Những mặt hàng túi xách, giày xép xa xỉ trưng bày trong một cửa hàng ở khu Kifissia. Ảnh: BBC.
Những con đường ở khu Kifissia, phía bắc thủ đô Athens, rợp bóng cây và đầy các cửa hiệu bán đồ xa xỉ như giày Valentino hay nhẫn kim cương. Người dân ở đây có tiền để chi tiêu nhưng lúc này, họ sẽ không "đốt" vào những món đồ hiệu ấy.
Nikki, 34 tuổi, ngồi cùng bạn phía ngoài hiệu bán giày trẻ em của cô và liếc nhìn cửa ra vào nhưng chẳng có khách nào ghé thăm.
"Chúng tôi đang chờ thông báo chuyện gì sẽ xảy ra với các nhà băng", Nikki cho hay.
Kifissia, khu nhà giàu của Athens, là một trong số ít nơi có phần đa người dân bỏ phiếu "có" trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7. 61,3 % người Hy Lạp nói "không" với các điều khoản cứu trợ của các chủ nợ quốc tế, trong khi phần lớn người dân ở khu Kifissia muốn chính phủ chấp nhận sự hỗ trợ này và thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Giờ đây, tương lai của Hy Lạp nằm trong tay chính phủ của đảng cánh tả Syriza khi lãnh đạo nước này đàm phán sâu hơn nữa với các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Sự giàu có của một số người nằm trong sức chi tiêu của người nước ngoài, không bị giới hạn bởi chính sách kiểm soát vốn của chính phủ Hy Lạp. Ảnh: BBC.
Những cọc tiền mặt
Sự giàu có của một số người nằm trong sức chi tiêu nước ngoài. Chủ cửa hàng bán đồ trang sức cao cấp vui mừng khi thấy khách chọn mua không chỉ một mà những hai vòng cổ lấp lánh.
Bà Nicole Kharma, 48 tuổi, đến từ Singapore. Bà tới Hy Lạp và mang theo một cọc tiền gồm những tờ mệnh giá 50 euro.
"Khách nước ngoài rất quan trọng. Người Hy Lạp đang chờ đợi chuyện gì xảy ra với cuộc khủng hoảng này nên không muốn tiêu tiền", Stavros Metaxas, chủ cửa hàng trang sức, giải thích.
Người dân Hy Lạp chỉ có thể rút 50-60 euro một ngày do các biện pháp kiểm soát vốn của chính phủ, nhưng điều này lại không áp dụng với khách nước ngoài. Các cửa hiệu cần tiền mặt hơn là thẻ tín dụng để trả cho người cung cấp hàng hóa.
"Nếu không nhận được tiền, người bán sẽ lấy lại hàng của họ", ông Metaxas nói.
Bà Kharma có thể rút 500 euro một ngày nhờ có thẻ ngân hàng quốc tế và dùng khoản tiền ấy vào công việc kinh doanh ở địa phương. Tuy nhiên, bà vẫn cảm thấy "đau lòng" khi chứng kiến những gì đang xảy ra quanh mình.
"Rời máy rút tiền với 500 euro (gồm những tờ mệnh giá 50 euro) khi tất cả mọi người đang đứng xếp hàng chỉ để đợi nhận được 50 euro thì quả thực rất buồn", bà Kharma chia sẻ.
Ông Fotiou bỏ phiếu "có" trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7. Ảnh: BBC.
"Tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng"
Ông Panagiotis Fotiou, 60 tuổi, uống cà phê espresso để lấy sức quay lại xếp hàng đợi rút tiền. Ông bỏ phiếu "có" trong cuộc trưng cầu dân ý vì, giống như nhiều người ở đây, ông tin chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras muốn từ bỏ đồng euro.
"Tôi tin chính phủ muốn đưa Hy Lạp ra khỏi châu Âu và chẳng bao lâu nữa, chúng tôi sẽ dùng lại đồng drachma (đồng tiền Hy Lạp)", ông nói. "Tôi cho rằng họ sẽ làm điều này một cách từ từ trong im lặng vì không muốn người dân trông thấy những gì đang làm".
Ông Fotiou là kỹ sư cơ khí và vừa nghỉ hưu cách đây một tháng. Ông từng sống ở Anh những năm 1980 và mới chuyển tới khu Kifissia cách đây ba năm.
"Khu vực này là một trong những nơi tập trung nhiều người giàu nhất Hy Lạp, vì thế chúng tôi không thấy các cửa hiệu đóng cửa hay cảnh người ăn xin trên đường", ông Fotiou nói. "Nhưng tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng theo nhiều cách khác nhau", ông Fotiou nói.
Người Hy Lạp ở khu Kifissia vẫn đang chờ đợi. Hiện giờ, cuộc sống của họ đang tạm ngừng vì tương lai nằm trong tay người khác.
Bình Minh (theo BBC)