Rổ hàng hóa tháng 5 TP HCM bị 'thủng' vì giá gạo Rổ hàng hóa tháng 5 TP HCM bị 'thủng' vì giá gạo

Mức tăng giá lương thực của tháng 4 so với tháng 3 chỉ 6,2% đã được xem là cao và bất thường so với mọi năm. Thế nhưng theo số liệu Cục Thống kê TP HCM công bố hôm nay, mức tăng tháng 5 đến 36% so với tháng 4. Trong vòng 5 tháng đầu năm, giá lương thực nhảy vọt 72,8%, và tăng đến gần 94% so với tháng 5 năm ngoái.

Giá gạo tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn trước khi có cơn sốt vào cuối tháng 4. Ảnh: Hồng Phúc.

Nguyên nhân của đột biến giá lương thực trong tháng được cho là bắt nguồn từ cơn sốt gạo cuối tháng 4, khi giá nhiều loại gạo vượt mức 20.000 đồng một kg, người người đổ đi mua gạo khiến thị trường nhất thời không đủ cung ứng. Dù giá gạo hiện đã giảm, nhưng vẫn còn cao hơn trước khi có cơn sốt này, trong khi đây là mặt hàng chủ lực và thiết yếu đối với người dân.

Nửa đầu tháng 4, giá gạo ở mức ổn định. Theo đó, nàng thơm chợ đào giá 9.800-10.000 đồng một kg, gạo tẻ trắng 25% tấm là 7.300-7.500 đồng mỗi kg, gạo thơm Đài Loan ở mức giá 9.800-10.000 đồng một kg.

Giá gạo tăng đột biến trong 2 ngày 26, 27/4. Cụ thể ngày 27/4, gạo nàng thơm chợ đào lên 25.000 đồng một kg, thơm Đài Loan là 24.000 đồng/kg, gạo tẻ thường 15-25% tấm có giá 16.000 đồng một ký lô. So với ngày thường trước khi biến động, giá gạo thơm tăng 140-150%, gạo thường tăng 90-100%. Nếu so với đầu năm 2008, giá gạo thơm tăng 179-180%, gạo thường tăng 140-150%.

Tuần đầu tiên của tháng 5, giá gạo bắt đầu hạ nhiệt, nhưng vẫn còn cao. Tuần này, giá gạo có sự giảm nhẹ nhưng chưa trở về mức cũ trước khi xảy ra sốt. Hiện, nàng thơm chợ đào 13.500-14.000 đồng một kg, tài nguyên chợ đào có giá 12.500-13.000 đồng/kg, gạo tẻ trắng 15% tấm là 10.500-11.000 đồng/kg.

Cú hích từ sự tăng giá của mặt hàng lương thực đã đưa CPI toàn thành phố 5 tháng vượt tháng 4 đến 4,24%, trong khi mức chênh giữa tháng 4 với 3 chỉ 1,82%. Nếu so với thời điểm tháng 5/2007, CPI TP HCM đã tăng đến 24,13%.

Nhóm có mức tăng thứ hai trong rổ hàng hóa tháng 5 là đồ uống và thuốc lá, vượt 3,86% so với tháng 4 do giá nguyên liệu đầu vào có sự gia tăng.

Theo dự đoán của Sở Tài chính hồi cuối tháng 4, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch sẽ tác động đáng kể vào sự gia tăng CPI tháng 5 do nhu cầu vui chơi của người dân trong kỳ nghỉ lễ kéo dài đợt 30/4-1/5.

Tuy nhiên, trên thực tế thống kê, trong tháng nhóm này có sự gia tăng không đáng kể, chỉ ở mức 0,44% nếu so với mặt bằng giá cả tháng 4. Điều này cho thấy nhiều người dân Sài Gòn đã phải tính toán lại kế hoạch vui chơi, giải trí để tập trung giải quyết những vấn đề chi tiêu thiết yếu trong gia đình.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình có mức tăng nhẹ lần lượt là 1,65% và 1,07%

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có mức tăng 0,97%, thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục chỉ xê dịch một chút ở 0,26%, 0,61%.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
13708
Số người truy cập:
9259011