Vợ chồng tôi quê ở Hà Nam. Vợ tôi làm việc cho một công ty gần nhà, lương 8 triệu đồng/tháng. Sau khi kết hôn, tôi bị phân công lên công tác tại Thái Nguyên, lương 10 triệu đồng/tháng tính cả tiền phụ cấp.
Lập gia đình được 3 năm, tính cả tiền mừng cưới và của hồi môn hai bên cho, cộng với tiền tiết kiệm thời gian qua, vợ chồng tôi để ra được 300 triệu đồng. Vợ tôi ở với bố mẹ chồng, tôi công tác xa nhà nên chỉ về quê được vào các dịp cuối tuần.
Do làm việc trong một đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước nên xin chuyển công tác rất khó. Tôi lại là con một trong gia đình, bố mẹ đã già nên chuyện xin chuyển công việc của vợ lên Thái Nguyên cũng không ổn. Bởi, nếu vợ tôi chuyển lên Thái Nguyên, bố mẹ già ở quê lại không có ai chăm sóc.
Thế nên, đầu năm 2018, thấy anh bạn cùng cơ quan rao bán xe ô tô của mình giá khá phải chăng, tôi bàn với gia đình tính rút tiền tiết kiệm ra mua, số còn thiếu thì vay thêm để thuận tiện đi lại cho mỗi dịp cuối tuần.
Bình thường, mua ô tô cũ ở ngoài sợ mua phải xe không tốt, trong khi mua của bạn bè thì yên tâm hơn, lại là chỗ anh em quen biết, giá tôi tham khảo cũng rẻ hơn ngoài thị trường 50 triệu rồi. Nếu lấy chiếc xe này số tiền nợ 50 triệu tôi tính toán trả trong vòng hơn một năm sẽ hết. Bởi, vợ chồng tôi đang kế hoạch, chưa sinh con nên tiền lương hàng tháng chỉ dùng phải việc ăn tiêu trong gia đình, mỗi tháng cũng tiết kiệm được vài triệu đồng.
Sau nửa năm mua xe ô tô cũ, anh Hoàng đã phải bán vội vì không thể nuôi nổi xe (ảnh minh họa)
Được bố mẹ và vợ gật đầu đồng ý hôm trước, hôm sau tôi lái luôn xe về nhà khoe với mọi người. Bố mẹ tôi mừng ra mặt vì xung quanh hàng xóm chưa gia đình nào mua được ô tô.
Tháng đầu tiên mua ô tô tôi khá ổn. Lương 10 triệu tôi chi phí cho tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí và tiền xăng xe hết 7 triệu đồng, vẫn tiết kiệm được 3 triệu đồng. Có xe, tôi cũng chủ động được thời gian về quê, không còn vất vả đi xe khách như trước.
Song, đến tháng thứ hai bắt đầu phát sinh nhiều thứ khác, ngoài tiền xăng xe, tiền chi phí cầu đường, tôi mất thêm tiền sơn lại phí đuôi xe do va quyệt làm xước sơn (do chưa lái quen). Kết quả, tháng đó hết nhẵn tiền lương.
Thảm họa nhất là sang tháng thứ ba, điều hòa xe bật nhưng không mát, tôi phải đưa xe đi bảo dưỡng và được thợ báo: thay lốc điều hòa hết 9,5 triệu đồng, lọc điều hòa hết 300.000 đồng, nạp ga điều hòa hết 550.000 đồng, dầu ga hết 200.000 đồng, dây curoa hết 350.000 đồng. Tính cả tiền công thợ 400.000 đồng thì tổng tiền lên tới 11,3 triệu đồng.
Cầm tờ giấy báo giá của gara sữa chữ ô tô mà tôi toát hết cả mồ hôi. Bởi, số tiền sửa xe còn nhiều hơn cả tháng lương của tôi. Nhưng, không sửa thì không được nên đành điện thoại cho bạn bè vay tiền để sửa cho xong xe đi.
Những tháng tiếp theo, tháng thì thay lốp, tháng thì phải đi đăng kiểm xe. Thành ra, tháng nào khoảng lương 10 triệu của tôi cũng tiêu sạch bách, thậm chí còn âm vì chiếc xe ngốn quá nhiều tiền. Đó là chưa kể, mỗi lần về quê, họ hàng muốn đi đâu lại nhờ tôi chở đi, mỗi lần như vậy cũng tốn thêm tiền xăng xe. Trong khi đó, nợ cũ vay mua ô tô 50 triệu vẫn chưa trả được đồng nào, nợ mới cả chục triệu vay sửa ô tô cũng vẫn nguyên si.
Mua xe được nửa năm, ngoại trừ tháng đầu tiên thấy nhàn hạ, vui vẻ vì có ô tô đi, không vất vả chen lấn trên xe khách như trước nữa. Song, từ tháng thứ hai trở đi, tôi lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi vì áp lực nuôi xe, lại còn lo trả nợ, nhiều đêm suy nghĩ đến mất ngủ,... Áp lực chi tiêu sinh hoạt trong gia đình dồn hết lên vai vợ vì nửa năm mua xe, tôi không gửi được cho vợ đồng nào, thậm chí gánh nợ thêm.
Tôi nghĩ, đây là vợ chồng chưa có con cái gì, nếu sinh con nữa thì chắc thu nhập không đủ tiền chi phí sinh hoạt.
Cuối cùng, tôi quyết định bán vội chiếc xe ô tô của mình dù mới mua được nửa năm trời. Bởi, càng giữ xe lại tôi càng nợ nhiều hơn.
Bán xe đi, tôi lỗ mất 70 triệu đồng, thu về được 280 triệu. Tôi đem 60 triệu trả khoản nợ cộng với lãi nửa năm lúc mua ô tô, trả bạn tôi gần 15 triệu đồng vay sửa xe linh tinh trong vòng mấy tháng. Số tiền còn lại sau khi trả hết nợ là 205 triệu đồng, tôi cho vợ gửi tiết kiệm.
Vậy là chỉ vì tính toán sai lầm của mình mà sau nửa năm mua xe, tôi đốt hết 100 triệu, đó là chưa kể chi phí xăng xe, tiền cầu đường đi lại hàng tháng phải chi.
Giờ bán xe đi, tuy lỗ một khoản tiền lớn nhưng đổi lại tôi thấy nhẹ cả người dù sau này mỗi lần về quê tôi lại phải bon chen đi xe khách. Tôi cũng rút ra được bài học quý báu cho bản thân về cân đối tài chính, cái gì nên mua, cái gì không nên mua.
Vũ Huy Hoàng (Đại Từ, Thái Nguyên)
Theo VietnamNet