỹ", Myron McCumber, chủ một nhà trọ trong thành phố, chia sẻ.

Phần lớn cư dân ở khu North Slope là người bản xứ Iñupiat, đã sinh sống ở vùng cực hàng nghìn năm. Trong lịch sử, người Iñupiat sống sót trong khí hậu khắc nghiệt nhờ săn cá voi, tuần lộc, hải tượng, hải cẩu và chim. Do giá rau củ quá cao, săn bắn vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống ở Utqiagvik. Mỗi mùa xuân, cộng đồng ở địa phương lại tụ tập để kỷ niệm mùa đi săn cá voi thành công. Nhưng biến đổi khí hậu khiến săn bắn trở nên khó khăn hơn.

Năm 2017, nhiệt độ ở Utqiagvik tăng nhanh tới mức một thuật toán đánh giá dữ liệu "không thật" và xóa khỏi cơ sở dữ liệu của chính phủ. "Do băng trên biển không còn nhiều, chúng tôi không còn bắt gặp hải cẩu, hải tượng và gấu bắc cực nữa. Biến đổi khí hậu đang thay đổi mô hình di cư của động vật và chim chóc, tất cả tác động mạnh tới các thợ săn", Myron nói.

Phần lớn cư dân ở Utqiagvik sống tách biệt với quá trình thương mại hóa ở 48 bang còn lại. Cả thành phố có 4.500 cư dân nhưng chỉ có 5 nhà hàng.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11561
Số người truy cập:
9007071