Chỉ số Dow Jones tăng 2,58%, đóng cửa tại 11.510,74 điểm. Nasdaq chốt tại 2.269,76 điểm, lên 0,62%. Standard & Poor 500 kết thúc ngày giao dịch ở mức 1.267,79 điểm, tăng 2,05%.
Bơm tiền vào Fannie và Freddie, Chính phủ Mỹ kỳ vọng kiểm soát tốt lĩnh vực cầm cố, từ đó vực dậy thị trường nhà đất. Bộ trưởng Bộ Tài chính ông Henry Paulson cho biết Giám đốc điều hành của cả Fannie và Freddie đều đã được thay thế và hai công ty trên đang đứng dưới sự bảo trợ của Chính phủ.
Ông Steven Goldman, Nhà Chiến lược Thị trường tại Weeden & Co, cho biết, Chính phủ hỗ trợ Fannie và Freddie là một tin tốt nhưng chưa thể là liều thuốc tiên cho cuộc khủng hoảng bất động sản. Theo ông, mọi người đã được tạo điều kiện mua nhà đất với lãi suất thấp từ đó hỗ trợ cho tâm lý các nhà đầu tư, nhưng nó không giải quyết triệt để những vấn đề của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động của các ngân hàng vẫn chưa ổn định và khủng hoảng vẫn có thể xảy ra.
Ông Jon Burnham, Nhà Quản lý Quỹ tại Burnham Securities, cho rằng, động thái của Chính phủ là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để ổn định thị trường tài chính, tín dụng.
Dẫu sao, đa số cổ phiếu tài chính vẫn lên điểm nhờ thông tin trên. Và quyết tâm của Nhà Trắng cũng giúp giới đầu tư an tâm phần nào.
Tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, hai thị trường lớn còn lại là Nhật và Hong Kong đều khởi sắc nhờ tin tốt từ Mỹ. Tại nhật chỉ số Nikkei 225 tăng mạnh tới 3,38%. Khối tài chính đóng vai trò dẫn dắt với sự vươn lên của các ngân hàng như Sumitomo, Mitsubishi, hay Mizuho. Chứng khoán Hong Kong cũng ghi nhận mức điểm cộng tới 4,32% của chỉ số Hang Seng. Chỉ số Shang Hai Composite của Trung Quốc mất 2,68%.
Cổ phiếu ngân hàng tại châu Âu cũng có một ngày tốt đẹp. Các ngân hàng như HSBC, Ngân hàng Hoàng gia Scotland, và Standard Chartered tăng mạnh. Nhờ đó FTSE 100 tiến thêm 3,92%. DAX của Đức và CAC 40 của Pháp tăng lần lượt 2,22% và 3,42%.
Theo VnExpress