Rời quê trở lại phố

 Ngày đó, vợ chồng anh Tùng, 37 tuổi, ở Quảng Bình là nhân viên văn phòng ở Hà Nội, tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Trừ mọi chi phí nuôi hai con nhỏ, họ tiết kiệm được hơn 5 triệu đồng mỗi tháng.

Nhưng cũng từ khi hai đứa trẻ chào đời, anh Tùng luôn thấy day dứt vì để con phải sống cảnh chật chội và ngột ngạt. Người cha thấy có lỗi nhất là khi chở con đi qua những đoạn đường tắc cứng trong những ngày Hà Nội nắng nóng cao điểm. "Tôi thấy mình là một ông bố tồi. Cha mẹ nuôi tôi nghèo nhưng có tuổi thơ", anh Tùng nói.

Họ quyết định chuyển về quê "sống nghèo mà vui". Chị Nguyễn Thị Hồng, vợ anh xin làm việc cho một công ty cách nhà hơn 20 km, lương bằng nửa công ty cũ. Anh Tùng thuê mặt bằng mở đại lý buôn gạo.

Ở làng trước đó đã có ba đại lý gạo. Nhà này đều có họ với nhà kia nên chỉ ăn gạo người quen. Người trong họ nhà anh cũng tới mua ủng hộ, nhưng chủ yếu mua nợ. Sau bốn năm đóng cửa đại lý, tiền bán gạo anh vẫn chưa thu được hết.

Nhà gần biển, anh Tùng chuyển sang mở quán nước, huy động thêm vợ, mẹ, chị gái, em họ làm phục vụ. Trừ mọi chi phí anh cũng được 500.000 đồng một ngày. Nhưng quán chỉ mở được ba tháng hè.

Những ngày quán nước đóng cửa, anh theo bạn đi làm môi giới bất động sản. Được vài tháng Tùng cũng ế việc do cơn sốt đất qua nhanh. Nhiều tháng liền cả gia đình chỉ nhòm vào đồng lương 5 triệu đồng của chị Hồng. Lũ trẻ ngày một lớn, không chỉ chơi, chúng phải học và ăn nhiều hơn. Mâu thuẫn gia đình từ đó mà nảy sinh.

"Thà ở trọ chật chội còn hơn kinh tế chật vật", anh đúc kết.

Người đàn ông để vợ con ở lại quê nhà, một mình ra thành thị kiếm kế sinh nhai. Hiện anh Tùng đang khởi đầu những ngày ở Hà Nội bằng công việc chạy taxi, thu nhập bấp bênh nhưng vẫn có dư để gửi về cho vợ.

Chị Thùy soạn hàng trong phòng trọ ở Biên Hòa, Đồng Nai, chiều 17/4 để chuẩn bị đi bán sáng hôm sau. Ảnh nhân vật cung cấp

Khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng chị Lê Thị Thùy, 42 tuổi, ở Thanh Hóa quyết định về quê, chấm dứt đời bán hàng rong ở Biên Hòa, Đồng Nai. Họ bảo nhau lần này quyết tâm bám trụ ở quê vì cũng đã quá ngán cuộc sống tha hương cầu thực.

Chồng chị mở quán vịt bán trước cửa nhà. Chị Thùy theo người làng đi học việc ở xưởng may. Nhưng quán mở ra vắng khách vì dân quê chỉ ăn cơm nhà. Công việc của người vợ chỉ được hơn 4 triệu đồng một tháng, trong khi họ phải nuôi ba con nhỏ và mẹ già. Làm được hai năm, doanh nghiệp hết đơn hàng, phải cắt giảm công nhân. Chị Thùy vào diện buộc phải nghỉ việc vì tuổi nghề ít, tuổi đời lại cao.

Vợ chồng chị đành gửi con để quay lại thành phố sau vài tháng trầy trật không xin được việc.

Hai người hai gánh hàng đi khắp ngõ ngách, những nơi gần khu công nghiệp, gần xóm trọ công nhân bán hàng. Nhiều bữa, anh chồng dậy từ 2h sáng, đèo vợ trên chiếc xe máy đi Bình Dương tìm khách. Thu nhập mỗi ngày trừ chi phí được 500-700 nghìn đồng.

"Tiền kiếm được nhiều hơn ở quê, bán ngày nào có tiền ngày ấy, không đợi đến tháng mới lĩnh", chị nói.

Di cư từ nông thôn lên thành phố là nhu cầu tất yếu của người lao động khi cơ hội nghề nghiệp, điều kiện sống tốt hơn nông thôn, theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội.

Báo cáo PAPI 2023 do UNDP công bố đầu tháng 3 năm nay cho thấy, gần 22% người dân muốn di cư đến TP HCM, 15% muốn đến Hà Nội. Hai trong ba lý do lớn nhất người dân đưa ra là muốn có môi trường làm việc tốt hơn (22%) và môi trường tự nhiên tốt hơn (17%).

Thành viên nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Paul Schuler, Đại học Arizona, Mỹ cho rằng mong muốn chuyển đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm tỷ lệ thuận với việc tăng số người cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình kém hoặc rất kém trong năm 2023 so với khảo sát từ năm 2017 đến 2022.

"Điều đáng quan tâm là tỷ lệ người dân đánh giá tiêu cực hơn về tình hình kinh tế hộ gia đình của họ so với 5 năm trước tăng lên đến 26%, chỉ đứng sau năm 2021 với 29%", ông Paul Schuler nói.

Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) và VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tiến hành khảo sát hơn 1.000 công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM năm 2022, 15,5% lựa chọn về quê, 44,6% người còn lưỡng lự, 39,9% người chưa có dự định.

Ông Lộc cho rằng số liệu này cho thấy nhiều người nghĩ đến trở về gắn bó với quê hương nhưng vì điều kiện sinh kế đành một lần nữa phải ra đi.

Theo PGS Nguyễn Đức Lộc, Việt Nam phát triển nền kinh tế theo mô hình mũi nhọn, kinh tế trọng điểm, vì vậy các nguồn lực phát triển đều tập trung ở đô thị, dẫn đến sự chênh lệch khá lớn giữa nông thôn và thành thị. Dù muốn về quê, nhiều người không thể tìm được công việc phù hợp với năng lực, chuyên môn, sở thích hoặc nhu cầu sống.

Người trẻ có thể tìm việc trong các nhà máy, nhưng người lớn tuổi như chị Thùy rất khó có được vị trí phù hợp mang lại thu nhập.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương cho rằng ngoài yếu tố về kinh tế, giáo dục, còn có yếu tố khác như dịch vụ đô thị, văn hóa và lối sống đô thị, văn minh đô thị khiến nhiều người dân muốn sống ở thành phố. Một số người muốn ra thành phố vì cũng chưa rõ mình muốn gì hoặc muốn khám phá, muốn thử sức bản thân ở môi trường khác. "Có người nhận ra thế mạnh của mình ở phố, nhưng cũng có người nhận ra muốn về quê", bà Hương nói.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường, 28 tuổi, ở Hưng Yên quyết định về quê ba năm trước phụ giúp bố mẹ chăm sóc hơn 3 ha rau được trồng theo hướng hữu cơ. Thu nhập ổn định nên họ không áp lực tài chính, nhưng lúc nào vợ chồng anh cũng thấy buồn, nhớ cuộc sống sôi động ở Hà Nội.

Vợ chồng anh yêu thích sự sôi động của thành phố khi đêm về, thích gặp gỡ những người cùng đam mê. Còn ở quê chưa đến 20h hàng quán đóng cửa. Cả xóm đều tắt đèn trước 21h. "Ra đường lúc 22h là im ắng hơn nghĩa địa", anh nói.

Ở quê được hơn một năm, khi con gái được ba tuổi, Trường quyết định quay trở lại thành phố. Ngoài nhu cầu tinh thần, anh muốn con có môi trường giáo dục tốt hơn và hai vợ chồng cũng học lên để phát triển bản thân.

Một phụ nữ ngoại tỉnh đến bán hàng tại một vỉa hè trên phố Thái Thành, Hà Nội. Ảnh: Phạm Nga

Ông Lộc cho rằng ra phố làm việc là quy luật tự nhiên. Dù là lái taxi, gánh hàng rong hay dân văn phòng cũng đều tham gia đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài, những lao động đổ ra thành thị làm những công việc phi chính thức sẽ tạo ra nguồn lao động bấp bênh quá lớn, gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội.

Với những người muốn về quê, nhưng phải ra phố như anh Tùng hay chị Thùy, ông Lộc khuyên nên thay đổi tư duy về cuộc sống. Ngày nay, đa số mọi người bị ảnh hưởng bởi làn sóng tiêu dùng nên lúc nào cũng thấy thiếu thốn, lao vào vòng xoáy ganh đua. Khi có quan điểm tư duy vừa đủ, biết cách tổ chức sinh kế, có thể chúng ta không khá giả nhưng vẫn đủ sống.

Bà Quỳnh Hương cho rằng với những người muốn ở quê nhưng lại ra phố, có lẽ do chưa thực sự hiểu về nhu cầu bản thân. "Ra đi cũng là cách để thực sự hiểu mình muốn gì, cần gì", bà nói.

Về mặt chính sách, ông Lộc kiến nghị Việt Nam có 30 năm thực hiện chính sách kinh tế trọng điểm, đã đến lúc cần xây dựng chiến lược hài hòa, cân bằng hơn giữa nông thôn và thành thị để rút ngắn khoảng cách.

"Như Trung Quốc, những năm trước họ dồn sức cho thành thị, những năm gần đây chuyển sang bù đắp cho nông thôn, để người lao động trở về", ông nói.

Anh Tùng vẫn đau đáu mong ước về quê. Nhưng sau bốn năm trầy trật ở nơi mình sinh ra, anh biết phải có vốn để ổn định lâu dài thay vì cứ thích là về ngay.

"Thật sự rất khó thể sống nghèo mà vui được", anh nói.

Phạm Nga


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8240
Số người truy cập:
5301333