Nhiều hành khách cho rằng, việc một sân bay quốc tế có tầm cỡ trong khu vực bị dột là điều khó chấp nhận.
Một hành khách tên Cương ở Hà Nội kể: "Tuần trước tôi đưa khách ra sân bay Nội Bài, một hình ảnh chướng mắt đập vào mắt là cảnh nhà ga bị dột mặc dù trời mưa không lớn. Các nhân viên đã sử dụng một loạt xô, chậu ra để hứng nước".
Nhiều người có mặt ở sân bay lúc bấy giờ gồm cả khách nước ngoài đều cảm thấy khó chịu. "Tôi không hiểu nổi một sân bay mang tầm cỡ như Nội Bài là điểm dừng chân đầu tiên của khách quốc tế đến Hà Nội lại để tình trạng này xảy ra", anh Cương nói.
Anh Minh - hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội cho hay, chuyện xô chậu đủ các màu được nhà chức trách sân bay huy động ra các sảnh và khu nhà ga sân bay Nội Bài để hứng nước mưa đã diễn ra từ khá lâu. "Bạn bè, khách hàng thắc mắc về chuyện này, tôi chẳng biết giải thích thế nào bởi có ngày trời khô ráo, mưa đã ngớt từ lâu những chiếc xô chậu vẫn có mặt tại đây để hứng nước", anh nói.
Trời không mưa, những chiếc xô này vẫn nằm ở vị trí sẵn sàng hứng nước. Ảnh: Quốc Cương.
Trao đổi với VnExpress, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN - Lại Xuân Thanh thừa nhận có hiện tượng nhà ga sân bay Nội Bài bị dột. Mặc dù đã được sửa chữa nhiều lần song hiện tượng bị dột khi trời mưa vẫn xảy ra. Trong lúc chờ rót vốn nâng cấp giải pháp tạm thời là huy động xô chậu ra hứng nước.
Một quan chức Cảng vụ Nội Bài thì cho rằng, khâu thoát nước có vấn đề nên có hiện tượng ngay cả khi trời khô ráo nước trên trần đọng lại vẫn chảy xuống sàn. "Mỗi năm, chúng tôi đã dành không ít kinh phí để cải tạo, sửa chữa nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng này", ông nói.
Trước đây, mỗi lần trời mưa, nhân viên phải mang chổi lau nhà ra để bạt nước, tránh sự cố cho hành khách. Huy động xô chậu là một giải pháp được các nhân viên cho là tiết kiệm nhân lực trước khi sự cố được khắc phục triệt để.
Cảng hàng không Nội Bài được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1978. Đây là sân bay lớn thứ hai của Việt Nam hiện nay, sau Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP HCM. Năm 2001, nhà ga hành khách T1 được xây dựng và khánh thành với tổng diện tích 90.000 m2.
Nhà ga T2 sắp được khởi công xây dựng, với 4 tầng, tổng diện tích sàn 90 ha. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư khoảng 31 tỷ yen Nhật. Theo quy hoạch chung, đến năm 2010, nhà ga T2 sẽ đi vào hoạt động đưa Sân bay quốc tế nội bài đạt công suất 15-20 triệu hành khách năm, trở thành một trong những trung tâm vận tải hàng không trong khu vực, có sân bay dự bị là Sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng).
Theo VnExpress