Robot mổ não giúp cô gái yếu liệt 6 năm đi lại được

 Chị Phạm Thị Thu Trang (An Giang) phát bệnh cách đây 6 năm. Ban đầu là đau đầu, tê chân tay, sau đó bệnh nhân khó nuốt, buồn nôn, chóng mặt, đi lại khó khăn. Tình trạng ngày càng tăng nặng.

Bệnh nhân đã khám tại các bệnh viện lớn, bác sĩ chẩn đoán u não ở vị trí quan trọng, nguy hiểm nên không dám mổ.

6 năm qua, chị Trang ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, yếu liệu tay chân, đi lại khó. 6 tháng trước khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị bị liệt hoàn toàn, nằm một chỗ, lơ mơ, bị sặc không ăn uống được, sụt cân nhiều...

Chị Thu Trang nằm liệt trước khi mổ. Ảnh: Bệnh nhân cung cấp

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) báo cáo về ca phẫu thuật thành công với robot mổ não thế hệ mới đầu tiên có mặt tại Việt Nam, tại hội thảo chuyên đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế", diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ngày 28/5.

Khối u khoảng 6x5 cm ở thân não của người bệnh chèn ép đường dẫn truyền thần kinh vận động, vị trí rất khó phẫu thuật, dễ làm tổn thương các chức năng thần kinh sau mổ. Nếu mổ bằng các phương pháp truyền thống sẽ khó đánh giá và bảo toàn các bó sợi thần kinh. Chỉ cần một sai lầm nhỏ, bệnh nhân sẽ yếu liệt vĩnh viễn hoặc mất tính mạng.

Bác sĩ Tấn Sĩ chia sẻ thêm, nhờ hệ thống robot mổ não Modus V Synaptive có nhiều ưu điểm so với các phương pháp truyền thống, êkip quyết định phẫu thuật, hy vọng giúp người bệnh đi lại được. Đây là hệ thống robot hiện đại trong ngành phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam. Hiện có 10 quốc gia ứng dụng robot này, đa số ở châu Âu, Mỹ. Tại Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM là đơn vị đầu tiên ứng dụng robot Modus V Synaptive thế hệ mới.

Robot cho phép các bác sĩ thấy rõ các bó dẫn truyền thần kinh xung quanh khối u trên cùng một hình ảnh nhờ khả năng hòa hình MRI, DTI, CT, DSA... Đồng thời thiết lập mổ mô phỏng 3D trên phần mềm chuyên dụng. Đây là khác biệt mà các kỹ thuật, máy móc truyền thống không làm được. Bác sĩ chủ động chọn vị trí mở hộp sọ, chọn đường tiếp cận khối u an toàn nhất (từ phía sau gáy đi vào vỏ não và thân não), đảm bảo không phạm phải hay cắt đứt các bó sợi thần kinh và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến mô não lành xung quanh.

Hình ảnh chụp khối u ở vị trí thân não (bên trái) và sau khi khối u được phẫu thuật loại bỏ (bên phải). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Trong quá trình mổ thực tế, chúng tôi tiếp tục được robot giám sát chặt chẽ. Nếu đường tiếp cận và dụng cụ mổ có xu hướng đi lệch, robot cảnh báo bằng các tín hiệu đèn xanh, vàng, đỏ như đèn giao thông. Nhờ đó, phẫu thuật viên tự tin với các thao tác", bác sĩ Tấn Sĩ nói.

Sau 4 giờ, êkíp lấy hết khối u trong não bệnh nhân. Thu Trang hồi tỉnh, phản ứng tốt, tri giác cải thiện. Sau mổ 3 ngày, người bệnh tập vật lý trị liệu, đi lại được và xuất viện sau 7 ngày.

Hiện bệnh nhân có thể đi lại, tự sinh hoạt, ăn uống được và không còn bị sặc. Bác sĩ Tấn Sĩ nhận định, thời gian tới bệnh nhân sẽ hồi phục tốt hơn nữa.

Các bác sĩ phẫu thuật cho ca bệnh bằng robot. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Trong suốt 6 năm đi khám, bác sĩ nói khối u nằm ở chỗ nguy hiểm gây tê liệt, tôi nghĩ chắc cháu sẽ ra đi thôi. Hai cha con tôi không biết đặt hy vọng vào đâu nữa, không tin là cháu qua khỏi. Sau khi mổ tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, thấy cháu hồi phục, tôi mừng rơi nước mắt", ông Phạm Văn Nguyện (cha của bệnh nhân) chia sẻ.

"Các bác sĩ như người mẹ thứ hai sinh tôi ra thêm lần nữa. Tôi không còn suy sụp tinh thần, hy vọng có thể phụ cha nuôi em ăn học sau khi mẹ mất", chị Trang nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo này là bước ngoặt mới, phát huy hiệu quả tối ưu trong phẫu thuật các trường hợp: u não, xuất huyết não hay bệnh lý thần kinh - sọ não khó, nằm sâu trong não hoặc gần các cấu trúc quan trọng của não mà các phương pháp mổ thông thường khó hoặc không dám tiếp cận.

Hoài Ân


Giày Đại Phát solution
Số người online:
133056
Số người truy cập:
7396893