Nhiều tàu cá nằm bờ vì giá dầu tăng

 Ngày 1/3, giá dầu diesel tăng lên 20.800 đồng một lít, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá dầu tăng hơn 10% so với giá 18.000 đồng một lít cuối năm 2021 và tăng 70% so với giá 12.420 đồng một lít vào cuối năm 2020.

Nhận tin giá dầu tăng trước giờ ra khơi, anh Hoàng Văn Thành, chủ tàu đang neo đậu ở bến sông Cà Ty, TP Phan Thiết (Bình Thuận) vừa mừng vừa lo. Mừng vì anh đã kịp mua dầu trước khi tăng giá, nhưng lo giá dầu tiếp tục tăng ảnh hưởng tới công việc đánh bắt của gia đình.

Thuyền nằm bờ kín sông Cà Ty, Bình Thuận. Ảnh: Việt Quốc

Thuyền nằm bờ kín sông Cà Ty, TP Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc

Tàu anh Thành thường đánh bắt ở vùng biển đảo Phú Quý, mỗi chuyến kéo dài 10 ngày. Năm ngoái, tàu thường đổ 90 triệu đồng tiền dầu, nhưng chi phí nhiên liệu cho chuyến đi này đội lên 110-120 triệu đồng.

"Mới đầu năm mà giá mấy lượt tăng, tui cũng nản nhưng vì mưu sinh đành liều chuyến nữa", anh nói và lo nếu chuyến đánh bắt này không trúng, thua lỗ, gia đình dự tính cho thuyền nằm bờ kéo dài.

Bến sông Cà Ty những ngày này trầm lắng hơn mọi năm. Tàu thuyền nằm xếp lớp không động đậy, thi thoảng mới có tiếng máy nổ từ những tàu cập bến. Không chỉ dầu mà đồ đạc, thực phẩm cũng tăng giá nên tàu ra khơi khó kiếm lời.

Ở gần đó, anh Trần Thanh, chủ tàu làm nghề giã cào, cho biết mỗi chuyến tàu bơm 5.000 lít dầu. Với giá mới 20.800 đồng một lít thay cho 19.800 đồng một lít, anh phải tốn thêm 5 triệu đồng. "Nghe nói tới đây giá xăng dầu lại tăng, tui nghe mà ngộp thở luôn", anh Thanh nói. Thấy tình hình làm ăn của tàu cá khó khăn, chủ các cây xăng không cho thiếu nợ mà chuyến nào tính chuyến đó.

Chủ tàu Võ Tấn Minh ở Phan Thiết không tìm được bạn đi biển do thu nhập thấp nên đành ngồi trên tàu ngó ra. Ảnh: Việt Quốc

Chủ tàu Võ Tấn Minh không tìm được bạn đi biển do thu nhập thấp, giá dầu tăng cao. Ảnh: Việt Quốc

Chi phí tăng cao, không chỉ chủ tàu gặp khó mà ngư dân đi bạn (làm thuê theo tàu) cũng bị giảm thu nhập. Ông Võ Tấn Minh, chủ tàu cá ở phường Đức Thắng, nói từ Tết đến nay chỉ mới đi được một chuyến. Hiện, bạn thuyền thấy giá dầu tăng không muốn đi nữa, vì thu nhập không đủ sống. "Những năm gần đây nghề biển bấp bênh, gọi bạn thuyền đã khó, nay còn khó hơn", ông Minh nói.

Anh Hồ Văn Định, 44 tuổi, đi bạn cho ghe cá địa phương, nói bình thường mỗi chuyến 10 ngày anh kiếm được khoảng 3 triệu, một tháng hai chuyến được 6 triệu. Sắp tới, thu nhập của anh giảm khoảng 30%, còn khoảng 4 triệu đồng, sẽ rất khó khăn để nuôi 4 con đang tuổi ăn học.

Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước, cùng Kiên Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu. Toàn tỉnh có hơn 7.500 tàu cá lớn nhỏ, trong đó tàu lớn, dài hơn 15 m có khoảng 2.000 chiếc. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh, cho biết giá dầu tăng liên tục làm chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt đội lên 20-30%, ảnh hưởng lớn đến khai thác thủy sản của ngư dân.

Cùng với đó, thời tiết hiện không thuận lợi, biển thường sóng gió, cá không ấp lộng, sản lượng cá đánh bắt được không nhiều. "Trong khi giá hải sản vẫn không tăng, khiến cho bà con ngư dân hết sức khốn đốn", ông Huy nói.

Cách Bình Thuận hơn 600 km, ông Nguyễn Lộc, chủ tàu cá ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết đầu năm nay nhiều ngư dân trước và trong Tết trở về trúng cá, dự báo các chuyến tới được mùa, nhưng các chủ tàu khác vẫn "tối tăm mặt mũi" khi giá dầu tiếp tục tăng. Ông Lộc đang gánh khoản nợ vay để sửa chữa tàu bị hư hỏng cách đây hai năm, không biết khi nào trả hết.

Ngư dân thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi chuẩn bị đá ra khơi ngày 29/2. Ảnh: Phạm Linh

Ngư dân thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi chuẩn bị đá ra khơi ngày 28/2. Ảnh: Phạm Linh

Còn ở thị xã Đức Phổ, nhiều chủ tàu đau đầu khi tính toán chi phí cho hai tàu cùng lúc ra khơi, đánh bắt theo cặp dài ngày trên biển. Đầu tuần này, anh Võ Thành Huy, chủ đôi tàu công suất lớn ở thị xã Đức Phổ mua 20.000 lít dầu để chuẩn bị đánh bắt ở vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng.

Theo tính toán ban đầu, số tiền nhiên liệu chi phí khoảng 350 triệu đồng. Song sau Tết, giá xăng dầu tăng liên tục lên hơn 20.000 đồng làm chi phí ra khơi tăng thêm hơn 50 triệu đồng. "Mươi ngày mình phải cập bờ gần đảo xuống cá bán để chuyển tiền về trả dần tiền dầu, thực phẩm. Giá dầu cứ tăng thế này, rất ít ngư dân khả năng chịu nổi", anh Huy nói.

Thị xã Đức Phổ có 1.700 tàu thuyền với khoảng 11.000 ngư dân, là một trong những nơi có đội tàu hùng hậu nhất tỉnh Quảng Ngãi. Ông Võ Minh Vương, Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, cho biết hiện Chính phủ chỉ hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân có tàu thuyền xa bờ dài hơn 15 m. Còn ngư dân có tàu dưới 15 m không được hỗ trợ. Do vậy, giá dầu liên tục tăng khiến ngành ngư nghiệp bị ảnh hưởng, chủ tàu và ngư dân đều khó khăn.

Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương cho rằng thời gian qua Covid-19 đã khiến nhiều ngư dân chưa gượng dậy nổi. Vì vậy, trước "bão giá" nhiên liệu, cơ quan chức năng cần có hướng bình ổn xăng dầu, hỗ trợ để tàu thuyền ra khơi.

Việt Quốc - Phạm Linh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
69449
Số người truy cập:
8692067