Hôm 4/9, chứng khoán Mỹ đón nhận thông tin trái chiều. Dầu giảm giá đã không còn tác dụng hỗ trợ với chứng khoán mà còn làm tăng thêm nỗi chậm phát triển kinh tế. Sự e ngại này càng được "hỗ trợ" bởi báo cáo của FED. Tuy nhiên, doanh số giảm nhẹ hơn dự kiến của GM đã phần nào xoa dịu tâm lý các nhà đầu tư.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 0,14% lên 11.532,88 điểm Chỉ số Standard & Poor 500 mất 0,2%, chốt tại 1.274,98 điểm. Chỉ số Nasdaq của các tập đoàn công nghệ cũng thấp hơn 0,66% so với phiên trước, chốt tại 2.333,73 điểm.
Ông Greg Church, Chủ tịch của Church Capital cho hay, sau nhiều tuần giảm điểm, dầu và hàng hóa cơ bản tiếp tục xuống giá sẽ hỗ trợ nhiều cho chứng khoán. Tuy nhiên vẫn còn đó những nỗi lo suy thoái kinh tế, và dầu giảm giá tới mức hiện tại đã làm mối e ngại này trở nên trầm trọng hơn.
Ông Church cho biết thêm, thông tin một quỹ lớn, chuyên đầu cơ hàng hóa cơ bản, sụp đổ đã thêm phần hoang mang cho phố Wall.
Điểm sáng hiếm hoi của chứng khoán Mỹ là lượng đơn đặt hàng trong tháng 7 tại các nhà máy tăng 1,3%, cao hơn mức dự kiến 1% thu được trong một cuộc khảo sát. Trong bản báo cáo của mình FED cho biết, nước Mỹ vẫn đang phải vật lộn với tình trạng giá nhiên liệu tăng cao, thị trường bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán giảm thảm hại. Bên cạnh đó, nạn lạm phát và thất nghiệp trở nên ngày càng tồi tệ. FED nhận định những vấn đề trên sẽ vẫn ám ảnh nước Mỹ trong năm tới.
Theo Chủ tịch FED chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren, khủng hoảng tín dụng hiện tại còn tệ hơn những gì diễn ra đầu thập niên 1990. Theo ông, cuộc khủng hoảng này thậm chí sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 6%.
Khối tài chính tăng điểm trước thông tin, Lehman Brother nhận được lời đề nghị mua 25% cổ phần, với giá 5,3 tỷ đôla, từ Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cho biết, mọi việc vẫn còn ở phía trước. Hiện còn có thông tin HSBC và Misibishi có thể sẽ tham gia vào thương vụ mua cổ phần của Lehman Brothers.
General Motor thông báo doanh số bán hàng trong tháng tám sụt giảm 20,4%, nhưng vẫn khả quan hơn dự đoán 29% của các chuyên gia.
Hôm nay, thông tin về doanh số của các tập đoàn bán lẻ trong tháng 8 sẽ được công bố. Số liệu này càng trở nên quan trọng khi các biện pháp hỗ trợ kinh tế, như hoàn thuế hàng tỷ đôla, sẽ không còn tác dụng. Cùng ngày, thống kê thất nghiệp và dự trữ dầu sẽ được công bố.
Giá dầu giảm nhẹ 36 cent xuống 109,35 đôla một thùng, mức thấp nhất kể từ 7/4. Dầu hiện đã giảm 20% so với đỉnh 147,2 đôla, xác lập vào 11/7.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs vẫn dự đoán, giá loại nhiên liệu này sẽ leo lên mức 149 đôla một thùng vào cuối năm.
Chứng khoán Anh nối dài chuỗi phiên xanh khi chỉ số FTSE 100 được cộng thêm 0,42% sau ngày giao dịch hôm qua. Chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức đi xuống lần lượt 0,81% và 1,19%.
Hai trong số ba thị trường lớn tại châu Á sụt giảm vào hôm qua. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 1,04%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bị trừ 0,95%. Chứng khoán Trong Quốc gần như đứng yên khi chỉ số Shang Hai Composite của nước này chỉ tăng nhẹ 0,03%.
Theo VnExpress