Ra ngõ gặp ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước mới đây quyết định tạm dừng cấp phép thành lập mới ngân hàng thương mại cổ phần trong thời gian sửa đổi quy chế. Một số trường hợp đã được duyệt về nguyên tắc cũng bị đình lại. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, Vụ phó Vụ Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước), vào thời điểm hiện nay, không nên có thêm ngân hàng mới. Dưới đây là bài viết của ông.

Có nên cho mở thêm ngân hàng vào lúc này hay không? Nhiều người cùng hỏi tôi như vậy và câu trả lời, giống như tôi đã thể hiện quan điểm này vào thời điểm cuối năm 2007, là: Không nên. Đặc biệt là cần ngăn cản việc các tập đoàn kinh tế công nghiệp có động thái đua nhau tìm cách xin mở ngân hàng thương mại. Thậm chí phải ghi vào luật việc nghiêm cấm các tập đoàn kinh tế công nghiệp hay thương mại thành lập và (hoặc) có sở hữu chi phối ngân hàng thương mại giống như nhiều nước trên thế giới đã làm.

Nền kinh tế Việt Nam hiện không thiếu số lượng ngân hàng, mà chỉ đang thiếu những sản phẩm ngân hàng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. Lúc này và mãi mãi về sau, cần phải xem xét kỹ các điều kiện cần và đủ để được cấp phép thành lập ngân hàng thương mại mới sao cho thật sự minh bạch, thật sự chặt chẽ hơn vì cả xã hội luôn rất quan tâm đến vấn đề này.

Những ngân hàng đã được chấp thuận trên nguyên tắc nếu họ không đáp ứng được những điều kiện cần và đủ mới, phải chấp nhận bị loại. Vì được thành lập trên nguyên tắc không có nghĩa là những ngân hàng đó phải được thành lập và đi vào hoạt động chính thức. Việc được chính thức thành lập hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển kinh tế, tầm nhìn vĩ mô, tình hình thị trường hàng hoá, dịch vụ, nguồn gốc vốn sở hữu, năng lực người điều hành, nguồn nhân lực, chất lượng nhân viên và bản thân thị trường tài chính mà trong đó có vấn đề nhu cầu dịch vụ và mật độ ngân hàng hiện hữu…

Tất nhiên, các ban trù bị, nhà sáng lập ngân hàng sẽ khó tránh khỏi những khó khăn. Vì trên thực tế, những ngân hàng được thành lập trên nguyên tắc cũng phải chuẩn bị công phu và khá đầy đủ về cơ sở vật chất và nhân sự thì mới có thể ra mắt. Nhưng cũng may mắn là thời gian được đồng ý trên nguyên tắc đến nay cũng chưa nhiều. Các ban trù bị có thể chuyển hướng đầu tư sang mô hình định chế tài chính khác như thành lập định chế tài chính phi ngân hàng.

Để cho ra đời một ngân hàng có rất nhiều vấn đề phức tạp. Trong điều kiện hiện nay, vấn đề vốn điều lệ không phải quan trọng nhất. Mà quan trọng nhất lại là vấn đề ai sở hữu chính và nguồn nhân lực chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ đẳng cấp cao này lấy từ đâu, và nền kinh tế hiện có cần nhiều ngân hàng thương mại mới nữa hay không.

Một ngân hàng hoạt động được cần bộ máy quản trị đáp ứng đủ các tiêu chí về năng lực và lực lượng lao động chuyên nghiệp. Những sinh viên mới ra trường không thể thành thạo ngay việc kinh doanh dịch vụ ngân hàng trong thời gian vài ba năm. Hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại cũ đều thiếu người tài trong quản trị, thiếu người làm ngân hàng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao.

Một ngân hàng thương mại mới ra đời muốn có lực lượng đủ tiêu chí thì chỉ bằng cách giành giật chất xám cũng đang còn hiếm hoi từ các ngân hàng cũ mà thôi. Trong thực tế, thời gian qua sau việc cấp phép thành lập mới cho một số ngân hàng đã thấy xuất hiện tình trạng chảy máu chất xám về nhân lực của ngân hàng cũ sang ngân hàng mới. Khi những người này ra đi đã mang theo cả bí mật của nơi họ đã làm.

Hiện nay Việt Nam đã xuất hiện những nhóm tập đoàn công nghiệp góp vốn thành lập ngân hàng. Đây là điều mà nhiều nước trên thế giới không bao giờ cho phép. Qua nghiên cứu 10 tập đoàn kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới như Microsoft, Ford, Volvo, Simens, Sony, Samsung… đều không được phép thành lập ngân hàng thương mại dưới bất cứ hình thức nào, mặc dù trong mỗi tập đoàn kinh tế nói trên đều có rất nhiều định chế tài chính phi ngân hàng làm công ty thành viên.

Nếu tập đoàn công nghiệp được phép góp vốn thành lập ngân hàng, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lấy vốn xã hội để hoạt động tín dụng “chỉ định” tập trung, hoặc cho vay chéo giữa các tập đoàn công nghiệp đồng sở hữu ngân hàng, làm cho rủi ro tín dụng tập trung luôn trong tình trạng nguy cơ cao. Nếu ngân hàng này sụp đổ sẽ dẫn đến hiện tượng domino trong hệ thống ngân hàng. Vì một ngân hàng dù hùng mạnh đến mấy, cũng vẫn là doanh nghiệp của công chúng với trên 90% tổng nguồn vốn là vốn của xã hội. Vậy nên, phải kiểm soát chặt chẽ, không để các tập đoàn công nghiệp được tham gia góp vốn thành lập ngân hàng dưới bất cứ hình thức nào, mà chỉ cho phép họ được tự mình, hoặc góp vốn thành lập công ty tài chính phi ngân hàng.

Theo tôi, ở thời điểm hiện nay, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam không nên cho phép thành lập mới các ngân hàng.

Chưa có một nghiên cứu đủ sâu nào để trả lời rành mạch câu hỏi đối với một nền kinh tế thị trường thì mật độ ngân hàng thương mại tính trên cư dân, hay trên đơn vị hành chính thì con số ngân hàng thương mại bao nhiêu là vừa đủ. Song tính đến tháng 8/2008, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã có 5 ngân hàng thương mại nhà nước với tổng cộng trên 400 chi nhánh, 2 ngân hàng chính sách với hàng trăm chi nhánh, 5 ngân hàng liên doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 quỹ tín dụng nhân dân trung ương với hơn 30 chi nhánh trải hơn 25 tỉnh, thành phố và 998 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ở cấp phường, xã...

Với những con số này, các chi nhánh, phòng giao dịch và “điểm” dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng hiện hữu đã thực sự “phủ sóng” đến tận các bản làng, thôn xóm. Tại TP HCM, với gần 500 phường mà đã có tới gần 1.000 điểm dịch vụ ngân hàng cố định. Thành phố Hà Nội cũng trong tình trạng ra ngõ gặp ngân hàng.

Tôi cho rằng vấn đề cơ cấu lại nghiệp vụ, hiện đại và hợp lý hóa công nghệ, nhất thể hoá mạng thanh toán thành mạng thanh toán quốc gia, cân đối mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng hiện hữu, xúc tiến nhanh việc cổ phần hoá các ngân hàng thương mại Nhà nước làm cơ sở để hình thành một vài tập đoàn tài chính mạnh ... là những việc cần làm ngay, cấp bách hơn, cần thiết hơn và khả thi hơn nhiều so với việc cho phép ra đời ngân hàng mới.

Thực ra câu hỏi về việc có nên cho mở mới ngân hàng thương mại vào giai đoạn này hay không đã có câu trả lời từ phía người dân và tổ chức kinh tế. Nếu xã hội có quá nhiều ngân hàng sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, khó kiểm soát được rủi ro. Thật sự, việc có thêm nhiều ngân hàng không giúp xã hội tăng thêm nguồn vốn vì bản thân ngân hàng không “đẻ” ra vốn và “giá trị thặng dư” cho nền kinh tế, mặc dù nếu thiếu ngân hàng sẽ tạo sức ỳ và gây khó khăn cho quá trình vận động của nền kinh tế thị trường.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
62108
Số người truy cập:
8683446