Ông Julian Assange bị dọa giết

 
 
Số phận và nơi ở của Julian Assange, nhà sáng lập website WikiLeaks, đang được dư luận quan tâm đặc biệt sau khi website của ông công bố tài liệu ngoại giao mật của Mỹ.
 
Đang ở Anh?
 
Báo The Independent (Anh) hôm 2-12 tiết lộ ông Julian Assange đang ở Anh và cảnh sát biết nơi ở của ông ta. Tuy nhiên, cảnh sát Anh vẫn chưa hành động theo lệnh truy nã quốc tế ông ta.
 
Theo bài báo, ông Assange đã cung cấp cho cảnh sát Anh chi tiết liên lạc khi đến nước này vào tháng 10-2010. Dẫn các nguồn tin giấu tên, bài báo cho biết cảnh sát có số điện thoại của ông Assange và tin rằng ông đang ở miền Đông Nam nước Anh.
 
Mặc dù Interpol đã phát lệnh truy nã toàn cầu đối với ông Assange trong tuần này nhưng Cơ quan Tội phạm có tổ chức nghiêm trọng của Anh (Soca) từ chối phê chuẩn việc truy bắt ông ta.
 
Theo báo The Independent, Soca cần được cung cấp thêm thông tin làm rõ lệnh truy nã nói trên trước khi hành động. Trong khi đó, báo The Times (Anh) dẫn một nguồn tin cho biết nội dung lệnh truy nã của nhà chức trách Thụy Điển có chứa sai sót khiến cảnh sát Anh không thể thực thi. Nguồn tin này nói: “Đó không phải là một lệnh truy nã được chứng thực phù hợp, vì thế chúng tôi không thể hành động”.
 
Cảnh sát Anh từ chối bình luận về những thông tin nói trên. Tuy nhiên, ông Mark Stephens, luật sư của ông Julian Assange ở Anh, nói với hãng tin AFP rằng nhà chức trách Anh biết thân chủ ông đang ở đâu. Ông Assange hiện đang sống ẩn dật sau khi bị truy nã ở Thụy Điển vì những cáo buộc cưỡng hiếp và quấy rối tình dục.
 
Tính mạng lâm nguy
 
Trước đó một ngày, người phát ngôn WikiLeaks Kristinn Hrafnsson cho biết ông Assange đang đối mặt với nguy cơ bị ám sát sau vụ rò rỉ tài liệu ngoại giao mật của Mỹ và vẫn sẽ lẩn trốn vì sự an toàn của bản thân.
 
Theo ông Hrafnsson, tính mạng của ông Assange đang lâm nguy sau khi một số chính trị gia Mỹ kêu gọi xét xử ông tội phản quốc trong lúc một cố vấn của thủ tướng Canada nói ông ta nên bị giết. 
 
Ông Hrafnsson cho biết: “Chúng tôi nghe thấy những lời đe dọa từ một số chính phủ và nhà bình luận. Một số lời đe dọa này hoàn toàn phi lý, thậm chí có những lời kêu gọi ám sát ông Assange”. Vì thế, theo ông Hrafnsson, nơi ở của ông Assange vẫn sẽ là một bí mật.  
 

Ông Julian Assange trong một buổi họp mặt tại CLB báo chí Frontline ở London (Anh) vào cuối tháng 10-2010. Ảnh: FRONTLINE


Đề cập về vụ rò rỉ mới nhất của WikiLeaks, ông Hrafnsson khẳng định hành động này không vi phạm pháp luật vì người ta có quyền được biết những gì các quan chức đại diện họ đang làm. Ngoài ra, ông bác bỏ những lo ngại rằng việc tiết lộ này đe dọa sự hợp tác giữa các nước.
 
Ông nói với hãng tin Reuters: “Nếu sự ổn định của toàn cầu được dựa trên những điều dối trá, một sự thay đổi có lẽ là cần thiết”. Cũng theo ông Hrafnsson, chỉ mới có vài trăm trong số hàng trăm ngàn tài liệu ngoại giao mật của Mỹ được công bố cho đến nay và sẽ mất nhiều tháng để công bố toàn bộ số tài liệu này.
 
Tại Anh, luật sư Stephens của ông Assange nói thân chủ ông đang bị “khủng bố” bởi vụ rò rỉ gây nhiều bối rối cho nhà chức trách Mỹ. Theo ông, việc Interpol phát lệnh truy nã toàn cầu đối với ông Assange có thể liên quan đến những phản ứng cay cú của Mỹ đối với vụ rò rỉ. Ông khẳng định: “Đây là khủng bố chứ không phải truy tố”.
 
Thủ tướng Nga Putin chỉ trích Mỹ
 
Trong lúc này, các nước tiếp tục có những phản ứng trước việc WikiLeaks rò rỉ tài liệu ngoại giao mật của Mỹ. Thủ tướng Nga Vladimir Putin hôm 1-12 đã chỉ trích Washington sau khi một số tài liệu mật dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói nền dân chủ ở Nga đã thụt lùi.  Trả lời phỏng vấn đài CNN (Mỹ), ông Putin nói nhận định của ông Gates là sai lầm và cảnh báo các quan chức Mỹ không can thiệp vào chính trường Nga.
 
Trong một số tài liệu khác, các nhà ngoại giao Mỹ gọi nước Nga là “một nhà nước mafia” và cho rằng ông Putin có nhiều quyền lực hơn Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Tuy nhiên, những nhận định này cũng bị Thủ tướng Putin bác bỏ thẳng thừng. Theo ông Putin, có thể có những mục đích chính trị đằng sau vụ rò rỉ số tài liệu này nhưng chúng không phải là một thảm họa.
 
Tại Pakistan, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã gọi Đại sứ Mỹ đến để thảo luận sau khi những tài liệu ngoại giao mật của Mỹ liên quan đến Pakistan được công bố. Theo nội dung một số tài liệu, các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng vũ khí hạt nhân của Pakistan có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan cho rằng những lời lẽ này là không phù hợp.
 

Vì sao không thể ngăn chặn WikiLeaks?

 
Cấu trúc của WikiLeaks khiến cho nhiều chính phủ và nhiều tổ chức - vốn lúng túng vì những thông tin được tiết lộ - trên thực tế không thể thực hiện được những biện pháp pháp lý chống lại website này.
 
Theo báo The Telegraph (Anh), PRQ, công ty internet của Thụy Điển có liên hệ với website chia sẻ tập tin The Pirate Bay, đã từng tuyên bố công ty này cung cấp cho WikiLeaks một khoảng trống máy chủ từ một căn cứ ở vùng ngoại ô Stockholm. Nhiều tài liệu được công bố trên website này thuộc loại mật hoặc được luật tác quyền bảo vệ.
 
Điều ít người biết là WikiLeaks thực hiện việc công bố các tài liệu qua một số máy chủ khác nhau.
 
PRQ cho biết các máy chủ này được phân bố vượt ra ngoài quyền lực pháp lý và không lưu giữ tập tin nhật ký nên không thể bị bắt.
 
Trong khi đó, nhà sáng lập Julian Assange nói tổ chức của ông ta biết cách sử dụng một phương pháp để che giấu các dấu vết.
 
Tại một cuộc họp báo vào tháng 8 năm nay, ông Assange cho biết WikiLeaks chuyển các dữ liệu của mình xuyên qua các quốc gia có luật pháp bảo vệ khá chặt những người tiết lộ thông tin, trong đó có Thụy Điển, Iceland và Bỉ.
 
Ông Mikael Viborg, chủ sở hữu Công ty PRQ, nhấn mạnh rằng nhà chức trách Thụy Điển biết các máy chủ của WikiLeaks đặt ở đâu nhưng đã không có bất cứ nỗ lực nào để chặn chúng.
 
Ông cũng cho biết WikiLeaks còn có những máy chủ dự phòng đặt ở các quốc gia khác. Chúng luôn sẵn sàng hoạt động trong trường hợp các máy chủ chính bị ngăn chặn.
 
Ngoài ra, còn có thông tin khẳng định một số máy chủ của WikiLeaks nằm sâu dưới lòng đất 30 m, trong một boong-ke thời chiến tranh lạnh nằm giữa một ngọn đồi đá lớn ở Stockholm.

Lục San

Mỹ tăng cường bảo vệ bí mật của chính phủ

 
Tòa án Thụy Điển bác đơn kháng cáo của ông Assange
Chính phủ Mỹ hôm 1-12 cho biết đang thực hiện các biện pháp mới nhằm bảo vệ các bí mật của chính phủ sau vụ tiết lộ mới nhất của WikiLeaks.
 
Cụ thể là Tổng thống Barack Obama đã bổ nhiệm Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon làm cố vấn cấp cao chịu trách nhiệm về một kế hoạch toàn diện nhằm xác định và thực hiện những cải cách cần thiết.
 
Ông Obama cũng chọn ông Russell Travers - Phó Giám đốc chuyên trách chia sẻ thông tin thuộc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia - làm người chỉ đạo những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm thiểu các thiệt hại do việc WikiLeaks công bố các thông tin mật, đồng thời ngăn chặn các hành động tiết lộ thông tin trái phép trong tương lai.
 
Một ủy ban đặc biệt cũng được thành lập để đánh giá thiệt hại từ vụ rò rỉ và thực hiện những nỗ lực nhằm siết chặt an ninh về việc chia sẻ thông tin mật giữa các cơ quan chính phủ.
 
. Tòa án Tối cao Thụy Điển ngày 2-12 đã bác đơn kháng cáo của nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange về lệnh bắt giữ ông này.
 
Trong tuần qua, luật sư của ông Assange đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Thụy Điển về lệnh bắt giữ ông này với cáo buộc quấy rối tình dục.
 
Song phán quyết ngày 2-12 của tòa án cho thấy lệnh bắt giữ Assange tiếp tục có hiệu lực tại Thụy Điển cũng như ở các nước khác.
 
Trước đó, hồi tháng 8, ông Assange đã bị thẩm vấn vì nghi ngờ phạm các tội quấy rối tình dục và cưỡng hiếp.
 
Ngày 20-11, cảnh sát Thụy Điển đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Assange.
 
Sau đó 10 ngày, Cơ quan Cảnh sát Quốc tế (Interpol) cũng đã đưa ông vào danh sách những đối tượng bị truy nã toàn cầu.

H.P-T.M

Hoàng Phương

Giày Đại Phát solution
Số người online:
61078
Số người truy cập:
8682207