Những bài học thích đáng

Phát biểu về xì-căng-đan gián điệp Nga bị lộ ở Mỹ, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố đó không phải là điều mới mẻ đối với ông. Ông khẳng định: "Tôi đã biết về sự việc đó vào chính ngày nó xảy ra. Chúng ta phải rút ra được những bài học thích đáng".
 

 

10 điệp viên trong xì-căng-đan gián điệp Nga ở Mỹ. Ảnh: LIFE NEWS
 
Siết chặt chế độ an ninh
 
Theo người đại diện của Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga (SVR), trên thực tế, sự việc bị lộ kể trên cho thấy rằng cần thiết phải có những thay đổi nghiêm túc trong tổ chức tình báo của Nga. Chúng gắn liền với công việc về nhân sự và tăng cường bảo đảm hoạt động phản gián của bộ máy trung ương SVR.
 
Ông này nhấn mạnh: "Công việc về nhân sự và phản gián – đó là những vấn đề then chốt về tính hiệu quả của hoạt động tình báo Nga trong tương lai. Công cuộc điều tra nội bộ hiện đã được tiến hành ở SVR phải xác định được các nguyên nhân thực sự khiến các cơ quan tình báo Mỹ chiêu mộ một trong những vị lãnh đạo của bộ máy trung ương SVR. Việc tính toán được giai đoạn ông ta bị chiêu dụ cũng không kém phần quan trọng".
 
Ngoài ra, vị đại diện SVR nhận định xì-căng-đan phản bội đó không phá hỏng được mạng lưới tình báo của Nga đang hoạt động trên lãnh thổ nước Mỹ. Ông nói: "Tuy nhiên, cần phải có nhiều thời gian và chi phí về tài chính đủ để thực hiện những biện pháp chuyên môn để tránh được đòn đánh của các điệp viên khác ở Bắc Mỹ”.
  
Các chuyên gia quân sự nêu quan điểm rằng cần thiết phải có những thay đổi. Ông Igor Korotchenko, thành viên Hội đồng Xã hội trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định: "Sự việc xảy ra khiến mọi người có suy nghĩ rằng số lượng kẻ phản bội ở SVR vượt quá giới hạn hợp lý, đặc biệt nếu so sánh với con số thống kê ở các cơ quan tình báo trên thế giới về con số này. Trước hết, theo chúng tôi, cần phải siết chặt chế độ an ninh. Ủy ban nào tiến hành điều tra vụ các điệp viên Nga bị lộ này phải đệ trình nhận xét của mình lên các nhà lãnh đạo quốc gia. Chúng ta cũng phải thực hiện những thay đổi nghiêm túc hướng đến sự kiểm soát gắt gao trong SVR".
 
Đưa con ra nước ngoài, nên hay không?
 
Tuy nhiên, một sĩ quan SVR về hưu cho rằng bất kỳ người nào đã từng làm việc ở SVR và đánh giá tình hình một cách khách quan đều sẽ nói: "Làm sao không thể đưa người có con cái sống ở nước ngoài vào một chức vụ quan trọng được?".
 
Trong khi đó, ông Alexander Khramchikhin, trưởng bộ phận phân tích Viện Phân tích chính trị và quân sự, bình luận rằng những vị đại diện nhà chức trách Nga đưa con cái đến sinh sống và học tập ở nước ngoài đều tạo ra mối đe dọa đến an ninh nước Nga.
 
Phát biểu của ông xuất phát từ thông tin trên báo chí rằng con gái của vị đại tá bị buộc tội phản bội thường xuyên sinh sống ở Mỹ. Thêm nữa, không bao lâu trước khi phản bội, ông này cũng đã đưa cả con trai đến Mỹ.
 
Trả lời phỏng vấn của báo Novyi Reghion, ông Khramchikhin cho rằng sự kiện con cái của một nhà tình báo cao cấp cư ngụ ở nước ngoài mà không bị cản trở gì là chuyện không đáng nói.
 
Theo các chuyên gia quân sự nhận xét, các thành viên của gia đình bất kỳ vị đại diện nhà chức trách nào, đặc biệt là nhà tình báo, đều có thể trở thành mục tiêu cho kẻ thù nhắm vào. Vì thế, thật là lạ lùng khi con cái của một viên sĩ quan cao cấp của SVR lại có thể sống công khai ở nước ngoài.
 
Giám đốc Viện Chiến lược quốc gia Stanislav Belkovsky đề cập vấn đề phương Tây gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Nga. Theo ông, trong những năm gần đây, truyền thống các giới chức cấp cao cho con đi học nước ngoài không chỉ được duy trì mà thậm chí còn được đẩy mạnh.
 
Ông Belkovsky cho rằng với việc gửi con ra nước ngoài, người ta làm mất đi những tác nhân kích thích mới nhất đối với công cuộc mở mang đất nước nói chung và các thiết chế giáo dục nói riêng.
 
Duma Quốc gia muốn nghe tường trình
 
Báo chí phương Tây viết rằng mạng lưới điệp viên Nga ở Mỹ bị lộ không phải vì họ hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp mà vì có kẻ phản bội. Vì thế, theo hãng tin Interfax, các đại biểu Duma Quốc gia Nga là đảng viên cộng sản muốn được phân tích các nguyên nhân gây nên xì-căng-đan gián điệp hồi tháng 6 năm nay.
 
Họ cho rằng thông tin về những nguyên nhân dẫn đến sự phản bội của vị sĩ quan cao cấp của SVR phải được chuyển cho Duma Quốc gia tại một phiên họp kín.
 
Tại cuộc họp của Duma Quốc gia gần đây, ông Aleksei Kornienko, đảng viên Đảng Cộng sản Liên bang Nga, nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn biết do đâu xảy ra tình trạng phản bội trong hàng ngũ SVR. Đó là do khâu tuyển lựa nhân sự, vì thiếu tinh thần yêu nước hay có thể là một lý do nào đó khác".
 
Theo ông, nắm rõ nguyên nhân của sự phản bội sẽ giúp rút ra những bài học cần thiết cho công tác tổ chức, giáo dục... Ông đề nghị tiến hành cuộc họp kín về vấn đề này với sự tham dự của thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev - cựu giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang, Giám đốc SVR Mikhail Fradkov và Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
 
Bình luận về sáng kiến này, Chủ tịch Duma Quốc gia Boris Gryzlov yêu cầu đại biểu Kornienko chính thức viết ra lời đề nghị của mình.
 
Ông cho biết: "Nếu Ủy ban An ninh của Duma ủng hộ ông, chúng tôi sẽ nghe vấn đề này". Theo hãng tin RIA Novosti, đích thân Chủ tịch Ủy ban An ninh Vladimir Vasilyev sẽ phải gửi cho ông Gryzlov đề nghị của mình về vấn đề này.
NGÔ SINH

Giày Đại Phát solution
Số người online:
28861
Số người truy cập:
8755570