Dẫn chúng tôi ra khu vực ao nuôi ba ba, phía trên mặt ao phủ kín lớp bèo, ông Châu kể: Trước đây tôi làm công nhân ngoài thành phố Sơn La. Tích lũy được ít vốn trong tay, năm 2005 về hưu, tôi đầu tư ngăn ao cá của gia đình thành những bể nhỏ nuôi ba ba rộng, mỗi bể rộng khoảng 5 m2. Thời điểm này người nuôi ba ba còn ít, cả huyện Sông Mã đếm chỉ được vài hộ và hầu như nuôi số lượng nhỏ, "nuôi chơi", "nuôi cho vui" chứ nuôi ba ba làm kinh tế như tôi thì chưa có hộ nào làm.
Khu ao nuôi ba ba của gia đình ông Bùi Minh Châu.
Ông Bùi Minh Châu nói rằng: Ba ba có đặc tính nhút nhát, khi thấy người là lặn hết xuống đáy ao.Thức ăn của ba ba chủ yếu là cám viên, cá, thịt gà, lợn tươi, có thể băm nhuyễn hoặc để cả tảng thịt ngâm vào nước, ba ba tự đến rỉa ăn. Chúng ăn rất ít, cả đàn bạt bàn ba ba với tổng sản lượng khoảng hơn 1,5 tấn ba ba trong khu ao nuôi của tôi mà mỗi ngày cũng chỉ ăn hết 30 – 40kg thức ăn.
Chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ba ba, ông Châu nói: Từ lúc trứng ba ba nở đến hết năm đầu tiên, trọng lượng 1 con ba ba chỉ được 3 - 4 lạng, nuôi 3 năm ba ba mới được 3kg. Thời gian đầu, do ông Châu chưa có kinh nghiệm nên số lượng ba ba bị chết nhiều. Đặc tính của ba ba là ưa ẩm thấp, ao nuôi của ông Bùi Minh Châu lại không có gì che chắn, ánh nắng chiếu trực tiếp vào mặt ao nên làm ba ba chết. Thấy vậy, ông lấy bèo phủ kín phía trên mặt ao, nuôi ba ba ở phía dưới lớp bèo, từ đó đàn ba ba của ông không còn bị chết. Khi hiểu được đặc tính của chúng thì việc nuôi ba ba rất dễ, chúng hầu như không có bệnh dịch gì. Hiện trong khu vực ao nuôi của ông Châu có khoảng hơn 1,5 tấn ba ba.
Những con ba ba to cỡ 5kg đang được ông Châu chuẩn bị xuất bán cho khách.
Trước đây có thời điểm ông Châu nuôi đến vài tấn ba ba. Một đôi ba ba giống giá từ 800.000 – 1.000.000 đồng. Lúc cao điểm, người đổ về Sông Mã mua ba ba rất nhiều, chỉ bán ba ba giống thôi mỗi năm lãi gần 1,5 tỷ đồng, tính cả bán ba ba thịt cũng lãi hơn 2 tỷ đồng/năm. “Thời điểm đó nuôi ba ba rất thích, nhiều khách hàng đến đặt mua đến nỗi không có giống để bán cho khách”. Thế nhưng vài năm trở lại đây, số lượng người nuôi ba ba ngày một nhiều lên, giá ba ba giảm xuống chỉ còn 400.000 – 500.000/kg loại thương phẩm.
Ba ba là loài ưa nơi ẩm thấp, chúng suốt ngày chui rúc dưới lớp bèo, khi ăn mới ngoi lên mặt nước
Ông Bùi Minh Châu cho biết: Phải hết sức để ý đến đặc tính của ba ba. Mỗi năm ba ba đẻ trứng 3 – 4 lần/năm, mỗi lần đẻ từ 15 – 30 quả trứng. “Khi ba ba đẻ trứng chỉ sau một ngày là có thể nhận biết được quả trứng nào sẽ nở và bị ung. Phải là người thật kinh nghiệm mới nhận biết được điều này. Khoảng nửa ngày sau khi ba ba đẻ trứng, quả trứng nào có chấm màu trắng trong suốt ở đầu và 1 ngày sau chấm trắng này loang xuống một nửa quả trứng tức là trứng sẽ nở, còn quả nào có màu trắng đục sẽ không nở. Việc theo dõi ba ba đẻ phải thường xuyên. Ấp ở nhiệt độ thấp thì khoảng 80 ngày trứng ba ba nở, còn ở nơi có nhiệt độ cao thời gian ngắn hơn là 60 ngày...
Theo ông Bùi Minh Châu, môi trường khí hậu ở huyện Sông Mã rất thích hợp với điều kiện sinh sống của ba ba, việc nuôi ba ba đang mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân.
Khu ao nuôi của ông Bùi Minh Châu được ngăn thành các bể nuôi riêng lẻ.
Phía trên mặt ao nuô ba bai được ông Bùi Minh Châu phủ dày đặc một lớp bèo, chúng có tác dụng giúp cho ba ba chống nắng và tránh được dịch bệnh. Việc thả kín bèo trên mặt ao còn giúp ba ba tránh rét trong mùa đông.