Bà Bryant tại Lễ khai trương Làng Bích Họa ở Đồng Tháp hồi cuối tháng 1/2018. Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam. |
Bà Rebecca Bryant, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam, trao đổi với VnExpressvề ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Australia từ 14/3 đến 18/3 và định hướng hợp tác sắp tới.
- Việt Nam và Australia dự kiến nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, vì sao đây là thời điểm thích hợp thưa bà?
- Thỏa thuận Đối tác Chiến lược là một trong những văn bản hai bên dự kiến ký. Hai nước đang có mối hợp tác mạnh mẽ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, thương mại - đầu tư, giáo dục, du lịch và sáng tạo. Khi kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Australia nhận thấy cơ hội thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.
Chúng ta có những lợi ích kinh tế và an ninh trùng nhau, mối quan hệ Đối tác chiến lược sẽ là lời tuyên bố công khai về sự chia sẻ lợi ích chung và cách hai bên sẽ hợp tác với nhau để đảm bảo những điều đó. Mức quan hệ mới sẽ đặt nền tảng cho việc tăng hợp tác để bảo đảm hòa bình, thịnh vượng cho hai nước và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nó cũng phác thảo phương cách hai nước hợp tác để bảo vệ hệ thống quốc tế mở và toàn điện, dựa trên luật pháp quốc tế và được các thể chế quốc tế và khu vực ủng hộ.
- Thủ tướng Việt Nam khi đến Australia còn tham dự Hội nghị cấp cao đầu tiên giữa Australia và ASEAN. Có thể trông đợi gì từ hội nghị?
- Cách đây 40 năm, Australia trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN. Sang năm hai bên sẽ kỷ niệm 5 năm thiết lập Đối tác chiến lược. Australia nhận thấy sự thành công của ASEAN đã giúp bảo đảm an ninh và thịnh vượng của khu vực trong suốt nửa thế kỷ qua và Hiệp hội cũng sẽ đóng vai trò trung tâm thời gian tới.
Khi các lãnh đạo ASEAN đến Australia, họ sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho một trong những mối quan hệ lâu đời nhất ở khu vực. Đây là Hội nghị cấp cao đầu tiên được tổ chức ở Australia.
Sự kiện mang tính lịch sử này năm nay sẽ mở ra cơ hội để hai bên xem xét lại mối quan hệ, những tiến triển đạt được đến nay và nêu ra kế hoạch cho hợp tác trong tương lai. An ninh và thịnh vượng của khu vực không thể tự có và cũng không thể đạt được nhờ một nước. Tại Hội nghị cấp cao, lãnh đạo các nước sẽ bàn thảo về việc ASEAN và Australia có thể hợp tác để giải quyết các thách thức chung ở khu vực và quốc tế. Hai bên cũng sẽ thảo luận về việc tăng tối đa các cơ hội của khu vực, bằng cách thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn về thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và lĩnh vực sáng tạo.
- Khi bối cảnh khu vực và quốc tế thay đổi, Australia có điều chỉnh gì về chính sách?
- Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã công bố Sách Trắng tháng 11 năm ngoái, đó là tài liệu về chính sách ngoại giao toàn diện nhất của Australia trong 40 năm nay. Sách Trắng xem xét các thách thức khu vực và quốc tế, những cơ hội và những lựa chọn của chúng tôi. Quan điểm của Australia là cam kết bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh, mở và thịnh vượng, tăng cường trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.
Không có mục tiêu chính sách ngoại giao dài hạn nào quan trọng hơn đối với Australia là nỗ lực để giữ khu vực của chúng ta hòa bình và thịnh vượng, trong bối cảnh xung quanh thay đổi. Những thách thức đa dạng và không ngừng đòi hỏi cần có những phản ứng khác nhau. Sách Trắng đặt ra các phương thức của Australia gồm: tăng hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, duy trì thị trường mở cho thương mại và đầu tư, thúc đẩy các quy tắc công bằng và hợp tác chặt chẽ trên phạm vi thế giới.
Với việc coi Đông Nam Á là khu vực sẽ đóng vai trò quan trọng với tương lai của Australia, Canberra đang tăng cường kết nối với các thành viên của Hiệp hội. Australia cam kết bảo đảm mình là một đối tác hàng đầu về kinh tế, phát triển và an ninh của Đông Nam Á. Cam kết này thể hiện không chỉ trong Hội nghị cấp cao sắp tới mà còn qua việc tăng hợp tác song phương với các nước thành viên của ASEAN. Mức quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam là một ví dụ.
- Australia chia sẻ với ASEAN thế nào về tình hình Biển Đông?
- Cũng trong Sách Trắng tôi nêu ở trên, Australia cam kết việc hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi các nước thúc đẩy đối thoại và hợp tác để giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân theo luật pháp quốc tế, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.
Quan điểm lâu dài của Australia về Biển Đông là nhất quán và rõ ràng: Chúng tôi không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng như các nước không có tranh chấp khác, chúng tôi có lợi ích lớn về bảo đảm ổn định của tuyến hàng hải quan trọng và các quy tắc, luật pháp ở đây. Australia ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), thương mại và tự do hàng hải, hàng không không bị cản trở.
Australia thúc giục các bên có tranh chấp ở Biển Đông thực hiện các bước đi giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin, kiềm chế thực hiện các hành động khiêu khích, gồm hoạt động xây dựng hay quân sự hóa ở các thực thể. Chúng tôi cực lực phản đối việc đe dọa, hung hăng hay ép buộc để đạt được bất cứ yêu sách nào hay đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trái, gặp Thủ tướng Australia Turnbull bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm ngoái. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Việt Anh