Những điểm yếu có thể khiến Mỹ bại trận trong chiến tranh tương lai

 

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tuần tra gần Nhật Bản năm 2017. Ảnh: US Navy.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tuần tra gần Nhật Bản năm 2017. Ảnh: US Navy.

Với vị thế là cường quốc quân sự số một thế giới, giới quân sự Mỹ và phần lớn chuyên gia an ninh tin rằng nước này đủ sức giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể chịu thất bại nặng nề trên chiến trường tương lai nếu các đối thủ khai thác được hàng loạt điểm yếu của nước này, theo Business Insider.

Theo chuyên gia quân sự Steven Metz, Mỹ luôn có lợi thế trong các cuộc chiến chớp nhoáng nhờ sự vượt trội về năng lực tác chiến và công nghệ, nhưng các ưu thế này sẽ nhanh chóng biến mất nếu Washington bị sa lầy vào một cuộc chiến dài hơi.

Trong Thế chiến II, Mỹ có thể duy trì năng lực và sức mạnh dù chiến tranh kéo dài nhờ khả năng sản xuất nội địa. Tuy nhiên, ưu thế này hiện nay đã dần mất đi do các vũ khí tối tân phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp linh kiện từ nước ngoài. Khi nguồn cung này bị gián đoạn, Mỹ sẽ thiếu hụt vũ khí công nghệ cao, buộc Washington phải lựa chọn giữa việc tiếp tục tham chiến với nguy cơ thương vong lớn hoặc đàm phán hòa bình ở thế yếu hơn.

Nắm được điểm yếu này, đối thủ của Mỹ trong tương lai có thể tìm cách kéo dài cuộc chiến, khiến giới chính trị và người dân nước này mất kiên nhẫn, muốn kết thúc xung đột khi chưa đạt được mục tiêu chiến lược.

Nguy cơ thứ hai là đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tấn công chớp nhoáng, chiếm các khu vực địa lý có lợi ích chiến lược của Mỹ và khiến Washington trả giá đắt nếu muốn đẩy lùi cuộc xâm lược.

Việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ buộc Mỹ lựa chọn giữa can dự vào một xung đột có nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân, hoặc chấp nhận đánh đổi lợi ích và đồng minh ở nước ngoài để bảo đảm an toàn cho lãnh thổ Mỹ. Trong kịch bản này, Trung Quốc có thể dùng vũ lực thu hồi Đài Loan hoặc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc mà không bị Mỹ tấn công.

Washington cũng có thể thất bại trong kịch bản được gọi là "vùng xám". Các đối thủ sẽ áp dụng chiến thuật gây hấn quyết liệt và có chủ đích, nhưng không nghiêm trọng đến mức Mỹ quyết định sử dụng biện pháp quân sự đáp trả.

Bắc Kinh coi chiến thuật gây hấn trong vùng xám là cách thay đổi thế cân bằng chiến lược và thực thi yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, trong khi vẫn tránh leo thang căng thẳng đến mức nổ ra xung đột quân sự với Washington. Mỹ có thể thua một cuộc chiến mà chưa kịp nổ súng, bởi quốc hội và công chúng nước này khó ủng hộ khi đối thủ gây tình trạng "sự đã rồi" trên thực địa.

Lực lượng Mỹ triển khai tại căn cứ Al Udeid của UAE. Ảnh: USAF.

Lực lượng Mỹ triển khai tại căn cứ Al Udeid của UAE. Ảnh: USAF.

Đối thủ của Mỹ có thể khai thác yếu tố địa chính trị để giành lợi thế. Mỹ thường xuyên phải triển khai lực lượng viễn chinh tới những vùng cách xa lãnh thổ nước này và luôn cần sự hỗ trợ của đối tác khu vực thông qua việc cho phép sử dụng căn cứ, cũng như quá cảnh trên không phận.

"Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 không thể kết thúc nếu thiếu sự hỗ trợ của Arab Saudi, và Mỹ cũng khó lòng đánh bại quân đội Iraq năm 2003 một cách chóng vánh nếu không được sử dụng các căn cứ không quân tại Kuwait. Trong cuộc chiến tại Afghanistan năm 2001, quân đội Mỹ đều phải di chuyển lực lượng và khí tài qua Pakistan", Metz cho hay.

Trong chiến tranh tương lai, các nước đồng minh của Mỹ có thể chịu nhiều sức ép khiến họ từ chối cho mượn căn cứ hoặc hỗ trợ. Nếu kịch bản này xảy ra, Washington sẽ không phát huy được toàn bộ sức mạnh quân sự và chịu thất bại chiến lược.

Rạn nứt chính trị nội bộ cũng là một nguy cơ có khả năng bị đối phương khai thác thông qua các hành vi can thiệp dư luận, khiến chính phủ Mỹ không thể toàn tâm toàn ý đáp trả những hành vi gây hấn. Khi đó, nước Mỹ sẽ không có sự thống nhất cần thiết để đối phó với cuộc xung đột vũ trang ở nước ngoài.

Trong quá khứ, nước Mỹ luôn đoàn kết khi đối mặt với kẻ thù bên ngoài. Tuy nhiên, điều này có thể khó lặp lại trong tình hình chính trị hiện nay, khi xã hội Mỹ ngày càng trở nên chia rẽ dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Những mâu thuẫn chính trị nội bộ luôn có nguy cơ khiến Mỹ chệch hướng trong việc đối phó với mối đe dọa từ bên ngoài.

Khi đại sứ quán Mỹ ở Benghazi, Libya bị tấn công khủng bố năm 2012, thay vì tập trung vào cùng nhau đối phó mối đe dọa an ninh tại quốc gia này, đảng Cộng hòa lại chú trọng vào việc công kích chính quyền cựu tổng thống Barack Obama. Nếu kịch bản này lặp lại, Mỹ có nguy cơ thất bại ngay trong nội bộ, không phải trên chiến trường.

"Thay vì tin vào việc sẽ giành chiến thắng trong mọi cuộc chiến, quân đội Mỹ nên tính đến kịch bản bị các đối thủ đánh bại trong tương lai để có phương án đối phó từ bây giờ", Metz nhấn mạnh.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
24594
Số người truy cập:
9026210