|
Tổng thống Nga Putin chủ trì một cuộc họp của Hội đồng An ninh tại điện Kremlin, Moscow hôm 20/11. Ảnh: Reuters
|
Đầu năm nay, khi lính Nga được phát hiện có mặt ở Ukraine, bên phía phe ly khai ở miền đông nước này, Moscow cho biết các binh sĩ không được chính thức điều động mà họ tự đi vào thời gian nghỉ hè. Khi Estonia là nạn nhân một cuộc tấn công mạng năm 2007 và đổ lỗi cho Moscow, điện Kremlin trả lời rằng chính phủ không thể lúc nào cũng kiểm soát được các cá nhân tin tặc yêu nước.
Lính Nga hồi tháng ba được cho là đã hoạt động tại Crimea. Họ mặc quân phục không có phù hiệu, cờ quốc gia hoặc mặc thường phục. Phương Tây đặt cho họ biệt danh là "những người mặc đồ xanh". Khi được hỏi về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 17/4, Tổng thống Nga Putin cho biết "binh lính Nga đã trợ giúp lực lượng tự vệ Crimea", nhưng khẳng định mục đích của họ là nhằm đảm bảo "người dân Crimea có thể tự do bày tỏ mong muốn của họ".
Theo cây bút Jeremy Hsu của Scientific American, Nga có thể muốn đi theo con đường từng được Tôn Tử, chiến lược gia quân sự nổi tiếng của Trung Quốc vạch ra: "Nghệ thuật tối cao của chiến tranh là đánh bại kẻ thù mà không cần chiến đấu".
Các chuyên gia quân sự phương Tây gọi chiến lược của Nga là "chiến tranh không rõ ràng" hoặc "chiến tranh mơ hồ". Peter Apps, cây bút củaReuters, cho rằng những cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây có nhiều khả năng bắt đầu với các cuộc tấn công mạng, cuộc đấu tranh của cộng đồng ủng hộ Nga ở các quốc gia khác, chứ không phải giao tranh quân sự.
Khó khăn của phương Tây
Phương Tây đã xây dựng hàng phòng thủ để đề phòng bị xâm lấn, tấn công bằng tên lửa hạt nhân hoặc khủng bố, nhưng họ vẫn đang loay hoay tìm cách đối phó với chiến lược của Nga.
"Tình hình hiện tại không hẳn là Chiến tranh Lạnh mới, nhưng nó rất khác với vài năm trước", Elbridge Colby, cựu quan chức Lầu Năm Góc, hiện là thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ cho biết. "Tôi cho rằng chúng ta chưa xây dựng được biện pháp phù hợp để đối phó với chiến lược của Nga".
Phản ứng mạnh mẽ nhất của phương Tây với động thái của Moscow là các lệnh trừng phạt tài chính áp đặt với các công ty và cá nhân Nga, cùng với các hoạt động quân sự mới ở Đông Âu. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã triển khai một số xe tăng và máy bay của Mỹ nhằm báo hiệu tổ chức này kiên quyết sử dụng lực lượng vũ trang để bảo vệ tất cả nước thành viên. Liên minh cũng đang xem xét điều thêm lực lượng an ninh tới vùng Baltic, có thể là từ các quốc gia Bắc Âu, để đề phòng Nga. Những biện pháp mạnh tay hơn nữa sẽ được NATO thảo luận trong các cuộc họp sau này.
|
So sánh số lượng máy bay NATO sẵn sàng chiến đấu ở Đông Âu sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. Đồ họa: CNN
|
Tư lệnh tối cao NATO, tướng Mỹ Philip Breedlove nói rõ chiến lược của Nga có thể khiến NATO đáp trả bằng biện pháp quân sự. Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO coi cuộc tấn công nhằm vào một nước thành viên là cuộc tấn công nhằm vào toàn thể liên minh.
"Nếu chúng tôi thấy những biện pháp đó được tiến hành với một quốc gia NATO, chúng tôi sẽ thực hiện Điều 5, đó là phản ứng quân sự", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Die Welt của Đức đầu năm nay.
Ngoài ra, NATO cũng có khả năng thực hiện chiến thuật tương tự Nga. Với kinh nghiệm hoạt động cùng các bộ lạc và nhóm chiến binh ở Afghanistan, Trung Đông và châu Phi, lực lượng đặc nhiệm Mỹ và nhân viên tình báo, về mặt lý thuyết, có thể gây rắc rối tại Nga.
Các cơ quan như Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và Trụ sở Truyền thông Chính phủ Anh (GCHQ) cũng có thể tấn công vào mạng viễn thông của Nga và các hệ thống khác.
Tuy nhiên, nếu không có bằng chứng vững chắc rằng Moscow là bên đứng sau các cuộc tấn công mạng hay âm thầm gây mất ổn định ở nước khác, việc ra quyết định có thực hiện Điều 5 hay không sẽ rất khó khăn. Đồng thời, phương Tây cũng khó có thể đưa ra được bằng chứng khi Nga luôn có những lý do để bác bỏ. "Sẽ rất khó khi phải ra quyết định, việc này phải phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể", Janine Davidson, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và hiện là thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ đối ngoại nói.
Thử độ quyết tâm của nhau
Các chuyên gia quân sự cho rằng chiến lược của Nga tại sườn phía tây nước này, đặc biệt là với Ukraine, quốc gia không phải là thành viên NATO, đang chứng minh có hiệu quả rõ rệt.
Gần đây, Nga còn phô diễn lực lượng quân sự với quy mô lớn chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh bằng các cuộc tập trận và các đợt triển khai chiến đấu cơ.
Tàu chiến Nga đã xuất hiện ở gần vùng biển Australia trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane khai mạc hôm 15/11. Moscow cho biết máy bay ném bom hạt nhân tuần tra của Nga thường bay lượn trên không phận Tây Âu, và vươn xa đến tận Vịnh Mexico.
Theo các nhà phân tích phương Tây, dự tính của Nga khá rõ ràng, đó là tái khẳng định tầm ảnh hưởng của Moscow đối với các quốc gia sát biên giới.
"Putin đang đánh giá mức độ quyết tâm của phương Tây để tiếp tục gây ảnh hưởng tại Ukraine", Nikolas Gvosdev, giáo sư nghiên cứu an ninh quốc gia tại Đại học Chiến tranh Hải quân ở Rhode Island nhận định.
Nhiều quan chức và chuyên gia dự đoán rằng cả phương Tây và Kiev cuối cùng sẽ phải chấp nhận chế độ liên bang và ảnh hưởng lớn hơn của Nga với miền đông Ukraine.
Theo cây bút Peter Apps của Reuters, một câu hỏi nữa đặt ra là Tổng thống Putin liệu có nhìn nhận sự chấp nhận này là dấu hiệu yếu đuối và là "đèn xanh" để ông xem xét sử dụng chiến lược tương tự với các thành viên NATO giống như các nước Baltic hay không.
Trong khi đó, mục tiêu trọng tâm của NATO ở châu Âu vẫn chỉ là phát hiện sớm các bước đi của Nga và phản ứng để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thực sự.
"Điều chúng ta phải nhớ là không thể có một cuộc chiến thông thường với Nga", một cựu quan chức giấu tên nói. "Nó sẽ chỉ là cuộc chiến không rõ ràng như tình hình hiện nay hoặc tồi tệ hơn rất nhiều".
Phương Vũ