Giữa tháng 2, vườn thanh long 5.000 m2 của bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (44 tuổi, TP Tân An, Long An) vừa thu hoạch xong đợt 1, còn vài ngày nữa là thu hoạch đợt 2. Theo bà Phượng, chỉ gần 10 ngày trước, giá thanh long sau Tết Nguyên đán tăng lên 17.000-20.000 đồng mỗi ký khiến nhiều nông dân hứng khởi.
Tuy nhiên, mấy ngày qua, thương lái hạn chế thu mua thanh long vì thế giá rớt mạnh, xuống còn 4.000-6.000 đồng mỗi ký. Với mức giá này, bình quân mỗi ha thanh long, nhà vườn lỗ hàng trăm triệu đồng.
Vườn thanh long của bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng đang vào mùa thu hoạch. Ảnh: Hoàng Nam
Long An hiện có khoảng 10.000 ha thanh long, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành với hơn 9.000 ha, mỗi năm sản lượng thu hoạch gần 300.000 tấn. Đợt thu hoạch này, tỉnh có trên 1.000 tấn thanh long. Toàn tỉnh hiện có 117 kho thanh long, trong đó có 100 kho đông lạnh công suất hơn 5.000 tấn. Nhưng do lo ngại không xuất được hàng, nhiều kho đã tạm ngưng thu mua.
Tại Tiền Giang, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng cho hay, địa phương có gần 1.000 ha mít và trên 500 ha thanh long vào mùa thu hoạch từ nay đến cuối tháng. Tổng sản lượng trên 15.000 tấn.
"Mấy ngày nay, giá mít, thanh long đều giảm do cửa khẩu ra thông báo tạm dừng tiếp nhận, gây nhiều khó khăn cho nông dân", ông Men nói.
Cách đó gần 100 km, tại Đồng Tháp 12.000 ha xoài các loại, sản lượng gần 130.000 tấn, trong đó xoài Đài Loan chủ yếu trồng xen với xoài cát chu cũng đang vào mùa thu hoạch.
Anh Nguyễn Quốc Việt trồng 7.000 m2 xoài ở xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh cho biết, thương lái hiện đã ngưng mua xoài Đài Loan khi có thông tin đóng cửa khẩu. Hiện xoài vào mùa và kéo dài đến tháng 5, nhà vườn đến đợt thu hoạch buộc phải hái mang ra chợ bán với giá thấp. "Bán lẻ chỉ phần nào, nếu thương lái không mua chỉ có cách đổ bỏ", anh Việt cho biết.
Bà Kim Nhung, chủ vựa xoài Bảy Nhung (TP Cao Lãnh) cho hay, những năm trước, xoài Đài Loan thu mua với giá 40.000-50.000 mỗi kg. Hiện vựa xoài này mua vào với giá 10.000 đồng mỗi kg, giảm 2.000 đồng so với vài ngày trước. Theo tính toán của chủ vựa này, họ buộc phải giảm giá mua để bù vào chi phí phát sinh và cũng chỉ mua cầm chừng những nhà vườn quen, giảm 70% lượng hàng so với trước.
Theo bà Nhung, vựa này đang đóng một container xoài Đài Loan chở ra cửa khẩu, chờ đến ngày thông quan nhưng lại nhận được tin cửa khẩu sắp đóng 10 ngày. "Chi phí sẽ tăng lên 15-20 triệu đồng mỗi xe nhưng vẫn phải đi vì hàng đã lên xe. Tôi chỉ sợ sau thời hạn 10 ngày, họ tiếp tục đóng thì không biết tính sao", bà Nhung nói.
Trước thực trạng trên, Sở Công Thương tỉnh Long An đang kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp địa phương hỗ trợ tiêu thụ thanh long giúp nông dân.
Còn tại huyện Cao Lãnh - vùng trồng xoài lớn nhất của tỉnh Đồng Tháp - ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết đã định hướng nông dân trồng xoài nâng cao chất lượng để xuất sang nhiều thị trường khác, nhưng trong thời gian ngắn khó thay thế được thị trường Trung Quốc.
Ba hôm trước, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo gửi các tỉnh về việc tạm dừng tiếp nhận các phương tiện chở hoa quả tươi từ 16-25/2. Nguyên nhân là 4 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma và cửa khẩu phụ Tân Thanh đang quá tải do các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt của phía Trung Quốc.
Đến sáng 13/2, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 cửa khẩu chính ở Lạng Sơn (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) là 1.815 xe, giảm 36 xe so với hôm trước. 90% trong số này là xe chở hoa quả tươi từ các tỉnh phía Nam, xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc.
Hiện hiệu suất thông quan rất thấp, trung bình chỉ giải phóng được khoảng 70-90 xe một ngày, trong khi lượng phương tiện chở thanh long, dưa hấu, mít, xoài từ nội địa chờ xuất khẩu khoảng 160-180 xe một ngày.
Theo dự báo, lượng xe đổ về ngày càng tăng sẽ gây ùn ứ lớn tại các bến bãi, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Hoàng Nam – Ngọc Tài