'Những thây ma di động' ở Pakistan

 

Phụ nữ Pakistan sẽ tự do kết hôn

Bức ảnh chụp Shama 4 tháng trước khi bị tấn công. Ảnh: BBC

Shama, trong tiếng Pakistan nghĩa là "ngọn nến", nói rằng da thịt cô như đang bị đốt trên những ngọn lửa thực sự.

Là mẹ của 4 đứa con, Shama vừa ghi tên mình vào danh sách ngày càng dài những người phụ nữ Pakistan bị tấn công acid. Shama nhập viện trong tình trạng bỏng 15% cơ thể, gương mặt bị hủy hoại hoàn toàn. Lý do của tội ác dã man ấy cũng chỉ bởi cô quá đẹp.

"Giữa hai vợ chồng tôi thường xuyên nổ ra tranh cãi", Shama nói. "Một tối trước khi đi ngủ, anh ta quát tôi: "Cô đã lãng phí quá nhiều tiền của cho nhan sắc!". Nửa đêm hôm đó, anh ta đột ngột đổ acid lên người tôi rồi bỏ chạy".

Trước khi biến mất, anh ta không quên mang theo điện thoại của Shama, khiến cô không thể gọi người giúp đỡ.

Theo các nhà hoạt động xã hội Pakistan, những vụ tấn công acid tại nước này đang ngày càng gia tăng, bất chấp nhiều bộ luật cứng rắn hơn đã được ban hành từ năm ngoái. Ước tính, có khoảng 150 phụ nữ Pakistan bị tấn công acid mỗi năm, và kẻ gây án thường chính là chồng của họ, những kẻ không bao giờ bị trừng phạt trước pháp luật.

Nằm trên giường bệnh, Shama cho phóng viên xem một bức ảnh được chụp trong bữa tiệc của các con cô 4 tháng trước. Shama hiện ra với hình ảnh của một phụ nữ trẻ đầy hấp dẫn, gương mặt gần như không trang điểm, khoác lên mình bộ trang phục màu cam và đeo trang sức vàng.

Mái tóc của cô được búi gọn, để lộ đôi hoa tai lấp lánh và nhan sắc xinh đẹp. Nhưng giờ đây, acid đã xóa tan mọi sự tự tin trên gương mặt cô.

"Tôi đau đớn khi nghĩ về những gì đã qua và những điều sắp tới", cô nói, với những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt.

"Cuộc sống này với tôi chẳng còn chút màu sắc gì nữa. Tôi thấy mình chẳng khác nào một cái thây ma vẫn còn thở, thậm chí còn tệ hơn thế nữa. Tôi nên chết luôn đi thì hơn".

Hiện tại, Shama đang nằm ở khu vực điều trị bỏng ở Bệnh viện Nishtar, Multan, tỉnh Punjab.

Mặc dù cơ sở vật chất của bệnh viện rất nghèo nàn, nhưng các bác sĩ ở đây đều là chuyên gia trong việc điều trị cho các phụ nữ bị tấn công bằng acid. Họ thường có từ một tới hai nạn nhân mới mỗi tuần.

Mỗi buổi sáng, đội ngũ y bác sĩ đều có mặt ở giường bệnh của Shama, giúp cô ăn uống và thoa kem vào vùng da bị bỏng. Họ luôn cố gắng hết sức để giúp Shama giảm đau, nhưng họ không thể chữa khỏi những tổn thương tinh thần của cô.

"Tôi không thể nói trước tương lai", Shama nói, "có thể tôi sẽ không qua khỏi. Nhưng vì bọn trẻ, tôi sẽ gắng gượng hết sức. Tôi cần làm việc để tạo dựng tương lai cho chúng".

Trước Shama, đất nước Pakistan từng xôn xao vì trường hợp của Fakhra Younis, một cựu vũ công ở Karachi, người từng bị tấn công bằng acid, sau đó đã tự kết thúc cuộc đời như một cách để chấm dứt đau khổ.

Những nhà hoạt động xã hội cho biết, Fakhra đã không còn niềm tin vào công lý và luật pháp. Chồng cũ của cô, người xuất thân từ một gia đình có quyền lực chính trị, đã được tuyên bố trắng án.

Cái chết của Fakhra đã thu hút rất nhiều sự chú ý, nhưng cô chỉ là một trong số ít những nạn nhân acid được xã hội biết tới và quan tâm.

"Chỉ có khoảng 10% nạn nhân quyết định ra tòa", Zohra Yusuf, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Pakistan, cho biết. "Ngay cả trong trường hợp nghiêm trọng như của Fakhra, việc truy tố vẫn hết sức khó khăn. Phần lớn nạn nhân không được cảnh sát tạo điều kiện".

Theo đạo luật vừa được thông qua hồi năm ngoái, những kẻ phạm tội tấn công bằng acid sẽ phải đối mặt với án tù cao hơn, từ 14 năm tới chung thân. Tuy nhiên, theo bà Marvi Memon, cựu đại biểu Quốc hội Pakistan và là người bảo trợ bộ luật mới, phần lớn những kẻ gây án vẫn được xử vô tội.

"Ngay cả khi bị bắt, kẻ phạm tội vẫn có thể đút lót cho cảnh sát và sau đó chuyển tới những địa phương khác trên khắp đất nước Pakistan", bà nói.

"Những kẻ man rợ nghĩ rằng axít là cách đơn giản nhất để trừng phạt một phụ nữ. Chỉ trong một giây, chúng tạt axít, và thế là hủy hoại toàn bộ cuộc đời cô ấy".

Bà Marvi Memon cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do sự yếu kém của hệ thống chính trị, không đủ khả năng để thi hành luật pháp.

"Rất khó để khiến cảnh sát đứng về phía những phụ nữ", bà nói, "bởi họ không bị buộc phải làm như vậy".

Chính phủ thừa nhận họ cần làm nhiều hơn cho những nạn nhân acid, và nói rằng việc thực thi pháp luật là một thách thức lớn.

"Thi hành luật pháp là bước đầu tiên để giải quyết tình trạng này", Shahnaz Wazir Ali, cố vấn chính phủ, cho biết. "Nhưng làm thế nào để những vụ án được xét xử nhanh chóng? Chúng tôi vẫn đang cố gắng đấu tranh cho vấn đề đó. Việc quan trọng nhất là đánh thức lương tâm của cảnh sát, các tòa án địa phương và cả hệ thống pháp lý".

Quay trở lại Bệnh viện Nishtar, phòng của Shama lại xuất hiện thêm một nạn nhân mới. Maqsood bị đưa vào bệnh viện trong tình trạng bỏng nặng, với một bên mắt bị băng kín.

Bilal Saeed, một bác sĩ phẫu thuật, vội vã chạy tới bên Maqsood. Ông đã điều trị cho hàng trăm phụ nữ như cô trong những năm gần đây. Bilal thừa nhận công việc này đã khiến ông bị trầm cảm.

"Chúng tôi luôn nỗ lực làm mọi điều có thể cho các bệnh nhân", ông nói. "Nhưng dù cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không bao giờ có thể thấy lại nụ cười của họ nữa". Bilal cho biết, nhiều người thậm chí đã tìm cách tự vẫn bất chấp những nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ.

Trong khi đó, vì áp lực xã hội hoặc các vấn đề tiền bạc, một số nạn nhân buộc phải quay về sống với chính những kẻ đã tấn công họ.

Các con của Shama vừa tới thăm mẹ chúng. Vừa chạm bàn tay bị thương vào gương mặt của những đứa trẻ, Shama vừa cố tìm cách an ủi chúng.

"Hãy cầu nguyện cho mẹ đi", cô nói. "Hãy cầu xin Chúa ban ơn để mẹ mau chóng khỏi bệnh nhé".

Nói về người chồng bội bạc và tàn nhẫn, Shama cho biết, nếu gặp lại, cô sẽ ném acid vào mặt anh ta.

"Tôi muốn hắn phải nhận hình phạt thích đáng. Điều đó sẽ khiến mọi người phải suy nghĩ hàng nghìn lần trước khi phạm phải một tội ác đáng ghê tởm như vậy".

Khi bọn trẻ chuẩn bị ra về, Shama đã không thể cầm nước mắt. Nắm tay các con, cô tự nhủ rằng mình phải sống.

Nhưng, cũng giống như Fakhra, cô không mong đợi nhiều vào công lý và luật pháp.

Quỳnh Hoa (Theo BBC)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19499
Số người truy cập:
7740886