Nô lệ thời hiện đại

Dân làng ở nhiều địa phương trên khắp đất nước Ấn Độ không có sự lựa chọn nào khác ngoài làm việc cho chủ nhân mảnh đất nơi họ đang sống. Họ làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ cuốn những điếu beedis (thuốc lá ở Nam Á) đến trồng lúa, làm thảm hay sản xuất gạch.

Những người Ấn Độ này buộc phải cuốn thuốc lá điếu cho chủ đất nơi họ sinh sống. Ảnh: CNN

 
Lao động khổ sai
 
Một trong những hình thức lao động nhiều người làm là đập đá ở bang Haryana. Làm nghề này, người lao động giơ cao chiếc búa kim loại nặng 18 kg lên khỏi đầu, sau đó giáng mạnh nó xuống bằng tất cả sức lực vào tảng đá cứng. Họ phải làm việc nặng nhọc này trong cái nóng 400C nhưng thực phẩm và nước uống chỉ ở mức tối thiểu. Thêm vào đó, họ làm việc mỗi ngày khoảng 12-14 giờ, với mức thu nhập mạt hạng tùy theo số đá đập được. Tuy nhiên, đôi khi họ chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng vẫn phải dành ra một nửa số tiền đó để trả nợ.
 
Chỉ làm việc khoảng 10 phút, người thợ đã đổ mồ hôi như tắm. Đối với người mới vào nghề, 10 phút quai búa đã đủ khiến họ mệt đứt hơi. Từng nhát búa tưởng như có thể làm đôi vai họ rụng rời ra.
 
Hàng ngàn người làm công việc cực nhọc này trên khắp Ấn Độ và nhiều người trong số họ phải làm việc trong điều kiện như nô lệ. Sameer là một người thợ đập đá như thế. Khi được hỏi về thương tích trong lúc làm việc, anh chỉ cho xem những vết sẹo và vết cắt trên khắp đôi chân, hai bàn chân và hai bàn tay anh. 42 tuổi nhưng mái tóc anh đã trở thành “muối tiêu”. Trông anh ẻo lả dù anh đã theo nghề đập đá từ khi 20 tuổi.
 
Trong khi đó, toàn bộ các làng ở bang Tây Bengal đều bị cuốn vào ngành công nghiệp cuốn thuốc lá. Tại một ngôi làng phía Bắc thủ phủ Kolkata, dân làng cho biết họ cuốn mỗi ngày 1.000 điếu thuốc.
 
Amina bắt đầu cuốn thuốc lá khi mới lên 5 tuổi. Bây giờ cô đã trở thành một cô gái 22 tuổi. Bà ngoại của cô hiện vẫn còn cuốn thuốc lá. Dân làng này không được quyền chọn lựa bởi các tay chân của người chủ đất đều đặn đem lá kendu và thuốc lá đến mỗi tuần.
 
Nạn nhân của bọn buôn người
 
Người lao động khổ cực như trên có thể dễ dàng bị lọt vào mạng lưới buôn người. Những người như cô gái trẻ Amina – vốn không hy vọng có thể tìm được một công việc có mức lương tốt hơn – dễ dàng nghe theo lời đề nghị đường mật của bọn buôn người về một việc làm tốt hơn ở thành phố lớn. 
 
Ở bang Tây Bengal có rất nhiều cô gái trẻ đã là nạn nhân của những lời đề nghị làm việc ở các thành phố lớn như New Delhi, Mumbai và Kolkata. Họ đồng ý đến làm việc suốt ngày đêm cho các gia đình giàu có. Tuy nhiên, sau mấy tháng, họ chỉ được trả khoảng 10%-20% số tiền lương hứa hẹn trước đó. Cuối cùng, họ trở về nhà và ở đó, họ lại tuyệt vọng như trước.
 
Khadija, một cô gái khác, quả quyết cô sẽ chấp nhận nếu như cô lại nhận được lời đề nghị như trên một lần nữa. Cô buồn bã nói: “Tôi có công việc nào khác đâu. Tôi chẳng biết lựa chọn gì”.
 
Chính yếu tố không có sự chọn lựa đã khiến rất nhiều người trở thành lực lượng lao động khổ sai và là nạn nhân của nạn buôn người khắp Ấn Độ và vùng Nam Á.
 
Theo CNN, đây là vấn đề phức tạp liên quan đến tình trạng quá nghèo khổ, thành kiến đối với tộc người thiểu số và nữ giới, tệ nạn tham nhũng, cũng như nhiều yếu tố khác là nguyên nhân đẩy hàng triệu người như Sameer và Amina vào cảnh làm việc như nô lệ. Những người này lặng lẽ sống những năm tháng đầy đớn đau của mình...
NGÔ SINH


Giày Đại Phát solution
Số người online:
22367
Số người truy cập:
9296087