Thả nổi giá xăng nhưng vẫn cần giám sát

Ngày 16/9, Liên bộ Tài chính - Công Thương ban hành quy chế điều hành giá xăng dầu trong nước theo hướng Nhà nước không bù lỗ, giá cả do doanh nghiệp tự quyết dựa vào diễn biến thế giới và khả năng chấp nhận của người tiêu dùng. Tuyên bố này tuy bất ngờ nhưng không còn gây sốc, bởi vấn đề thả nổi giá và trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp đã được đề cập trong Nghị định số 55 ban hành hồi tháng 5/2007.


Xăng A92 đang có giá 17.000 đồng một lít. Ảnh: Hoàng Hà.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội - Hà Nội nhận xét: "Đây là quyết định thông minh, được ban hành vào thời điểm hợp lý nên buông giá lúc này về cơ bản không gây xáo trộn cho thị trường".

Ông phân tích hiện nay giá dầu thế giới đang giảm mạnh và dự báo có thể quay về ngưỡng 90 USD một thùng. So với các nước trong khu vực, giá xăng dầu hiện tại của VN được xếp vào diện khá cao. Ngân sách Nhà nước đã gần cạn vì cứ phải dốc ra bù lỗ cho xăng dầu. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới đang hạ nhiệt, nên giá bán lẻ trong nước khó có cơ hội tăng, việc trao quyền cho doanh nghiệp tại thời điểm này cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Song ông Phong cho rằng Nhà nước vẫn cần có chế tài để kiểm soát giá. Bởi lẽ, thị trường xăng dầu chưa thực sự cạnh tranh, nếu trao quyền quá lớn cho doanh nghiệp rất dễ dẫn đến vấn đề độc quyền, liên minh tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế VN cho rằng thị trường xăng dầu trong nước đã trải qua vài lần thử lửa khi giá dầu thô vọt lên ngưỡng trên 140 USD một thùng. Điều này có thể khẳng định được nền kinh tế VN đã đủ điều kiện để thả nổi giá xăng dầu.

Theo ông, thả nổi không có nghĩa là doanh nghiệp được toàn quyền quyết định giá bán, Nhà nước vẫn cần phải có công cụ để kiểm soát giá cả để tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Bởi lẽ dầu thế giới diễn biến bất thường và khó dự đoán, Nhà nước cần phải chuẩn bị một lượng xăng dầu dự trữ nhất định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tình huống đột biến.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tỏ ra sốt sắng với quyết định mới. Theo họ, khi doanh nghiệp được quyền định giá bán, sẽ chủ động hơn trong cân đối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng giá rẻ và người dân mới có cơ hội được hưởng giá bán lẻ theo cơ chế thị trường, có lên có xuống. Khi ấy, giá bán lẻ trong nước được tính toán dựa trên sự tăng giảm của thị trường, thuế và các loại chi phí cộng thêm.

"Khi doanh nghiệp được chủ động xây dựng giá bán, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn. Cạnh tranh sẽ khiến giá thành hạ và chất lượng sản phẩm được nâng lên, khi ấy, khách hàng sẽ là đối tượng được hưởng lợi", một quan chức của Công ty Xăng dầu Quân đội nói.

Coi đây là quyết định "cởi trói" cho doanh nghiệp, song ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam cho rằng cơ quan Nhà nước cần có các văn bản hướng dẫn để trong quá trình thực hiện doanh nghiệp không gặp phải những vướng mắc, đặc biệt là vấn đề hoa hồng cho các đại lý. Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần có sự nhất quán để không gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông dẫn chứng, theo Nghị định số 55, các doanh nghiệp sẽ phải đăng ký trước 48 giờ khi có sự điều chỉnh về giá bán xăng dầu. Trong khi đó, theo quy định mới, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải đăng ký giá bán trước 3 ngày (ngày làm việc).

“Với quy định này, nếu giá xăng dầu trên thế giới biến động mạnh vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, doanh nghiệp rất khó có thể “trở tay”. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà bản thân người tiêu dùng cũng sẽ không được hưởng lợi nếu giá trên thế giới giảm mạnh. Bên cạnh đó, quy định này còn tạo điều kiện cho những người đầu cơ khi giá tăng”, ông Dũng phân tích.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay khi quyết định trao quyền cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã tính toán rất kỹ những rủi ro có thể xảy ra. Trên thực tế, Nhà nước không dốc ngân sách ra bù lỗ cho xăng dầu, còn nguyên tắc là khi doanh nghiệp điều chỉnh giá bán vẫn phải đăng ký với Liên bộ Tài chính - Công Thương trước thời điểm áp dụng 3 ngày. Nếu doanh nghiệp thấy thị trường thế giới giảm giá nhưng không tự động đăng ký điều chỉnh giảm, liên Bộ có quyền thông báo tới các doanh nghiệp để buộc phải giảm giá.

Theo ông Hà, quy định về việc báo cáo phương án giá trước 3 ngày chỉ tạm thời áp dụng trong thời gian đầu, sau đó sẽ được điều chỉnh cho hợp lý. "Các văn bản hướng dẫn chi tiết sẽ được chúng tôi ban hành trong thời gian tới", ông Hà nói.

Trước đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương sửa lại Nghị định số 55/2007 theo hướng linh hoạt hơn, để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc điều chỉnh giá bán xăng dầu.

Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú cho rằng trao quyền cho doanh nghiệp không có nghĩa là thả giá, doanh nghiệp muốn ấn định giá bán bao nhiêu cũng được. Xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá vì vậy, nó vẫn phải vận hành theo sự điều hành của Nhà nước. Doanh nghiệp sẽ căn cứ trên giá thế giới, chi phí, lợi nhuận… để xác định giá bán nhưng giá bán này phải được đăng ký với các cơ quan quản lý để giám sát và đảm bảo rằng, mức giá đó không bất hợp lý.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
79329
Số người truy cập:
8856107