Phó thủ tướng: Mục tiêu GDP tăng 6-6,5% là thách thức lớn

 Sáng 23/5, thừa uỷ quyền Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, báo cáo trước Quốc hội kết quả bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2021; thực hiện các tháng đầu năm 2022.

Theo đánh giá của Chính phủ, những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực trong trạng thái "bình thường mới". Tổng thu ngân sách 4 tháng là 657.400 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. CPI tháng 4 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất cùng kỳ 5 năm qua.

Đến giữa tháng 5, tín dụng tăng gần 7,2% so với cuối 2021 và tăng 17% cùng kỳ năm ngoái. Các vi phạm trên thị trường chứng khoán vừa qua được kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, giúp đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường.

Việt Nam xuất siêu 2,53 tỷ USD, tăng gần một tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 4 tháng đầu năm tăng gần 2 lần năm ngoái. Vốn nước ngoài thực hiện cũng tăng gần 8%, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục hồi tăng trưởng của Việt Nam.

Tính chung 4 tháng, 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gần 27% cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo Chính phủ, nền kinh tế tiềm ẩn áp lực lạm phát tăng cao khi nhu cầu trong nước phục hồi và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% là thách thức rất lớn.

 

Cộng hưởng với tăng giá nhập khẩu đầu vào, nhất là giá xăng dầu, lao động thiếu hụt cục bộ, chi phí vận tải, logistics, gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc... sẽ tác động tới nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay và năm sau.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành, thừa uỷ quyền Thủ tướng, báo cáo trước Quốc hội sáng 23/5. Ảnh: Hoàng Phong

Những tiềm ẩn rủi ro của nền kinh tế được Chính phủ nhìn nhận, như CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp đôi cùng kỳ 2018 - 2021. Điều này tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tỷ giá cũng đứng trước áp lực tăng tới đây do lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao, Fed tiếp tục có nhiều đợt tăng lãi suất, xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, giá nhập khẩu đầu vào tăng mạnh.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng, giá nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm. Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cùng đó, quy hoạch còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn lãng phí... Ngoài ra, các chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội triển khai còn chậm.

Ngoài lý do khách quan, lãnh đạo Chính phủ cũng nhìn nhận nguyên nhân chủ quan từ "chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất". Việc phân tích, dự báo tình hình để có kịch bản ứng phó vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế còn hạn chế.

12 nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ đưa ra để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội năm nay. Trong đó, giải pháp xuyên suốt được nhắc tới là chủ động điều hành, linh hoạt phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa.

Các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu; tăng quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế... cũng là những ưu tiên trong điều hành của Chính phủ.

Nhiệm vụ tiếp theo được Phó thủ tướng đề cập là thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn từ các nơi chậm giải ngân sang nơi cần vốn, có khả năng giải ngân tốt hơn.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lưu ý Chính phủ về những rủi ro từ tăng giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá xăng dầu sẽ tác động tới lạm phát năm nay.

Thị trường xăng dầu quý I nhiều biến động trước giá dầu thô và thành phẩm thế giới tăng cao. Trong nước, nguồn cung chịu ảnh hưởng lớn từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị chiếm 35-40% tổng cung, giảm công suất và không cung ứng đủ sản lượng cho thị trường như cam kết và hợp đồng đã ký. Bộ Công Thương đã giao các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu bổ sung, nhưng việc này cũng gặp khó do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang Nga - Ukraine.

Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% từ 1/4 đến hết năm nay, song ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ nên tính tới kịch bản giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn. Cùng đó là các biện pháp hoãn, giãn tăng thuế, phí để bình ổn giá tiêu dùng.

"Giai đoạn tới cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, khi giá nhập khẩu nguyên, nhiên liệu sản xuất đều đang trong xu hướng tăng giá mạnh", Uỷ ban Kinh tế lưu ý.

Cũng theo ông Thanh, việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất, doanh nghiệp. Ông dẫn chứng, quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt dẫn đến nhiều dự án nguồn, lưới điện chưa thể triển khai, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm.

Hơn nữa, việc cung ứng than cho sản xuất điện cũng gặp khó khăn những tháng đầu năm, khi thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng hợp đồng đã ký. Việc này khiến nhiều tổ máy điện than phải dừng, giảm phát vào cuối tháng 3, và điện than huy động thấp hơn kế hoạch gần 1,37 tỷ kWh. Thực trạng này cho thấy nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm là rõ ràng.

Về giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ khi 4 tháng mới đạt gần 16,4%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và hiện còn 17 bộ ngành, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân. Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm những nơi tới giờ chưa giải ngân vốn đầu tư công 2022, tức giải ngân 0%.

Lo lắng khác được Uỷ ban Kinh tế nêu khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ là việc giải ngân các chương trình, nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế hiện chậm. Phần lớn các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình các bộ, ngành xây dựng, hướng dẫn.

Ông Thanh cho hay, hiện Chính phủ mới trình bổ sung gần 18.350 tỷ đồng vào dự toán năm 2022. Số vốn này dùng cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của chương trình phục hồi kinh tế, cần được phân bổ, bổ sung dự toán. Điều này dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.

Chưa kể, danh mục các dự án, nhiệm vụ dùng vốn của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế vẫn chưa được Chính phủ hoàn thiện, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. "Như vậy, là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình phục hồi kinh tế", ông nêu.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ lưu ý tới lãng phí trong sử dụng đất đai, tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá để trục lợi; an ninh năng lượng, bảo đảm điện năng cho sản xuất và tiêu dùng.

"Chính phủ cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá hàng hoá, nhất là điện, than, xăng dầu, phân bón, nguyên vật liệu xây dựng. Cùng đó là các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, tránh gián đoạn sản xuất, xuất khẩu và mở cửa du lịch, phát triển thị trường nội địa ", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế góp ý.

Về điều này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ cũng sẽ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về danh mục dự án sử dụng nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Trước áp lực tăng giá, lạm phát, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo theo dõi chặt chẽ thị trường, giá hàng hóa để có phương án kịp thời giúp bình ổn, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là điện, xăng dầu.

Trong đó, các dự án nguồn và lưới điện sẽ được đẩy nhanh. Phương án nguồn cung than, khí đốt cho sản xuất điện và phương án vận hành hệ thống điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong cao điểm nắng nóng sắp tới... sẽ được điều hành chủ động.

Trước đó, nhìn lại năm 2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói, đây là năm đất nước đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Nhiều giải pháp đã được các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương đưa ra để khắc phục khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch. Từ cuối năm 2021, kinh tế bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.

7 trong 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất giảm. Dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố, tạo dư địa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vừa chống dịch, vừa nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh và nâng hơn hơn khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Nhưng vẫn có 5 chỉ tiêu kinh tế xã hội chưa đạt mục tiêu, tăng 1 chỉ tiêu so với báo cáo của Chính phủ cuối năm ngoái.

Chỉ tiêu kinh tế xã hội Kế hoạch 2021 Thực hiện 2021
Tốc độ tăng GDP 6% 2,58%
GDP bình quân đầu người 3.700 USD 3.680 USD

Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)

44-47% 37,13%
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,5 điểm phần trăm giảm 0,52 điểm phần trăm
Tốc độ tăng năng suất lao động 4,8% 4,7%

Những điểm nghẽn này, Phó thủ tướng nhấn mạnh, sẽ được Chính phủ khắc phục trong chỉ đạo, điều hành năm 2022 với mục tiêu "xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả".

Anh Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14144
Số người truy cập:
8647978