Phương Tây đặt niềm tin vào kịch bản Ukraine lật ngược tình thế

 "Sẽ đến lúc những bước tiến nhỏ bé mà Nga đạt được bị lung lay trước chi phí bỏ ra và họ sẽ cần một khoảng dừng đáng kể để xây dựng lại năng lực", một quan chức tình báo cấp cao phương Tây giấu tên chia sẻ với Washington Post về tình hình chiến trường Ukraine.

Đánh giá lạc quan này được tình báo phương Tây đưa ra bất chấp những bước tiến liên tục của Nga ở miền đông Ukraine, trong đó có việc kiểm soát thành công Severodonetsk, thành phố lớn nhất ở Donbass mà lực lượng Nga chiếm được kể từ khi dồn trọng tâm vào khu vực này cách đây ba tháng.

Lực lượng Nga hiện áp sát và bắt đầu thọc sâu vào phòng tuyến Ukraine ở thành phố Lysychansk, nằm đối diện với Severodonetsk qua sông Donets. Chiếm được Lysychansk sẽ cho phép Nga kiểm soát hoàn toàn tỉnh Lugansk, một trong hai tỉnh tạo nên vùng Donbass. "Giải phóng Donbass" là mục tiêu hàng đầu được Nga công bố trong giai đoạn hai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Nỗ lực tiến vào Lysychansk từ phía đông gặp nhiều thách thức vì thành phố này nằm ở vùng đất cao hơn và bị sông Donets chắn ngang. Do đó, lực lượng Nga dường như có ý định bao vây thành phố từ phía tây, bằng cách tạo gọng kìm từ Izyum ở tây bắc và Popasna ở tây nam.

Vị trí Lysychansk và Severodonetsk ở tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine. Đồ họa: Washington Post.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar cho biết quân đội Nga đang chịu áp lực phải kiểm soát toàn bộ khu vực Lugansk trong thời gian sớm nhất. Đây dường như là lý do Nga tăng cường giao tranh với mức độ ác liệt như vậy ở Severodonetsk trong tuần qua, nơi pháo binh Nga trút hỏa lực không ngừng nghỉ để buộc quân đội Ukraine rút lui.

Nhưng những bước tiến gần đây của lực lượng Nga gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hỏa lực pháo binh. Để chiếm được Severodonetsk, họ phải sử dụng một lượng đạn pháo khổng lồ để phá hủy hầu hết công trình trong thành phố, với mật độ hỏa lực mà gần như không có quân đội nào trên thế giới có thể duy trì lâu, theo giới chức phương Tây.

Trong khi đó, nỗ lực phản công của quân đội Ukraine khiến Nga tiếp tục hứng chịu tổn thất về thiết bị và nhân lực, đặt ra câu hỏi liệu họ có thể duy trì đà tiến này trong bao lâu.

Giới chức phương Tây từ chối đưa ra dự đoán về thời điểm đà tiến của Moskva chững lại, nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước cho rằng lực lượng Nga sẽ chỉ có thể tiếp tục chiến đấu trong vài tháng tới. Sau đó, "Nga có thể đạt tới điểm mà họ không còn động lực tiến quân vì cạn kiệt nguồn lực", ông nói với báo Đức Suddeutsche Zeitung.

Các nhà bình luận Nga cũng lưu ý tới những thách thức mà quân đội nước này phải đối mặt, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt binh lực.

"Nga không có đủ nguồn nhân lực trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine", Yuri Kotyenok, blogger quân sự Nga, viết trên Telegram. Kotyenok ước tính Nga sẽ cần ít nhất 500.000 quân để đạt được các mục tiêu đề ra và chỉ có thể huy động được lượng quân như vậy thông qua một cuộc tổng động viên, điều mà Tổng thống Vladimir Putin tới nay từ chối thực hiện.

Giới chức Ukraine cho biết nhờ tích cực tuyển mộ quân nhân chuyên nghiệp theo diện ký hợp đồng và huy động quân dự bị, Nga đã có thêm 40.000-50.000 quân cho chiến dịch. Quân đội nước này cũng đã đưa những chiếc xe tăng T-62M ra khỏi kho niêm cất để triển khai tới chiến trường Ukraine, nhằm tăng cường lực lượng thiết giáp.

Lực lượng Nga vẫn có lợi thế hơn Ukraine về mọi mặt. Theo giới chức Ukraine, quân đội của họ đang mất khoảng 200 lính mỗi ngày. Ukraine cũng gần như cạn kiệt hoàn toàn kho đạn dược thời Liên Xô và đang làm quen với khí tài hạng nặng do phương Tây cung cấp.

Nhưng giới chức và chuyên gia phương Tây tin rằng quân Ukraine có thể dần cải thiện năng lực của mình và tăng sức mạnh để có thể đảo ngược tình thế khi ngày càng nhiều vũ khí hiện đại của phương Tây được chuyển đến Ukraine, trong khi Nga có thể phải sử dụng nhiều hơn những khí tài cũ.

Tướng về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu và hiện là thành viên Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, cho rằng vào thời điểm nào đó trong những tháng tới, quân đội Ukraine sẽ nhận đủ vũ khí từ phương Tây để có thể thực hiện các đợt phản công và đẩy lùi đà tiến quân của Nga.

Xe tăng quân đội Ukraine di chuyển trên một con đường ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine ngày 21/6. Ảnh: AFP.

"Tôi vẫn lạc quan rằng Ukraine sẽ chiến thắng và tới cuối năm nay, Nga sẽ bị đẩy lùi về ranh giới trước ngày 24/2", ông Hodges nói, đề cập tới thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. "Tình hình hiện tại rất tệ khi hỏa lực pháo binh của Nga liên tục trút xuống. Nhưng tôi tin mọi thứ sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Ukraine trong vài tuần tới".

Giới quan sát cho biết có những dấu hiệu phương Tây đang tăng tốc chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Lựu pháo Caesar của Pháp đã bắt đầu tham chiến trên chiến trường, trước khi lựu pháo Panzerhaubitze 2000 của Đức được triển khai tuần trước.

Hôm 24/6, Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS của Mỹ khai hỏa lần đầu tiên trên chiến trường. Ukraine đã gây sức ép để Mỹ đồng ý cung cấp hệ thống vũ khí uy lực này, cho phép họ tấn công các mục tiêu Nga ở khoảng cách hơn 80 km.

Mattia Nelles, nhà phân tích chính trị Đức, cho hay một trong những ẩn số khiến việc dự đoán cục diện chiến trường Ukraine gặp nhiều khó khăn là kho dự trữ đạn pháo của Nga.

Các cơ quan tình báo phương Tây ban đầu đánh giá thấp uy lực pháo binh Nga, nhưng những gì đã diễn ra ở Severodonetsk cho thấy đạn pháo có thể bẻ gãy ý chí của lực lượng phòng ngự ở đô thị như thế nào. Mật độ hỏa lực mà pháo binh Nga tạo ra ở Severodonetsk cũng khiến nhiều chuyên gia quân sự ngạc nhiên.

Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng với tốc độ khai hỏa như hiện nay, kho dự trữ đạn pháo của Nga đang cạn dần. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga không tăng cường sản xuất đạn pháo trước cuộc chiến, khi cho rằng họ có thể nhanh chóng kết thúc chiến dịch trong vài tuần.

Nếu bắt đầu tăng cường sản xuất từ bây giờ, các nhà máy quốc phòng Nga cũng không thể bắt kịp tốc độ "đốt đạn" như hiện tại của lực lượng ở tiền tuyến. "Nguồn cung của họ không phải là vô tận", Nelles nói.

Dù đang trải qua thời gian khó khăn nhất từ đầu chiến dịch, quân đội Ukraine không có khả năng sụp đổ, theo Michael Kofman, giám đốc các chương trình nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) của Mỹ. Lực lượng phòng thủ Ukraine đã được rèn luyện qua 8 năm xung đột ở miền đông và được "thử lửa" nhiều hơn qua 4 tháng giao tranh với Nga.

Người Ukraine đang tiếp tục phản công ở phía bắc thành phố Kharkov và đạt được kết quả nhất định trong các đợt tấn công nhỏ ở ngoại ô Kherson, phía nam Ukraine, khiến Nga không thể tập trung mọi nguồn lực cho chiến trường Donbass.

Những phần lãnh thổ nhỏ mà Nga chiếm được thời gian qua không quan trọng bằng cán cân sức mạnh tổng thể trên chiến trường, theo Kofman.

"Phần quan trọng nhất của cuộc chiến không phải những thành phố đó, bởi chiến sự hiện nay không chỉ là cuộc đấu về ý chí, mà còn là cuộc đua vật chất, xem ai sẽ hết thiết bị, đạn dược và các lực lượng tinh nhuệ trước. Cả hai bên đều có khả năng cạn kiệt nguồn lực trong mùa hè này và sau đó sẽ phải tạm dừng các hoạt động tác chiến", ông nói.

Giới chức Ukraine hy vọng vào thời điểm đó, vũ khí và đạn dược hỗ trợ từ phương Tây sẽ tiếp tục chảy tới, đủ để giúp quân đội nước này mở chiến dịch phản công, đẩy lùi lực lượng Nga. Nếu Kiev không tận dụng được thời cơ này, tình thế bế tắc sẽ xảy ra, khi cả hai bên quyết không nhượng bộ, làm lu mờ triển vọng về bước đột phá ngoại giao, theo quan chức phương Tây.

"Trong tình huống đó, hai bên sẽ không còn tìm kiếm lợi thế về lãnh thổ, mà tập trung vào tiếp tế cho tiền tuyến để duy trì chiến tranh tiêu hao. Đó là lúc bạn rơi vào một cuộc xung đột kéo dài", chuyên gia Kofman nhận định.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4299
Số người truy cập:
7602303