Những giải pháp cứu nguy doanh nghiệp

 "Không lối thoát" là từ mà ông Hải, giám đốc một doanh nghiệp vận tải có thị phần lớn ở các tỉnh miền Nam, miêu tả về tình cảnh của công ty ông nói riêng và ngành vận tải nói chung. Doanh nghiệp ông đang đứng bên bờ vực phá sản khi đơn hàng giảm mạnh, nợ ngân hàng, đối tác bủa vây. Trước đây, công ty ông thường trực có 70 xe đầu kéo, nay đã bán một nửa để có dòng tiền. "Chúng tôi đang đăng bán thêm nhưng hầu như không có khách mua vì doanh nghiệp cùng ngành rao bán quá nhiều", ông nói thêm.

Đây chỉ là một trong hàng nghìn đơn vị phải chọn cách co hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự để cầm cự những tháng đầu năm. Một số khác, thậm chí đã phải bán mình để tránh vỡ nợ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5 cho thấy hơn 88.000 doanh nghiệp rời thị trường. Khảo sát của VnExpress và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với 9.556 doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh đặc biệt khó khăn khi 82% dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của 2023. Với các doanh nghiệp còn hoạt động, 71% dự kiến giảm quy mô lao động, trong đó có trên 22% dự kiến giảm hơn một nửa nhân sự; 80,3% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó 29,5% giảm trên 50%.

Hơn 80% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại.

% Doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế(4/2023 - 12/2023)0.70.73.53.514.414.458.458.42323Rất tích cựcTích cựcBình thườngTiêu cựcRất tiêu cực010203040506070VnExpress Tiêu cực Column 2: 58.4

Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đến từ sức ép bên ngoài và bên trong. Từ bên ngoài, do suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến lạm phát tăng cao, kéo theo nhu cầu đặt hàng giảm. Còn trong nước, các vấn đề nội tại như tắc nghẽn dòng vốn, điều kiện kinh doanh không thuận lợi, lo ngại nguy cơ bị hình sự hoá khiến doanh nghiệp chưa kịp hồi phục sau dịch bệnh đã bị bồi thêm cú đấm.

Do đó, các đề xuất giải cứu cho doanh nghiệp cũng tập trung vào các nhóm vấn đề này, đặc biệt là những yếu tố xuất phát từ nội tại.

Thứ nhất là khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp. "Vốn là máu của doanh nghiệp. Một khi cơ thể ốm yếu mà không đủ máu thì đã ốm sẽ ốm hơn", ông Trịnh Xuân An, Đại biểu tỉnh Đồng Nai nhìn nhận. Hiện mặt bằng lãi suất tuy có giảm, doanh nghiệp vẫn phải vay với mức trên 10% chưa kể các chi phí khác khiến doanh nghiệp khó lòng trụ được.

"Rất nhiều lần Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, còn thực tế đáp ứng thì chưa hẳn", ông An nói. Theo ông, cần có những hành động quyết liệt hơn với thị trường vốn, ví dụ một chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%; đồng thời thay đổi các điều kiện cho vay "dễ thở" hơn.

"Chúng ta cũng có thể dùng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp để bơm vốn, đặc biệt với nhóm sản xuất", ông nói thêm.

TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), cũng đồng tình khi nhìn nhận, giảm lãi suất nên là ưu tiên cần tính toán vào thời điểm này. Bởi chỉ khi lãi suất giảm, doanh nghiệp mới bớt được áp lực về chi phí vốn, từ đó có thêm cơ hội vượt qua khó khăn. Theo tính toán của ông, với lãi suất bình quân 10% một năm, chi phí lãi vay mà doanh nghiệp, người dân Việt Nam phải chịu là hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương 12% GDP. Do đó, nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm, nền kinh tế sẽ được hỗ trợ hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện tại.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết cơ quan này từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tính tới bỏ room tín dụng. "Quan điểm của Uỷ ban Kinh tế là xem xét bỏ vì room tín dụng làm tạo cơ chế xin cho, phụ thuộc trần tín dụng gây cản trở doanh nghiệp chủ động trong tiếp cận vốn", ông nói. Ngân hàng Nhà nước đang giữ quan điểm có thể không nhất thiết giữ room tín dụng nhưng chưa khẳng định cụ thể về lộ trình bỏ.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng của Ban IV, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu một gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa. Họ cũng đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp đến hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt. Lượng trái phiếu này hiện có giá trị vượt nhiều lần khả năng mua lại của các doanh nghiệp trong nước.

Tầng 1 của toà nhà Discovery Complex chỉ có vài gian hàng sáng đèn, vắng khách hồi tháng 3/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Giải pháp thứ hai là tập trung vào giảm phí, chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ, tiếp tục chính sách giảm 2% VAT giống giai đoạn 2022 nhưng kéo dài, thậm chí có thể đến hết 2025, thay vì áp dụng trong 6 tháng cuối của nửa 2023.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, việc kéo dài thời gian áp dụng sẽ giúp tăng độ lan toả chính sách. Còn ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, việc giảm VAT trong 6 tháng khó mang lại sự phục hồi như kỳ vọng.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng Chính phủ có thể cân nhắc tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để giúp giảm chi phí cho lao động; đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp. Trước đó, hàng loạt công ty trong ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn đã phản ánh khi hàng chục, trăm tỷ đồng bị kẹt lại do chưa được hoàn VAT, thêm gánh nặng về dòng vốn cho doanh nghiệp.

Theo Ban IV, Chính phủ cũng có thể tính đến một số cơ chế đặc biệt như cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng. Việc hậu kiểm sẽ được tiến hành để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế.

Thứ ba là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vốn đang bị chững lại. "Câu chuyện kiến tạo phục vụ doanh nghiệp, người dân thời kỳ trước đến nhiệm kỳ này không được tập trung chủ yếu vì lo chống rồi phục hồi sau dịch bệnh", ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá. Hiện thủ tục hành chính đang là rào cản lớn ảnh hưởng đến vận hành của doanh nghiệp.

Ông nhìn nhận, Quốc hội trong thời gian này cần tháo gỡ ngay những vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt với nhóm bất động sản, giao thông, đầu tư công.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã đánh giá, gỡ tắc pháp lý là giải pháp 0 đồng giúp phá băng bất động sản, giúp chữa được căn bệnh đội vốn, thiếu vốn của thị trường này. Việc gỡ khó được cho bất động sản, nếu thành công, sẽ khơi thông lại dòng chảy kinh tế do đây là ngành nghề có sức lan toả lớn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng lưu ý nên hạn chế thanh, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, đồng thời, cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, các khoản chi phí không cần thiết.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất cơ quan chức năng cần sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Chính phủ cũng có thể cân nhắc đến nghị quyết không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự như những năm 1997-2000.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề cập đến đến việc phát triển thị trường nội địa nhằm bổ trợ cho cầu quốc tế đang suy giảm. Theo ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, để làm được điều này, cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho bộ phận nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp cũng như có những chính sách khuyến khích về thuế, phí, có gói hỗ trợ cho người dân. Với thị trường quốc tế, nhiều khuyến nghị cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đàm phán thương mại để phát triển, đa dạng hoá thị trường đầu ra, đầu vào nhằm giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Chính phủ đã nhận diện và đang nghiên cứu các giải pháp cụ thể cho nhóm vấn đề này. Trong công điện ra ngày 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục tìm cách hạ lãi suất; sớm hoàn VAT cho doanh nghiệp; thực hiện miễn, giảm thuế phí cũng như đề xuất các chính sách khác nếu còn dư địa; đồng thời yêu cầu các đơn vị cắt giảm thủ tục hành chính, xử lý các cán bộ sợ trách nhiệm không dám thực thi công vụ.

Anh Minh - Phương Ánh - Thi Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11598
Số người truy cập:
8524722