Sưu tầm tác phẩm nghệ thuật - 'vũ khí' từng cứu nhà tài phiệt Jakarta

Tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh 

Tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh "Tulip with All My Love" (Hoa Tulip với Tất cả Tình yêu của Tôi) của nghệ sĩ người Nhật Yayoi Kusama trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Macan, Jakarta, Indonesia vào ngày 6/7. Ảnh: Hạnh Phạm.

Với người dân Indonesia có thu nhập trung bình gần 4.000 USD mỗi năm, 100.000 rupiah (7 USD) giá vé vào cửa Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Macan ở thủ đô Jakarta chỉ tương đương một suất xem phim vào buổi tối tại cụm rạp trung tâm. Nhưng đối với thành phố Jakarta, giá trị của bảo tàng này vượt xa lợi ích kinh tế. 

Mở cửa hồi đầu tháng 11/2017, Macan thuộc sở hữu của một tỷ phú bất động sản Indonesia. Chiếm trọn diện tích 4.000 m2 trong một tòa nhà hình móng ngựa ở phía tây thành phố, bảo tàng Macan không chỉ trưng bày bộ sưu tập hơn 800 tác phẩm nghệ thuật đương đại của tài phiệt Haryanto Adikoesoemo mà còn là nơi tổ chức các chương trình triển lãm của các nghệ sĩ lớn trên thế giới.

Điểm khác biệt lớn nhất của bảo tàng Macan so với các bảo tàng đương đại trong khu vực Đông Nam Á là không thuộc sở hữu và quản lý của nhà nước. Đây cũng là bảo tàng tư nhân duy nhất trong số gần 30 bảo tàng ở Jakarta. "Macan hoạt động dựa vào một quỹ tư nhân", Nina Hidayat, phụ trách truyền thông của bảo tàng, cho VnExpress biết. "Mỗi năm chúng tôi lên kế hoạch cho ba cuộc triển lãm, mỗi cuộc diễn ra trong 4 tháng, gối lên nhau".

Hiện bảo tàng Macan trưng bày hơn 130 tác phẩm của nghệ sĩ đương đại tài ba người Nhật Yayoi Kusama. Triển lãm "Yayoi Kusama: Life Is The Heart Of A Rainbow" (Đời là Trái tim của Cầu vồng), diễn ra từ ngày 12/5 đến 9/9, tập hợp các tác phẩm sáng tác suốt 7 thập niên của nữ nghệ sĩ 89 tuổi trong các lĩnh vực hội họa, điêu khắc, điện ảnh, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, thời trang và văn học.

Sinh ra ở thành phố miền núi Matsumoto cách thủ đô Tokyo hơn 200 km về hướng tây bắc, ngay từ khi còn nhỏ, Kusama đã có những dấu hiệu của bệnh tâm thần. Lên 10 tuổi, Kusama bắt đầu nhìn thấy những đốm tròn nhiều màu. Ảo giác này trở thành là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận đến mức Kusama được mệnh danh là "nữ hoàng chấm bi". Theo thống kê của các trang nghệ thuật, 10 tác phẩm đắt giá nhất của Kusama dao động 3 - 7 triệu USD. Bà là nữ nghệ sĩ còn sống có giá tranh cao nhất thế giới.

Không chỉ sở hữu một số tác phẩm triệu đô của Yayoi Kusama như "Infinity Mirrored Room — Brilliance of the Souls" (Căn phòng Gương Vô cực - Sự rực sáng của các Linh hồn), tài phiệt Adikoesoemo, "cha đẻ" của bảo tàng, còn sưu tập các tác phẩm đương đại của nhiều nghệ sĩ tài năng nước ngoài và Indonesia.

"Giáo dục là mục đích chính của Macan", chủ tịch bảo tàng Fenessa Adikoesoemo, con gái của tỷ phú Adikoesoemo, cho biết và giải thích lý do bảo tàng không tiết lộ giá trị thị trường của các tác phẩm vì "chúng tôi quan tâm đến giá trị văn hóa và giáo dục hơn giá trị tiền bạc".

Tài phiệt Indonesia Haryanto Adikoesoemo tại lễ khai trương triển lãm ngày 19/12/2017. Ảnh: Bảo tàng Macan.

Tài phiệt Indonesia Haryanto Adikoesoemo tại lễ khai trương triển lãm ngày 19/12/2017. Ảnh: Bảo tàng Macan.

Theo nữ chủ tịch, người vừa được cha ruột chuyển giao quyền điều hành bảo tàng Macan vào tháng trước, ông Adikoesoemo đã sưu tập nghệ thuật hơn 28 năm. Ông đồng thời là thành viên quản trị của Bảo tàng và Công viên điêu khắc Hirshhorn ở Washington D.C, Mỹ. "Tôi lớn lên cùng các tác phẩm nghệ thuật mà cha tôi cất công sưu tập. Mỗi khi gia đình đi du lịch, trước đây cũng như bây giờ, chúng tôi luôn thăm quan các viện bảo tàng và phòng tranh. Niềm đam mê đó thấm đẫm vào lối sống của gia đình và ảnh hưởng đến 4 anh chị em chúng tôi", cô nói.

Fenessa Adikoesoemo miêu tả cha mình là người tự học. "Với những thứ liên quan đến nghệ thuật, cha tôi đọc rất nhiều, tham khảo ý kiến rất nhiều và kết thân với những người có chuyên môn".

Tài phiệt Adikoesoemo ấp ủ giấc mơ thành lập bảo tàng nghệ thuật đương đại suốt một thập niên. Xuất thân trong một gia đình trung lưu phất lên nhờ sản xuất, kinh doanh cao su, dệt may và hóa chất, Adikoesoemo thời trẻ hoàn toàn không quan tâm đến nghệ thuật mà chỉ chú trọng kinh doanh. "Một người bạn đã khơi lên cảm hứng và tình yêu nghệ thuật của ông ấy", Fenessa Adikoesoemo kể trong một lần đến thăm nhà bạn ở đảo Bali, cha cô "hoàn toàn bị thu hút bởi những tác phẩm nghệ thuật sống động treo trên tường".  

Sưu tập nghệ thuật ban đầu đơn thuần là vì sở thích cá nhân, tuy nhiên, sau này Adikoesoemo nhận ra giá trị đầu tư của các tác phẩm. Bán một vài tác phẩm quý giá nhất, trong đó có một bức tranh của danh họa Picasso, Adikoesoemo đã cứu công ty của gia đình thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Tài phiệt Adikoesoemo không phải doanh nhân giàu có duy nhất ở Indonesia sưu tập và đam mê nghệ thuật. "Sau khi đạt được cuộc sống vật chất nhất định, họ hướng tới nghệ thuật và cái đẹp như là tầng phát triển tiếp theo", Nina, phụ trách truyền thông của bảo tàng Macan, nhận xét các tỷ phú như ông Adikoesoemo trưng bày những bộ sưu tập của cá nhân ra công chúng vì họ thấy "đã đến lúc xã hội Indonesia hiểu rằng nghệ thuật cũng là một hình thức giáo dục".

Nghệ thuật - lực đẩy du lịch

Bảo tàng nghệ thuật đương đại  vũ khí lợi hại của du lịch Jakarta - 2

Trong "The Obliteration Room" (Căn phòng Tẩy xóa), du khách dùng những miếng dán hình tròn nhiều màu sắc để dán lên tường, sàn nhà và đồ vật. Nghệ sĩ Yayoi Kusama so sánh việc dùng hình chấm bi che phủ bề mặt mọi vật là sự phá hủy sự vật mà không để lại dấu vết. Ảnh: Đỗ Trang.

Dù không tiết lộ doanh thu của bảo tàng, bộ phận truyền thông cho biết ban quản trị dùng nhiều phương pháp để đánh giá giá trị của Macan, ví dụ kết quả một cuộc khảo sát nội bộ cho thấy khách du lịch cả trong nước lẫn quốc tế coi bảo tàng Macan là một trong những lý do lôi kéo họ đến thủ đô Jakarta.

"Tất cả các chú thích đều được viết song ngữ, tiếng Indonesia và tiếng Anh, nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài", Nina, người phụ trách truyền thông, nói. "Macan là bảo tàng đạt chuẩn mực quốc tế". 

Với dân số hơn 10 triệu người, Jakarta, vốn nổi tiếng là thành phố có mật độ dân cư đông đúc, nạn tắc đường và ô nhiễm không khí, đang có tham vọng biến ngành du lịch thành động lực phát triển kinh tế. "Khi nói đến Indonesia, du khách quốc tế nghĩ ngay đến đảo Bali, chúng tôi muốn quảng bá thủ đô Jakarta như là điểm du lịch trải nghiệm văn hóa", bà Sherly Yuliana, quan chức sở du lịch thành phố, nói trong chuyến tham quan bảo tàng Macan. "Nghệ thuật sẽ góp phần thu hút du khách đến Jakarta". Bên cạnh 35 triệu du khách trong nước, thủ đô của Indonesia dự tính sẽ đón ba triệu khách quốc tế trong năm nay, tăng 15% so với năm ngoái.

"Bảo tàng Macan được mệnh danh là nơi để chụp những bức ảnh hoàn hảo đăng lên Instagram", Indra Diwangkata, hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ trong lần đầu tiên đến bảo tàng Macan. Ở Indonesia, mạng xã hội chia sẻ ảnh và video Instagram được nhiều người dùng hơn Facebook. "Tôi có người bạn, nói không ngoa, mang theo một vali quần áo khi tới đây chỉ để được thỏa thích chụp ảnh với các tác phẩm", Indra hóm hỉnh nói. 

Mỗi ngày Macan đang đón khoảng 1.000 lượt khách tham quan. "Tùy cuộc triển lãm, vào những ngày cao điểm, có tới 3.000 người", nữ nhân viên phụ trách truyền thông cho biết. Để chiêm ngưỡng tác phẩm sắp đặt "Căn phòng Gương Vô cực", mỗi người phải xếp hàng trung bình 15 phút nhưng chỉ có đúng 30 giây để ngắm nhìn. 

Hiện cơ quan du lịch Jakarta và bảo tàng Macan vẫn chưa thể chứng minh sức lôi kéo của nghệ thuật đương đại đối với du khách đến thành phố bằng số liệu cụ thể. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của Jakarta là trở thành điểm đến du lịch văn hóa, bảo tàng nghệ thuật đương đại Macan chắc chắn là một tài sản quý của thành phố này


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1420
Số người truy cập:
7618845