Chỉ số công nghiệp Dow Jones đi xuống 0,5% chốt ở mức 11.231,96 điểm. Chỉ số Nasdaq ở mức 2.243,32 điểm, giảm 0,09%. Cùng giảm như hai chỉ số trên, chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) đi xuống 0,84% và chỉ còn 1.252,31 điểm. S&P 500 hiện đã mấp mé 1.250 điểm, mức thấp hơn 20% so với đỉnh hồi 10/2007. Ngưỡng điểm này được coi là mốc kỹ thuật xác nhận xu hướng suy giảm của thị trường.
Như vậy sau hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq, chỉ số chính còn lại của phố Wall cũng chuẩn bị xác nhận xu hướng mất điểm dài hạn cho chứng khoán Mỹ.
Thông tin từ lợi nhuận quý II từ các công ty được cho là lành ít dữ nhiều với các nhà đầu tư tại phố Wall. Ảnh:news.bbc.co.uk.
Nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ có một ngày ảm đạm tiếp tục là sự e ngại của nhà đầu tư về cổ phiếu ngành tài chính trước giai đoạn công bố kết quả kinh doanh quý.
Ngân hàng đầu tư hàng đầu nước Mỹ, Lehman Brother cho biết Fannie Mae và Freddie Mac, hai tổ chức cầm cố do Chính phủ tài trợ, sẽ cần phải tăng vốn lên tới 75 tỷ đôla nếu những quy định mới về kế toán được thông qua. Quy định mới này yêu cầu hai tổ chức trên phải đưa những thông tin về chứng khoán mà họ sở hữu vào trong bảng cân đối thu chi.
Cổ phiếu của Freddie Mac mất gần 18%, trong khi Fannie Mae cũng giảm trên 16%. Cùng với đó là cổ phiếu của một loạt ngân hàng lớn như Bank Of America, JP Morgan Chase, và Wachovia đều đi xuống.
Trong những ngày tới, khi kết quả kinh doanh của nhiều tập đoàn được công bố, giới chứng khoán đang e ngại sẽ có những tập đoàn tài chính có kết quả thảm hại và buộc phải tăng vốn.
Thậm chí có khả năng nhiều tập đoàn phải bán chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Các chuyên gia nhận định, nếu hiện tượng này xảy ra thì tính bất ổn của phố Wall sẽ càng tăng lên.
Trước việc cả ba chỉ số lớn đều đã đến mốc giảm 20% từ đỉnh, các nhà đầu tư tại Mỹ đang có xu hướng chuyển từ cổ phiếu sang công cụ tài chính an toàn hơn là trái phiếu chính phủ.
Ông Hugh Johnson, nhà chiến lược thị trường tại Global Asset Management, nhận định "mùa" báo cáo lợi nhuận sắp tới sẽ rất khó khăn với phần lớn các công ty sẽ cho những con số lợi nhuận sút giảm.
Theo bà Janet Yellen, Chủ tịch Ngân hàng trung ương chi nhánh Philladenphia, tình hình vĩ mô có thể được cải thiện trong năm tới, nhưng từ giờ đến lúc đó mọi chuyện sẽ còn có thể tồi tệ hơn những gì đang diễn ra.
Dẫu sao, dầu mất giá phần nào xoa dịu cho chứng khoán Mỹ trước những vấn đề người tiêu dùng và lạm phát. Hôm qua, dầu đóng cửa thấp hơn 140 đôla, giảm khoảng 5 đôla so với ngày trước đó.
Trái ngược với cảnh ảm đạm tại phố Wall, chứng khoán châu Á và châu Âu đã có một ngày may mắn.
Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 đi lên 0,92%. Đồng đôla tăng so với yên giúp các nhà xuất khẩu lớn tại quốc gia này lên giá. Sau 12 phiên đi xuống, việc chứng khoán Nhật hồi phục trong ngày hôm nay phần nào đã được dự báo trước.
Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong tăng 2,28%. Chứng khoán Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ khi chỉ số Shang Hai được cộng thêm tới 4,45%.
Tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,85%. Hai thị trường lớn còn lại là Pháp và Đức cũng tiến bước. Mức tăng của chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức lần lượt là 1,8% và 1,97%.
Theo VnExpress