Su-30 Ấn Độ có thể 'vạch mặt' tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc

 

Radar trên tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ đã dễ dàng phát hiện máy bay tàng bình tối tân của Trung Quốc bay huấn luyện ở Tây Tạng.

Tiêm kích tàng hình J-20 trong biên chế không quân Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Tiêm kích tàng hình J-20 trong biên chế không quân Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

"Radar của Su-30 có thể dễ dàng phát hiện ra chúng. Dòng tiêm kích mới nhất của Trung Quốc rốt cục không tàng hình chút nào. Không cần đến công nghệ đặc biệt nào để phát hiện J-20, bởi chiến đấu cơ này có thể bị theo dõi bằng radar thông thường", Sputnik ngày 19/5 dẫn tuyên bố của của Tư lệnh không quân Ấn Độ Arup Shaha.

Theo ông Shaha, các phi công Su-30MKI hoạt động trên không phận Ấn Độ đã dùng radar gắn trên máy bay để phát hiện và theo dõi tiêm kích J-20 bay huấn luyện ở khu vực Tây Tạng.

Xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 11/2016 tại triển lãm hàng không Chu Hải, J-20 được quảng bá là mẫu máy bay tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất. Giới quân sự Trung Quốc cho biết J-20 được chế tạo từ các vật liệu hấp thụ sóng điện từ đặc biệt, nên có khả năng tàng hình không thua kém tiêm kích F-22 hay F-35 của Mỹ.

Tuy nhiên, J-20 chưa trải qua thực chiến nên khả năng tàng hình của nó chưa được kiểm chứng. Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế còn bày tỏ nghi ngờ về khả năng thực sự của dòng máy bay này, bởi Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong công nghệ chế tạo động cơ. J-20 bị nghi là đang dùng động cơ Saturn AL-31F mua từ Nga, bởi động cơ nội địa WS-15 vẫn chưa được hoàn thiện.

Su-30MKI là biến thể của tiêm kích đa năng Su-30, do tập đoàn Sukhoi của Nga và HAL của Ấn Độ phát triển và dành riêng cho không quân Ấn Độ với 249 chiếc đã được chế tạo đến nay.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
457
Số người truy cập:
7617853