Phát triển Ðảng ở vùng Loan

 Những cách làm riêng

 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển Đảng trên toàn huyện, năm 2014, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phát triển đảng viên giữ các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị, lực lượng cốt cán ở thôn, tổ dân phố. Chỉ thị đã chỉ rõ những nội dung để các địa phương thực hiện. Năm 2016, Huyện ủy Đức Trọng lại tiếp tục ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2016 - 2020. 
 
Trong quá trình thực hiện các nội dung này, Ban Thường vụ Huyện ủy Ðức Trọng xác định “luôn đồng hành, hỗ trợ đối với vùng khó”.
 
Được tách ra từ xã Tà Năng vào năm 2009, với 14 đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ xã Đạ Quyn đã phát triển được 87 đảng viên, trong đó đảng viên người đồng bào DTTS chiếm hơn 70%. Ông Hồ Đăng Thành - Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn nói: “Thực tế khẳng định, công tác phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng địa bàn nông thôn có ý nghĩa cốt lõi trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước”. 
 
Năm 2009, khi mới chia tách, xã Đa Quyn có 14 đảng viên. Thời điểm đó, tại Đa Quyn, huyện thành lập chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy. Sau nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2011, Đa Quyn phát triển được 10 đảng viên tại chỗ, trong đó có 4 đảng viên là người DTTS. Cũng vào thời điểm này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tăng cường thêm 5 đảng viên trên huyện và các đơn vị khác về xã, nâng tổng số đảng viên trong toàn xã lên 29 đồng chí và Đảng bộ xã Đa Quyn chính thức được thành lập. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng, Đảng ủy xã đã tập trung làm tốt công tác triển đảng viên nông thôn - lực lượng nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Đồng thời, phân công các đoàn thể tổ chức tốt các hoạt động phong trào nhằm tạo nguồn phát triển Đảng. Các đảng ủy viên được phân công về giám sát và hỗ trợ các chi bộ thực hiện nhiệm vụ. 
 
Tại xã Đà Loan, thời điểm những năm 1984 xã chỉ có 1 chi bộ với 4 đảng viên. “Xác định phải giải quyết được vấn đề con người mới tính tiếp đến chuyện phát triển kinh tế nên các đảng viên được huyện tăng cường về cùng với đảng viên tại chỗ đã có nhiều nỗ lực để phát triển đảng viên mới nhằm tăng cường sức mạnh cho Đảng và tạo được thế hệ kế cận, kế thừa”, bà Dương Thị Gái - Bí thư Đảng ủy xã Đà Loan nói. Sau nhiều nỗ lực, đến năm 2000, Đa Quyn đã thành lập được đảng bộ xã với 34 đảng viên. Ngoài lực lượng là cán bộ xã, quân đội địa phương là nguồn lực dồi dào để phát triển Đảng, Đa Quyn chọn cách phát triển Đảng trước mắt trong hệ thống chính trị thôn. Bởi, theo Bí thư Đảng ủy xã, nếu quần chúng không tham gia bất cứ nhiệm vụ xã hội nào sẽ rất khó để đủ tiêu chuẩn kết nạp vào Đảng. Mặt khác, việc xác định trọng tâm kết nạp đảng viên ở hệ thống chính trị thôn cũng góp phần củng cố vững chắc bộ máy ngay từ cấp thôn. Đồng thời, đây cũng là lực lượng sát với bà con nên sẽ là cầu nối vững chắc giữa Đảng với nhân dân.
 
Và tại xã Tà Hine, ông Vũ Xuân Mừng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, năm 1984, khi chia tách xã, Tà Hine không hề có chi bộ riêng. Sau nhiều năm nỗ lực tập trung phát triển đảng viên trong vùng nông thôn cũng như từ đội ngũ cán bộ, công chức xã và lực lượng dân quân tự vệ, số lượng đảng viên và chi bộ tăng dần qua từng năm. Đến cuối 2017, Tà Hine có 9 chi bộ với 101 đảng viên. Đây cũng đang là cách mà Tà Hine áp dụng để tiếp tục phát triển đảng viên. 
 
Trong công tác lãnh đạo, Đảng bộ huyện Đức Trọng hàng năm đều giao chỉ tiêu phát triển Đảng cho từng địa phương. Riêng năm 2017, 5 xã vùng Loan được giao chỉ tiêu phát triển 10 - 11 đảng viên mới/xã. 4/5 xã đạt chỉ tiêu, riêng Ninh Loan đạt 9/11 chỉ tiêu.
 
Nhiều nút thắt cần mở
 
“Phát triển đảng viên trong nông thôn hiện nay rất khó” đó là khẳng định của hầu hết các bí thư đảng ủy xã ở vùng Loan.
 
Ông Hồ Đăng Thành nói: Hiện Đa Quyn đang có nguy cơ “cạn nguồn” phát triển Đảng. Ngoài lực lượng quần chúng ưu tú đã được phát triển Đảng thì hiện nay phát triển quần chúng thành đảng viên nông thôn rất khó. Trình độ dân trí thấp và những áp lực về phát triển kinh tế đã chi phối tư tưởng, tâm lý của người dân nói chung. Điều đó dẫn tới việc nhiều quần chúng ưu tú rời địa phương để đi làm ăn và “không mặn mà” đứng vào hàng ngũ của Đảng. 
 
Đây cũng là vấn đề đang đặt ra cho Đảng bộ xã Đà Loan. Ngoài việc phát triển Đảng từ lực lượng nòng cốt của thôn, hiện Đà Loan đang xác định nguồn phát triển Đảng từ lực lượng trẻ. Trong đó, chú trọng vào nhóm đối tượng sinh viên tốt nghiệp trở về quê và học sinh THPT ưu tú trên địa bàn xã. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu bền, hiệu quả nhất là trên địa bàn thuần nông như Đà Loan. Bởi lực lượng mà Đảng ủy xã hướng tới để phát triển Đảng có ít kinh nghiệm trong các hoạt động của địa phương ít tiếng nói, ít uy tín đối với bà con nên sẽ rất khó để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của xã. Mặt khác, lực lượng này cũng rất dễ biến động do chuyển đi các địa bàn khác để lập gia đình hoặc làm kinh tế. 
 
“Tà Hine hiện như đang “đốt đuốc” tìm quần chúng ưu tú có mong muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng”, Bí thư Vũ Xuân Mừng ví von. Ngoài những lý do có nét tương đồng như đối với các xã trong vùng, Tà Hine còn khó phát triển Đảng do không ít quần chúng có tư tưởng “không làm cán bộ thì vào Đảng được gì”. Bên cạnh đó, đa số quần chúng ưu tú trên địa bàn xã đều vướng phải vấn đề sinh con thứ 3 nên công tác phát triển đảng viên của xã gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Hiện, tất cả các xã ở vùng Loan đều chọn giải pháp chung là đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân. Các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã được giao nhiệm vụ tổ chức tốt các hoạt động phong trào thi đua để phát hiện và bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Tuy nhiên, không có cách tuyên truyền nào hiệu quả bằng chính việc cán bộ đảng viên gương mẫu làm gương để củng cố và vun đắp thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng. Từ đó, khơi dậy ý thức muốn cống hiến cho cộng đồng trong quần chúng, để hiểu rằng vào Đảng trước hết để được cống hiến nhiều hơn chứ không đơn thuần để nhận được những gì.
 
NGỌC NGÀ

Giày Đại Phát solution
Số người online:
27544
Số người truy cập:
9030572