Tầm nhìn giúp Mỹ xây hệ thống cao tốc hàng đầu thế giới

 Ngày 29/6/1956, tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower ký luật cấp ngân sách xây dựng Hệ thống Đường cao tốc Liên bang (IHS), điều mà nhiều người Mỹ mong ước từ lâu kể từ khi Detroit bắt đầu sản xuất ôtô.

Ủy ban Cao tốc bang Missouri được trao hợp đồng đầu tiên để bắt đầu xây dựng Đường cao tốc 66 ở hạt Laclede, cách thành phố St. Louis gần 260 km về phía tây nam. Tuy nhiên, việc xây dựng đoạn cao tốc liên bang đầu tiên thực tế bắt đầu ở hạt St. Charles, bang Missouri vào ngày 13/8/1956.

Kansas và Pennsylvania cũng cạnh tranh nhau tuyên bố là bang hoàn thành những đoạn cao tốc liên bang đầu tiên. Người Mỹ khi đó rất hào hứng với hệ thống đường, cầu và đường hầm đồng nhất trên các tuyến cao tốc liên bang.

Việc xây dựng IHS, còn được gọi là Hệ thống Cao tốc Quốc phòng liên bang Dwight D. Eisenhower, được nhanh chóng tiến hành trên khắp nước Mỹ và tới đầu những năm 1990, hơn 72.000 km cao tốc đã hoàn thành trên khắp nước Mỹ, trở thành mạng lưới cao tốc lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ.

Đến thập niên 1990, Trung Quốc mới bắt đầu tăng cường phát triển hệ thống cao tốc và vượt mặt Mỹ từ năm 2011. Đến cuối năm 2022, tổng chiều dài đường cao tốc của Trung Quốc đạt 177.000 km, lớn nhất thế giới.

Một phần cao tốc Hệ thống Cao tốc Quốc phòng liên bang Dwight D. Eisenhower (IHS). Ảnh: Constituting America

Tổng thống Eisenhower đã ấp ủ tham vọng xây dựng hệ thống cao tốc liên bang Mỹ từ lâu. Năm 1919, ông Eisenhower khi đó là trung tá quân đội và đang đối mặt nguy cơ bị giáng cấp, khi Mỹ lên kế hoạch giảm quy mô lực lượng vũ trang sau Thế chiến I và chuẩn bị cho các hoạt động thời bình.

Eisenhower được cấp trên phân công làm giám sát viên cho một thử nghiệm quân sự chưa từng có, đó là đoàn xe cơ giới đầu tiên đi xuyên lục địa Mỹ. Hoạt động này được tiến hành nhằm xác định những thách thức trong việc di chuyển quân từ bờ đông sang bờ tây nước Mỹ với cơ sở hạ tầng hiện có. Hành trình kéo dài hơn 5.000 km từ thủ đô Washington tới San Francisco với 79 phương tiện đủ mọi kích cỡ và 297 nhân sự.

Trong thử nghiệm này, Eisenhower đã nhận ra cần xây dựng một mạng lưới cầu đường kết nối các vùng đất của Mỹ. Báo cáo của ông gửi cho các lãnh đạo quân đội Mỹ khi đó chủ yếu tập trung vào những vấn đề kỹ thuật và tình trạng chắp vá của đường sá.

Những con đường hẹp khiến phương tiện chạy ngược chiều không thể di chuyển đồng thời, trong khi nhiều cây cầu quá thấp để xe tải đi qua. Eisenhower chỉ ra đường sá ở khu vực Trung Tây Mỹ khó đi, trong khi đường ở phía đông chỉ phù hợp với xe tải.

Trong Thế chiến II, Eisenhower trở thành tư lệnh tối cao của quân Đồng minh. Khi dẫn quân vào Đức, ông ngạc nhiên trước hệ thống đường cao tốc rộng mà người Đức xây dựng trước chiến tranh.

Trong cuốn hồi ký về nhiệm kỳ tổng thống sau này, ông từng viết "trong Thế chiến II, tôi đã thấy hệ thống đường cao tốc cao cấp nhất của Đức. Đó là những con đường cao tốc chạy xuyên đất nước".

Hệ thống cao tốc hiện đại của châu Âu đã góp phần giúp quân Đồng minh duy trì tuyến tiếp tế hiệu quả để tấn công lực lượng phát xít trên khắp nước Pháp và Đức.

Vào tháng 8-9/1944, khoảng 6.000 chiếc xe tải đã chạy suốt ngày đêm trên tuyến đường từ vùng biển Normandy tới gần thủ đô Paris và từ Paris tới Đức để cung cấp trang thiết bị cho lực lượng đang tiến quân. Người đóng góp rất lớn cho thành công hậu cần sau cuộc đổ bộ Normandy là trung tướng Lucius Clay, trợ thủ đắc lực của Eisenhower cả trong chiến tranh và sau khi ông được bầu làm tổng thống Mỹ năm 1953.

Đoàn xe của Eisenhower trong thử nghiệm năm 1919. Ảnh: Thư viện lưu trữ Eisenhower

Clay, kỹ sư được đào tạo ở Học viện Lục quân West Point, được tổng thống Eisenhower bổ nhiệm làm người đứng đầu Ủy ban Cố vấn cho Tổng thống về Hệ thống đường cao tốc quốc gia. Clay và cộng sự đã cho ra đời bản "Kế hoạch lớn" với ngân sách yêu cầu từ liên bang là 50 tỷ USD trong 10 năm, để xây dựng mạng lưới cao tốc rộng lớn bao phủ khắp nước Mỹ.

Kế hoạch được soạn thảo dựa trên bốn điểm. Một là tính an toàn, trong bối cảnh Mỹ khi đó ghi nhận khoảng 36.000 ca tử vong mỗi năm vì tai nạn giao thông và gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế.

Tiếp theo, báo cáo của Clay viện dẫn thực trạng của các tuyến đường hiện có và ảnh hưởng của chúng đến việc vận hành phương tiện. Nhiều người cho rằng đường sá xấu làm tăng chi phí vận chuyển, khiến giá tăng và người tiêu dùng phải gánh hậu quả.

Yếu tố thứ ba là an ninh quốc gia. Mối đe dọa lớn từ nguy cơ tấn công hạt nhân ở Mỹ đòi hỏi khả năng tiến hành sơ tán khẩn cấp các thành phố lớn và quân đội di chuyển nhanh chóng để thực hiện nhiệm vụ.

Điểm cuối cùng là hệ thống cao tốc cần phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Những cải tiến trong giao thông vận tải phải theo kịp với mức tăng dân số dự kiến của Mỹ. Hơn nữa, cải thiện đường sá cần thiết cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của kinh tế, cũng như sử dụng hiệu quả tiền thuế của người dân.

IHS khi đó là dự án công trình công cộng lớn nhất được thực hiện ở Mỹ. Xây dựng vào thời điểm Chiến tranh Lạnh, dự án không chỉ tiêu tốn phần lớn ngân sách liên bang mà còn thu hút chú ý của công chúng Mỹ.

Thời điểm đó, Liên Xô vừa thử thành công bom nhiệt hạch đầu tiên khiến dư luận Mỹ chấn động. Người dân chạy đua xây dựng hầm tránh bom, dự trữ lương thực và chuẩn bị cho kịch bản xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Trong bài phát biểu tháng 7/1954, phó tổng thống Richard Nixon bày tỏ lo ngại về "sự bất cập đáng kinh ngạc" của hạ tầng đường bộ Mỹ, cho rằng chúng không thể đáp ứng nhu cầu ứng phó với tình huống khẩn cấp như chiến tranh hạt nhân.

Chủ đề này trở thành mối quan tâm hàng đầu với hầu hết người Mỹ. 79% người dân nước này tin sắp xảy ra cuộc xung đột hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. Nếu có chiến tranh, 70 triệu cư dân đô thị phải sơ tán bằng đường bộ.

Ủy ban Clay cũng cảnh báo về sự cần thiết phải sơ tán quy mô lớn các thành phố trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, nhấn mạnh nhu cầu nhanh chóng cải thiện hệ thống đường bộ.

Những bất cập khi Mỹ tiến hành cuộc diễn tập sơ tán đô thị quy mô lớn vào tháng 6/1955 đã thúc đẩy tổng thống Eisenhower quyết định xây dựng IHS. Chính quyền cũng xem xét nghiêm túc về vai trò của hệ thống đường bộ phục vụ quốc phòng và chỉ đạo Bộ Quốc phòng tham gia dự án.

Khi IHS bắt đầu đi vào hoạt động, một cơ sở kiểm tra được thiết lập ở trung tâm bang Illinois để đánh giá mặt đường, các tiêu chuẩn đường, kỹ thuật xây dựng cùng nhiều yếu tố khác. Bộ Quốc phòng đã đóng góp thiết bị và nhân lực cho các cuộc thử nghiệm. Giới lãnh đạo quân đội rút ra bài học từ hai cuộc thế chiến rằng đường sá rất quan trọng với quốc phòng.

Trong khoảng 2 năm, các xe tải của quân đội Mỹ đã chạy hơn 27 triệu km trên các đoạn đường thử nghiệm. Họ thậm chí sử dụng những chiếc xe tải 24 tấn để kiểm tra chất lượng con đường. Các tiêu chuẩn xây dựng và bảo trì đường cao tốc được xây dựng dựa trên các thử nghiệm này.

Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Đường cao tốc do Chính phủ Liên bang Tài trợ năm 1956, tạo ra quỹ liên bang để xây dựng IHS. Khi IHS càng phát triển, khả năng hỗ trợ nhu cầu quốc phòng ngày một lớn.

Những đoạn đường cao tốc bằng bê tông dài hàng km có thể trở thành đường băng khẩn cấp cho máy bay quân sự. Nhiều căn cứ quân sự, đặc biệt là nơi đóng quân của các đơn vị cấp sư đoàn, nằm gần tuyến đường cao tốc liên bang.

Hệ thống Cao tốc Quốc phòng liên bang Dwight D. Eisenhower (IHS). Đồ họa: Bộ Giao thông Mỹ

Trong chiến dịch Lá chắn Sa mạc và Bão táp Sa mạc, IHS đã góp phần lớn vào thành công huy động quân đội tham chiến ở Trung Đông. Điều đó khiến các nhà hoạch định quân sự lạc quan về khả năng điều động quân và trang thiết bị dễ dàng trong các trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, IHS hiện tại có dấu hiệu xuống cấp. IHS ban đầu dự kiến chỉ hoạt động tốt đến năm 1970 trước khi phải trùng tu. Khoản ngân sách phân bổ theo đạo luật năm 1956 đã hết vào năm 1972 và nguồn kinh phí bảo trì hiện tại được duy trì nhờ vào thuế xăng dầu.

Sự xuống cấp của IHS được thể hiện trong thảm kịch xảy ra ở bang Minnesota vào tháng 7/2007, khi một đoạn cầu trên cao tốc liên bang 35 sập xuống sông Mississippi, khiến 13 người thiệt mạng và 145 người bị thương.

Đây là một trong những vụ sập cầu tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ và cho thấy sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng nước này. Thông tin trên ABC News năm 2012 cho biết vào thời điểm xảy ra sự cố, khoảng 150.000 trong số gần 600.000 cây cầu trên khắp nước Mỹ "được coi là không đảm bảo về mặt cấu trúc và chức năng". Từ sau sự cố ở cao tốc 35, các lãnh đạo chính trị Mỹ đã kêu gọi đầu tư lớn hơn vào hạ tầng quốc gia.

Tuy nhiên, hầu hết người Mỹ vẫn coi IHS là hệ thống giúp họ đi lại nhanh chóng, hiệu quả và thuận tiện. Hệ thống cao tốc liên bang Mỹ cũng được xem là biểu tượng cho tầm nhìn của những người như Eisenhower, góp phần định hình nước Mỹ thời kỳ hậu chiến.

Thanh Tâm (Theo US Army)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
659
Số người truy cập:
4759718