Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi một tòa án Mỹ ra phán quyết yêu cầu Monsanto phải bồi thường 289 triệu USD vì đã không cảnh báo với ông Dewayne Johnson - một người chăm sóc sân vườn - rằng sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của công ty này có thể gây ung thư.
Các thành viên bồi thẩm đoàn tại bang California của Mỹ đã nhất trí cho rằng công ty của Mỹ này đã "cố tình phạm luật", trong khi thuốc diệt cỏ Roundup và loại chuyên biệt RangerPro "về cơ bản" đã gây ra tình trạng bệnh của ông Dewayne Johnson.
Tuy nhiên, Bayer khẳng định rằng công ty này "tin chắc rằng chất diệt cỏ glyphosate là an toàn và không gây ung thư".
Roundup là sản phẩm hàng đầu của Monsanto và chất glyphosate có trong sản phẩm được cho là chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Đây là vụ kiện đầu tiên cáo buộc sản phẩm của Monsanto gây ung thư ở Mỹ, song cũng báo hiệu một làn sóng khiếu kiện tương tự.
Các nhà quan sát cho rằng việc Monsanto thua kiện sẽ "mở cửa" cho hàng trăm đơn kiện khác chống lại công ty này.
Tập đoàn Monsanto, trụ sở tại St. Louis, bang Missouri Mỹ), cũng là một trong những nhà cung cấp chính chất độc da cam được Không quân Mỹ sử dụng đánh phá lực lượng Việt Nam.
Ở Việt Nam, có khoảng 4,8 triệu nạn nhân của chất độc này.
Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto.
Đến năm 2009, một tòa án quốc tế được thiết lập tại Paris (Pháp) để giải quyết vấn đề liên quan đến chất độc da cam và nạn nhân Việt Nam, nhưng cả Chính phủ Mỹ lẫn Monsanto đều từ chối xuất hiện.(TTXVN)
-----------------------
Một số sản phẩm thanh long Việt Nam nhập vào EU bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng giới hạn tối đa đã được EU quy định cho từng loại thực phẩm.
Ngoài thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, EU, quả thanh long cũng đang thâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật, Hoa Kỳ, New Zealand, Australia.
Ở góc độ tiêu dùng, thanh long được đánh giá cao và được coi là siêu thực phẩm tại nhiều nước vì có nhiều đặc tính tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6/2018 đến nay, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Tổng vụ sức khỏe và an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đang lấy ý kiến của các nước thành viên về việc ban hành Quy định kiểm tra tăng cường đối với một số loại nông sản nhập khẩu vào EU, trong đó có quả thanh long Việt Nam.
Hiện các lô hàng thanh long của Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu sự kiểm tra 10% lô hàng. Khi hàng cập cảng EU sẽ tiếp tục tái kiểm tra 10% tổng lô hàng, phát sinh thêm một lần chi phí và ảnh hưởng đến thời gian thông quan. Tỷ lệ hàng bị từ chối cũng có khả năng tăng cao vì các nước EU có thiết bị kiểm nghiệm hiện đại.
Thêm vào đó, tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu trong trái thanh long lúc xếp hàng và lúc dỡ hàng cũng có thể khác biệt sau thời gian vận chuyển khoảng 4 - 5 tuần nếu đi đường biển.(VTV)
--------------------
Khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường các nước mới nổi và gieo thêm mầm mống bất ổn khắp khu vực Trung Đông.
Trong ngày thứ Sáu, sự đối đầu ngày một tồi tệ hơn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến toàn bộ kinh tế toàn cầu chấn động. Nó khiến cho dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường các nước mới nổi và gieo thêm mầm mống bất ổn khắp khu vực Trung Đông ở thời điểm mà quan hệ giữa các nước thành viên NATO đang có nhiều rạn nứt, theo bài bình luận được New York Times đăng tải mới đây.
Những gì đang diễn ra cho thấy mối lo ngày một tồi tệ hơn về cách điều hành kinh tế của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người mới tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 6/2018 với quyền lực ngày một lớn.
Nó cũng khiến cho rủi ro những vấn đề tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước có đường biên giới với Iran, Iraq và Syria, gây bất ổn nhiều nền kinh tế cả trong và ngoài khu vực này trở nên lớn hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới, những vấn đề của nền kinh tế đang ngày một tồi tệ hơn khi mà cuộc chiến thương mại toàn cầu do Tổng thống Trump phát động đang tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, phá hoại đi những mối liên minh lâu năm và đe dọa đến tăng trưởng kinh tế khắp nơi trên thế giới.
Tồi tệ hơn, Tổng thống Trump tiếp tục đẩy cao áp lực và thông báo thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, tăng gấp đôi thuế với sản phẩm thép nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ lên 50%, thuế nhập khẩu nhôm Thổ Nhĩ Kỳ lên 20%. Trước đó vào tuần trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố trừng phạt hai Bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Động thái mới nhất từ phía Tổng thống Trump đơn giản sẽ đẩy sản phẩm thép của Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi thị trường Mỹ, thị trường Mỹ hiện đóng góp khoảng 13% tổng doanh số bán hàng ra nước ngoài của ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Trump viết: “Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không tốt ở thời điểm hiện tại”.
Thế đối đầu hiện tại không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi liệu hai nhà lãnh đạo cá tính mạnh mẽ này liệu có gây ra thêm những sự hỗn loạn ở thời điểm họ đang cố gắng giành được thế “thắng” trong các cuộc tranh cãi chính trị xung quanh việc trừng phạt một số cá nhân.(Bizlive)