Tăng kết nối hạ tầng Việt Nam - Campuchia

 Phát biểu hôm 8/11 tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Campuchia 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện, trong đó hợp tác về đầu tư, thương mại không ngừng phát triển và đạt nhiều ấn tượng trong những năm vừa qua.

"Tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới cả hai nước, song qua báo cáo của các bộ, ngành, doanh nghiệp, tôi vui mừng nhận thấy sự lạc quan và triển vọng trong hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Campuchia 2022 ở Phnom Penh ngày 8/11. Ảnh: VGP.

Thủ tướng nhắc lại Campuchia luôn duy trì vị trí thứ hai trong 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng giữ vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước ASEAN đầu tư vào Campuchia. Hiện Campuchia đã có 28 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 70 triệu USD.

Việt Nam là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Hai bên dần đạt mức cân bằng về xuất nhập khẩu, trong đó, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thương mại song phương không những duy trì liên tục mức độ tăng trưởng cao mà còn không ngừng chuyển dịch theo hướng cân bằng cán cân xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Campuchia trong năm 2021 tăng hơn 16% và nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam tăng hơn 29% so với năm 2020.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Campuchia Hun Sen tham quan triển lãm do Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp thực hiện trước thềm Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Campuchia 2022 chiều 8/11. Ảnh: VGP.

Cân đối xuất nhập khẩu Việt Nam - Campuchia bổ sung lẫn nhau. Nước bạn có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, vật tư phục vụ sản xuất mà Việt Nam có khả năng đáp ứng về giá cả và mẫu mã phù hợp.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng vốn là thế mạnh của Campuchia như nông sản, cao su, hạt điều để phục vụ sản xuất tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Kết nối giữa hai nền kinh tế nói chung và chuỗi cung ứng, sản xuất nói riêng ngày càng được thắt chặt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của Campuchia đang được cải thiện tích cực thông qua Luật Đầu tư mới và Luật Đặc khu kinh tế. Đặc biệt, chính phủ Campuchia đã có nhiều quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho một số doanh nghiệp thời gian qua.

Trước những tín hiệu lạc quan này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định các động lực nội tại là hai nước và các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, "biến nguy thành cơ". Các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường và mở rộng đầu tư hơn nữa sang Campuchia, đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, động lực mới trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", điển hình là chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biẻu tại Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Campuchia 2022 tại Phnom Penh ngày 8/11. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng bày tỏ kỳ vọng đẩy mạnh kết nối kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, thúc đẩy phát triển hạ tầng vùng tam giác thương mại nhiều tiềm năng.

Trong cuộc hội đàm trước đó, Thủ tướng Hun Sen cũng đề nghị Việt Nam tiếp tục kết nối các tuyến giao thông liên quan cao tốc, bến cảng, hàng không. Việt Nam cũng xác định phát triển hành lang kinh tế đông tây, như đường cao tốc Trần Đề - Sóc Trăng, TP HCM - Tây Ninh, kết nối hành lang kinh tế, giảm chi phí hậu cần và tăng lượng hàng hóa hai chiều, đồng thời nghiên cứu đầu tư thêm đường sắt, kết nối liên vùng, liên quốc gia.

"Tình hình thế giới, khu vực đều biến đổi nhanh chóng và khó lường, nhưng điều rõ ràng là mối quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia không bao giờ thay đổi", Thủ tướng Hun Sen nêu tại diễn đàn.

Ông cũng nói đại dịch Covid-19 đã tạo ra những cơ hội mới khi đề cập đã cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người khi đó trên cương vị Thủ tướng, đề ra mục tiêu 5 tỷ USD kim ngạch thương mại hai nước. "Chúng ta thật không ngờ khi Covid-19 ập đến, kim ngạch thương mại hai nước vẫn hướng đến mốc 10 tỷ USD. Đây là bằng chứng về mối quan hệ kinh tế bổ trợ lẫn nhau", ông nói.

Ông cũng đánh giá, động lực thúc đẩy thương mại hai nước là mối quan hệ "luôn tốt đẹp, bổ trợ lẫn nhau" dù kinh tế toàn cầu có thay đổi khó lường.

Thanh Danh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
43885
Số người truy cập:
8562352