Tăng thuế vàng để 'kìm' nhập siêu

Theo phương án thuế mới, các sản phẩm nguyên liệu như vàng, bạch kim, dạng bột, khối, tiền tệ, thỏi thanh đúc đều áp dụng mức thuế 1%, thay cho mức 0,5% hiện hành.

Hơn 40 tấn vàng được nhập về VN trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhằm hạn chế nhập siêu, trước đó Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu vàng lên mức 10% hoặc 20%. Theo VAFI, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập tới trên 40 tấn vàng, bằng một nửa lượng vàng nhập trong năm 2007. Việc một lượng lớn nguyên liệu quý vào thị trường như vậy khiến cho tình trạng nhập siêu càng thêm căng thẳng.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính là giá nguyên liệu đầu vào đang đứng ở mức cao gây sức ép đến giá bán trong nước. Hiện giá vàng thành phẩm đã ở ngưỡng 1,778 triệu đồng một chỉ, cao hơn rất nhiều so với mức 800.000 đồng tại thời điểm thuế nhập khẩu giảm từ 1% xuống 0,5% hồi cuối năm 2005. Quan điểm của Bộ Tài chính là dùng van thuế một cách hài hòa để không gây sức ép đến các nhà nhập khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Do vậy, mức tăng từ 0,5% lên 1% được cơ quan này đánh giá là khá hợp lý.

Quyết định này có hiệu lực với các tờ khai hải quan từ ngày 26/5.

Cũng theo quyết định này, các mặt hàng xi măng nhập khẩu như nguyên liệu để sản xuất xi măng trắng, xi măng super sulfat... được giảm thuế xuống còn 0% thay cho mức phổ biến từ 40% cũ. Riêng các loại xi măng màu, xi măng nhôm, xi măng chịu nước là vẫn giữ nguyên thuế suất 38% hiện hành.

Trước đó, Hiệp Xi măng VN cũng có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu clinker xuống 0% và giảm thuế nhập khẩu xi măng xuống 10% nhằm kìm chế giá đang lên cơn sốt ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến công trình xây dựng. Năm 2008, ngành xi măng dự kiến phải nhập khẩu khoảng 4.5 triệu tấn clinker để đảm bảo nhu cầu xi măng trong cả nước. Nguồn clinker nhập khẩu chủ yếu từ các nước ngoài khối ASEAN (Trung Quốc, Hàn Quốc…) và từ các nước ASEAN (Thái Lan, Indonesia…).

Hiện thuế nhập khẩu clinker từ các nước trong khối ASEAN là 5% và từ các nước ngoài khối ASEAN là 10%. Theo Hiệp hội Xi măng VN, do có sự khác biệt về thuế nhập khẩu như trên nên khối lượng nhập khẩu clinker từ các nước ngoài khối ASEAN bị hạn chế.

Trong khi đó, việc nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN cũng gặp khó khăn do bị ép giá, tăng giá. Chỉ trong chưa đầy 4 tháng đầu năm 2008, giá FOB clinker từ Thái Lan, Philipines đã tăng từ 30 USD một tấn tăng lên 38 USD.

Để giữ ổn định giá xi măng đến hết tháng 6 theo chỉ thị của Chính phủ, Hiệp hội Xi măng cho rằng, cần phải giảm thuế nhập khẩu clinker và xi măng. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho giảm thuế nhập khẩu clinker từ các nước ngoài khối ASEAN từ 10% xuống 0% (chỉ áp dụng cho năm 2008) và từ các nước trong khối ASEAN từ 5% xuống 0% đối với những lô hàng nhập từ 20/4/2008.

Đề phòng trường hợp nhu cầu xi măng trong nước tăng đột biến cần phải nhập khẩu thêm xi măng, Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép giảm thuế nhập khẩu xi măng từ các nước ngoài khối ASEAN từ 40% xuống 10%.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6685
Số người truy cập:
8518716