Nỗi khổ đi nghỉ tháng cao điểm

 "Đông lắm luôn, lại còn nắng nóng nên cả nhà mệt mỏi" là chia sẻ của chị Anh Ngọc, Hà Nội, về chuyến đi Hạ Long, Quảng Ninh, cuối tuần qua cùng chồng và hai con nhỏ. Theo miêu tả của chị, đường phố trong khu vực trung tâm Hạ Long không quá đông, nhưng những điểm ăn uống, bãi biển, khu vui chơi ken đặc người.

"Sợ nhất là đi cáp treo ở Sun World, không còn chỗ đứng. Buồng cáp nào cũng chật cứng, không thở nổi, cảm giác chân không chạm đất luôn, không còn khoảng cách an toàn gì nữa. Bốn tiếng chỉ chơi được 4-5 trò vì quá tải", chị Ngọc kể.

Xếp hàng qua phà Gót, Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Minh Quân

Cũng gặp bực bội với việc đi lại là trường hợp anh Minh Quân, Hà Nội, khi chờ phà gần 5 tiếng tại Cát Bà, Hải Phòng, cuối tháng 6. Theo quan sát của anh Quân, mỗi chuyến phà lớn chở được gần 20 chiếc ôtô, phà nhỏ gần 10 chiếc, trong khi số lượng xe đợi là hàng trăm chiếc, kéo dài hơn 3 km.

"Nghĩ lại vẫn thấy sợ. Đoàn tôi đợi phà từ khoảng 11h30 đến 16h mới sang được bờ bên kia, mà không phải cuối tuần. Vào đến bãi Cát Cò 2 thì đông đến nỗi còn chỗ để nhúng nước biển", anh Quân nói. Anh cho biết thêm có nhóm bạn đợi phá từ 10h sáng, cũng phải đến 16h mới sang được đảo.

Chị Diệu Linh, TP HCM, đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 4h30 sáng, đã thấy đông nghịt người, quầy check in, cửa an ninh đều xếp hàng dài. Gia đình chị phải mất hơn một tiếng để làm thủ tục. "Tưởng mua vé chuyến sớm thì sẽ đỡ đông mà chắc có lẽ ai cũng nghĩ như mình nên chẳng vắng hơn được chút nào", chị Linh kể về chuyến khi đi Đà Nẵng - Huế nghỉ hè, đầu tháng 7. Chị còn phải đợi trên máy bay ở đường băng hơn nửa tiếng mới được cất cánh và vẫn thấy may mắn vì không bị delay 3 tiếng như bạn chị.

Đông đúc, đi lại khó khăn là điều nhiều gia đình biết nhưng hầu hết đã có ý định nghỉ hè đều không từ bỏ kế hoạch. Họ sẽ chọn những giải pháp phù hợp để né đám đông hoặc tìm địa điểm khác phù hợp nhu cầu.

Nghỉ ngơi hoàn toàn trong các resort cao cấp cũng là một lựa chọn. Đó chính là lý do các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao tại các thành phố du lịch đã kín khách 90% vào các dịp cuối tuần trong tháng 6 và 7. Ngoài ra, nhiều người còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trên các hội nhóm về du lịch để mọi người cùng lên kế hoạch cho chuyến đi.

"Nhà tôi đi từ Hà Nội thật sớm, đến bến phà Gót, Cát Bà, mới 5h30 sáng nên chỉ cần đợi khoảng 15 phút là sang được phà, thảnh thơi không thấy bực bội gì", anh Ngọc Dương nói.

"Ăn uống ở Hạ Long thì cả 10 năm nay vẫn luôn đắt và đông. Đi đúng giờ ăn thì xác định là không có chỗ nên chúng tôi được mách phải chọn lệch giờ, ăn trưa từ 10h30 và tầm 17h30 thì ăn tối. Ở Hạ Long thì nên vào các nhà hàng lớn, giá hợp lý, niêm yết rõ ràng vì họ có tên tuổi, phục vụ lâu năm, chứ ra nhà hàng bình dân là dễ bị chém", chị Ngọc nói về kinh nghiệm du lịch hè năm nay ở Hạ Long.

Chị cũng nói thêm nên ăn uống bên Hòn Gai thay vì Bãi Cháy để giảm đông đúc. Lễ tân khách sạn nơi chị ở tại trung tâm Bãi Cháy cho hay cuối tuần tới, ngày 24/7, khi giải chạy marathon được tổ chức ở Hạ Long, với hơn 10.000 runners, chưa kể mỗi runner thường có 2-3 người nhà đi theo, cùng các khách du lịch khác, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tắc đường hoặc không đủ chỗ ăn uống.

Theo đánh giá của các địa phương và công ty lữ hành, tình trạng khách du lịch đông đúc hè này là điều thấy rõ, nếu so sánh với hai năm dịch Covid vừa qua. Khách đang có tâm lý "đi trả thù" hay "chạy sô" và tập trung vào các tháng hè do trẻ con được nghỉ, khiến các trọng điểm du lịch đều đông.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tháng 6 khách nội địa toàn quốc là 12,2 triệu, cao nhất từ khi có Covid-19. Số liệu của Sở Du lịch Quảng Ninh cũng cho thấy du khách đến tỉnh dịp hè tăng liên tục, đặc biệt vào cuối tuần. Hồi tháng 6, có tuần Quảng Ninh đón 170.000 lượt, riêng vịnh Hạ Long đón 53.000.

Tuy nhiên, hiện tổng lượng khách đi nghỉ hè vẫn chưa bằng trước dịch. Theo thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn trung bình ở mức 60%, cuối tuần gần 90%. Tại Đà Nẵng, tỷ lệ kín phòng khoảng 75%, lượng khách và doanh thu du lịch đạt gần 70% so với cùng kỳ năm 2019. Tại phố cổ Hội An, hiện mỗi ngày có trung bình 3.000 khách tham quan, gần bằng 70% so với trước dịch...

"Du lịch hè đang bùng nổ, tuy nhiên hiện chưa quá tải, vì thị trường chưa hoàn toàn phục hồi, sức mua vẫn thấp hơn thời điểm trước Covid-19. Các công ty lữ hành lớn vẫn đáp ứng được khả năng cung cấp dịch vụ cho du khách. Hiện giá tour tăng nhẹ 5% ở các địa điểm "hot" như Đà Nẵng, Phú Quốc và vài nơi tại miền Bắc, chủ yếu do giá xăng cao, dẫn đến các chi phí về di chuyển bị ảnh hưởng", bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc Tiếp thị - Truyền thông của Fiditour - Vietluxtour, cho hay.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Hà Nội, cũng nói: "Trước dịch, ngày lễ hay dịp hè, nhu cầu đi du lịch của người dân đều cao hơn bình thường. Năm nay, lượng du khách tăng mạnh cũng là điều nằm trong dự báo. Các dịch vụ vẫn được công ty đáp ứng đầy đủ, không có hiện tượng quá tải".

Cảng tàu quốc tế Tuần Châu ngày cuối tuần 17/7. Ảnh: Nhung Nhung.

Khách quốc tế đến Việt Nam còn ít là một trong những lý do khiến các điểm du lịch chưa hoàn toàn phục hồi và vẫn trong khả năng đáp ứng của nhiều dịch vụ. Sáu tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt gần 415.000 lượt so với mục tiêu 5 triệu của cả năm. Con số này của năm 2019 là 18 triệu lượt. Các địa phương thường đón nhiều khách quốc tế như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh... vẫn đang chờ đợi thời điểm "bùng nổ" vào quý 4.

Tâm Anh - Bùi Toàn - Đắc Thành


Giày Đại Phát solution
Số người online:
49663
Số người truy cập:
8690271