Phụ nữ ở Ả Rập Saudi đang đấu tranh chống lại các tập tục khiến họ trở thành “con tin” cho mong muốn của cha họ và những người giám hộ nam giới. Chỉ những người này mới có quyền quyết định người chồng tương lai của họ.
Bị ngăn cản lấy chồng
Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ Ả Rập Saudi, trong đó nhiều người tốt nghiệp đại học và có việc làm tốt, đến tòa để đấu tranh giành quyền tự quyết chuyện hôn nhân của họ. Hồi tháng 7, tòa án Medina bác đơn của một nữ bác sĩ 42 tuổi phản đối cha và anh trai vì không cho phép chị lấy một đồng nghiệp nam với lý do người này không thuộc về bộ tộc của họ.
Tòa bảo vệ người cha và ra phán quyết rằng người con gái đã không vâng lời khi cố lấy một người bên ngoài bộ tộc. Theo hãng tin AFP, Suhaila Zainal Abidin, thuộc Hội Nhân quyền Quốc gia, nhận định: “Không may là trong xã hội chúng ta có một nghịch lý lạ lùng – các bé gái mới 10 tuổi đã có thể lấy chồng nhưng phụ nữ trưởng thành lại bị ngăn cản kết hôn vì những lý do phi lý”.
Nữ giáo sư đại học Amal Saleh đồng ý với nhận định đó. Trên Facebook, bà vận động ủng hộ quyền kết hôn của phụ nữ Ả Rập Saudi. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn loại trừ tập tục đó. Thời trước, người ta giết chết đứa con gái mới sinh. Bây giờ, với suy nghĩ cổ hủ đó, người ta cũng “giết” con gái khi nó trưởng thành”.
Nhiều phụ nữ ở Ả Rập Saudi đang bị ngăn cản kết hôn. Ảnh: Los Angeles Times
Đạo Hồi dạy rằng người cha phải đồng ý cho con gái kết hôn nếu chàng rể đạo đức và sùng đạo. Thế nhưng, ở Ả Rập Saudi, sự pha trộn Luật Hồi giáo và các tập tục bộ tộc cổ hủ trao cho người cha quyền kiểm soát tuyệt đối con gái của họ trước khi lấy chồng.
Kết quả là các giới chức chính phủ và tòa án không cho phép phụ nữ kết hôn khi chưa có sự đồng ý của người giám hộ nam giới chính thức của họ - đó là cha hoặc anh trai hoặc chú nếu người cha qua đời. Đôi khi người con gái không được phép lấy người mình thích do cô đã được hứa gả cho một ai đó từ nhỏ.
Ngoài ra, một số cô gái phải ở vậy cho đến khi chị gái lấy chồng trước. Nhiều cô khác bị cha bắt buộc không được lấy chồng để bảo đảm rằng bất cứ lợi tức nào họ kiếm được do làm việc hoặc phúc lợi xã hội đều không ra khỏi nhà họ.
Chịu đựng
Theo Hội Nhân quyền Quốc gia, trong 6 năm qua, 86 phụ nữ đã phải nhờ đến tòa án để được lấy chồng sau khi người giám hộ nam giới không cho phép; riêng trong năm 2010 này có 13 trường hợp. Điều đáng quan tâm là hầu hết các nạn nhân này đều chịu đựng trong câm lặng.
Aziza, một giáo sư đại học, tâm sự cha chị thẳng thừng không cho phép chị lấy bất cứ ai. Chị kể: “Cha tôi không cho tôi kết hôn vì cho rằng không người nào xứng đáng với tôi.
Tôi buộc phải tôn trọng ý kiến của ông”. Khi chị đã ngoài 30 tuổi, ông vẫn không đồng ý cho chị lấy chồng và đổ lỗi cho con gái đã tạo ra tình thế tuyệt vọng này. Chị nói: “Tôi cảm thấy xấu hổ nên cố gắng bàn bạc thẳng với ông về vấn đề này”.
Thế nhưng, điều đó đã làm ông tức điên lên. Ông đe dọa chị, nhốt chị trong phòng và không cho chị tiếp xúc với ai cả. Do đó, Aziza cho biết chị đã nhiều lần định kết liễu cuộc đời. Chị than: “Tôi nay đã 39 tuổi rồi mà vẫn chưa có chồng”.
Còn Nora Mohammed kể cha chị giữ chị ở lại nhà để hưởng lợi từ các khoản an sinh xã hội của chính phủ. Chị kể: “Nhiều chàng trai tìm cách cưới tôi nhưng lúc đó, cha tôi gạt bỏ tất cả chẳng vì lý do gì cả. Nay, cha tôi đã mất nhưng tôi đã 42 tuổi. Chẳng còn ai muốn cưới tôi ngoại trừ những ông gấp đôi tuổi tôi”.