Những ẩn chứa trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên mới đây được thực hiện đúng nơi thử hạt nhân năm 2006.

Bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an LHQ, Triều Tiên vẫn quyết định tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai sau vụ thử đầu tiên vào năm 2006. Và vụ thử lần này được tiến hành dưới lòng đất ở đông bắc Triều Tiên, mạnh hơn nhiều so với vụ thử đầu tiên.

 

Ngoài ra, những nguồn tin chưa được khẳng định từ phía Hàn Quốc cũng cho biết, Bình Nhưỡng cũng tiến hành bắn nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngay sau vụ thử hạt nhân.

 

Vậy điều gì khiến Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần hai?

 

Triều Tiên trong những tuần gần đây đã đe dọa sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân và củng cố thêm kho vũ khí hạt nhân của mình. Lý do bởi nước này tức giận trước lên án của Hội đồng Bảo an LHQ về vụ phóng tên lửa hồi tháng 4 của họ và thắt chặt những biện pháp trừng phạt hiện có.

 

Bình Nhưỡng cho rằng vụ phóng tên lửa là đưa một vệ tinh viễn thông vào quỹ đạo. Tuy nhiên, nhiều chính phủ lại coi đó là bình phong cho một vụ thử công nghệ tên lửa tầm xa Taepodong-2, nhằm phục đích đưa một số vùng, lãnh thổ của Mỹ vào “tầm ngắm” của Bình Nhưỡng.

 

Theo một nghị quyết được thông qua vào năm 2006, Triều Tiên bị cấm theo đuổi kiểu công nghệ này.

 

Và để “đáp trả” lên án của Hội đồng Bảo an, Bình Nhưỡng đã trục xuất tất cả các thanh sát viên quốc tế, từ bỏ bàn đàn phán 6 bên nhằm thuyết phục nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ và các nhượng bộ ngoại giao khác.

 

Điều gì ẩn chứa sau hành động của Triều Tiên?

 

Theo các nhà phân tích, có vẻ như Triều Tiên đã thay đổi hoàn toàn từ trạng thái thương lượng sang đối đầu, trực tiếp thách thức chính sách của chính quyền Mỹ và Hàn Quốc. Mặc dù cam kết sẽ thúc đẩy một khởi đầu mới cho quan hệ song phương, nhưng Tổng thống Mỹ Obama, người đã lên án vụ phóng tên lửa tháng trước của Triều Tiên là “khiêu khích”, cho đến nay vẫn không thể thuyết phục người Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

 

Trong một tuyên bố do báo chí quốc gia đăng tải, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho hay: “Không ích gì khi cùng ngồi với một bên vẫn tiếp tục coi chúng ta là kẻ thù”.

 

Mối quan hệ liên Triều cũng ngày một trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc  Lee Myung-bak nhậm chức vào tháng 2 năm ngoái.

Lãnh đạo bảo thủ này kiên quyết cho rằng sẽ không có thêm hỗ trợ vô điều kiện về kinh tế cho Triều Tiên và rằng bất kỳ sự thỏa hiệp nào cũng đều phải phụ thuộc vào tiến bộ của Triều Tiên trong tiến trình giải giáp hạt nhân.

 

Chính vì vậy, giới phân tích nhận định sở dĩ Triều Tiên có những động thái vẫn như đang ở “tình trạng chiến tranh” trên là nhằm buộc cả Mỹ và Hàn Quốc phải đưa ra những nhượng bộ ngoại giao và kinh tế lớn hơn để đổi lấy giải giáp hạt nhân.

 

Triều Tiên có thể chịu hình phạt gì?

 

Washington đã cảnh báo đến những hậu quả nghiêm trọng nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành một vụ thử tên lửa nữa. Và hiện nay, chắc chắn nước này sẽ áp dụng thêm những biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

 

Nhưng theo các nhà phân tích nếu có đưa ra các biện pháp ngoại giao nhằm cô lập thêm Bình Nhưỡng, thì nước này cũng sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân được coi là “bả bối” của mình.

 

Phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc, nước có nhiều tác động đối với Triều Tiên hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.

 

Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào chống lại Bình Nhưỡng cũng như là nước hỗ trợ về kinh tế lớn cho Bình Nhưỡng.

 

Bắc Kinh đã lên án vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng năm 2006 là sự xúc phạm với ban lãnh đạo nước này, nhưng lần này giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể phải “kìm” bớt giận do lo ngại Bình Nhưỡng sẽ làm hỏng vòng đàm phán 6 bên mà Bắc Kinh đứng ra tổ chức.

 

Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc có thể rút toàn bộ sự hỗ trợ của nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định với Bắc Kinh, Bình Nhưỡng như là một “vùng đệm” chiến lược nhằm đối phó với quân Mỹ và các lực đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ngoài ra, thiếu thốn sẽ khiến dòng người tị nạn Triều Tiên vượt biên qua biên giới chung giữa hai nước vào Trung Quốc không thể kiểm soát được.

 

Vì sao khả năng hạt nhân của triều Tiên lại là vấn đề nhức nhối?

 

Về thực chất, hai miền Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh, do không có hiệp ước hòa bình nào được ký kết kể từ sau cuộc chiến Triều Tiên 1950-53. Triều Tiên lại có một đội quân hùng mạnh với hàng triệu binh sỹ. Biên giới liên Triều là một trong những vùng được canh phòng cẩn mật nhất thế giới, với hàng ngàn khẩu pháo hướng về phía thủ đô Hàn Quốc.

 

Vụ thử mới nhất lại làm bùng lên tranh luận ở Nhật Bản, vốn không ủng hộ hành động tấn công, theo hiến pháp chủ trương hòa bình của nước này. Cuộc tranh cãi đó là liệu có cho phép quân đội được lựa chọn tấn công phủ đầu nếu có lo ngại về một vụ tấn công tên lửa.

 

Ngoài ra, khả năng hạt nhân của Triều Tiên cũng có thể châm ngòi cho nguy cơ xuất hiện một cuộc đua vũ trang tại Đông Á, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có thể buộc phải cân nhắc xem có nên trang bị vũ khí hạt nhân hay không.

 

Bình Nhưỡng có khả năng ném bom nguyên tử?

 

Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng chưa phát triển được tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nhưng vụ thử lần thứ hai này sẽ làm tăng lo ngại rằng nước này đang tiến gần đến đích trở thành một nước sở hữu hạt nhân thực sự.

 

Phan Anh

Theo BBC


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2248
Số người truy cập:
9266134