Thế rồi, đùng một cái, một “hợp phần” của dự án ngót 10 tỉ trùng tu tôn tạo thành nhà Mạc được thi công. Hai tòa cổng thành cổ kính và nhiều đoạn tường thành đẹp mê hoặc kia được làm mới, bị biến dạng thành những cái “lò gạch 1 ngày tuổi”. Cái hồn cốt của di tích, của rêu phong thuở cũ nó tinh tế lắm, nó như bát nước đầy đã đổ đi không tài nào lấy lại được…
|
|
Sự chắp vá, đắp mới của công cuộc trùng tu đã phá vỡ những giá trị kiến trúc, nghệ thuật vốn có của thành cổ. Người ta đã cố tình làm xấu, làm biến dạng và làm mất đi cái hồn của thành nhà Mạc
|
|
|
Nhà sử học Dương Trung Quốc
|
|
Sau khi trùng tu tôn tạo tốn nhiều tỉ đồng thì hầu như toàn bộ cây cổ thụ, các dấu tích rêu phong của hơn 400 năm lịch sử in dấu trên các bức cổ thành đã bị gọt mất, “phun hóa chất diệt trừ tận gốc cây dại”. Vẻ đẹp hoang phế, gợi bao phong sương (các bước đi của lịch sử cha ông) đã biến mất. Thay vào đó là những kiến trúc đá ong mới tinh khôi, chít chát bằng gạch vữa trắng toát. Đến cả hình dáng của cổng thành cũng thay đổi (thấp hơn so với trước). Người ta còn tống các khối bê tông, hệ thống cọc i-nox và hàng rào xích sắt bao quanh cổng thành, như một cái cổng của nhà trọc phú vừa mới khánh thành. Những người biết yêu di sản đều bất bình gọi đó là “cái lò gạch mới”.
Khi làm việc với cán bộ Sở VH-TT-DL tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi có đặt vấn đề: Sở, với tư cách là chủ đầu tư của dự án, có nghe phản hồi rằng Di tích quốc gia thành nhà Mạc giống một cái lò gạch không? Đại diện Sở trả lời: có nghe chứ. Sở cũng thừa nhận nhiều cái bất cập trong quá trình triển khai dự án trùng tu tôn tạo một di tích quốc gia như vậy.
Thành nhà Mạc trước khi trùng tu - Ảnh: từ hồ sơ của ngành văn hóa
|
Lỗi ở đâu?
Nhà văn Phù Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Tuyên Quang thở dài: Trùng tu kiểu gì thì cũng phải tôn trọng nguyên trạng của di tích chứ. Như hiện nay là người ta đang làm mới di sản thành nhà Mạc. Nhà sử học Dương Trung Quốc nghe tin thành Tuyên biến dạng, bèn gọi cho ông Thế Hùng (Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT-DL) thì chính ông Hùng cũng rất ngạc nhiên về điều này. “Tôi nghe mà trong lòng thấy xót xa và chua chát lắm! Tôi cho rằng đây là một điều rất đáng tiếc. Đứng ở góc độ là một nhà nghiên cứu tôi cảm thấy chạnh lòng về điều này, thấy trách nhiệm của mình cần phải làm gì đó vì sự trường tồn của lịch sử” - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc phải thốt lên.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đặt vấn đề: Di tích Quốc gia thành nhà Mạc là do cấp Bộ quản lý, vậy thì Bộ đã giám sát việc trùng tu chặt chẽ chưa (khi mà chính Cục trưởng Cục Di sản cũng bất ngờ khi hay tin “cái lò gạch” thay thế cho di sản thành cổ xứ Tuyên rồi)? PGS - TS Nguyễn Hải Kế, người nhiều năm tâm huyết với hệ thống di sản Việt Nam, khi nghe tin phải kêu trời: “Cái lò gạch hiện nay không còn một chút dấu vết nào của di tích thành nhà Mạc nữa, thực tế là người ta đã phá hẳn thành nhà Mạc đi”. Vì vậy, ông Kế đề nghị phải đập “cái lò gạch” đó đi, không tiếc nuối, dù việc xây nó vừa qua tốn bao nhiêu tỉ đồng đi nữa. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc “trùng tu” nêu trên và đề nghị xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan...
418 năm lịch sử
Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia thành nhà Mạc (hay còn gọi là thành Tuyên Quang, nằm trên địa bàn TP Tuyên Quang) đã được Nhà nước công nhận từ năm 1991. Thành nhà Mạc được xây năm 1592, tính đến nay đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” với thăng trầm lịch sử 418 năm.
|
Doãn Anh