Nhiều sân bay được kêu gọi xã hội hóa đầu tư

 Cuối tháng 8, tỉnh Lào Cai khởi công xây dựng sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II. Dự án bao gồm xây một đường cất hạ cánh kích thước 2.400 x 45 m đảm bảo cho hoạt động của máy bay Code C (A320, 321 và tương đương), nhà ga đáp ứng 1,5 triệu hành khách mỗi năm.

Do đầu tư theo hình thức PPP, dự án sẽ chia thành 2 thành phần, gồm giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công và xây dựng sân bay theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tỉnh Lào Cai sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước xây dựng sân bay. Tổng kinh phí 3.650 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu, vốn vay gần 3.000 tỷ đồng; vốn nhà nước trong dự án PPP hơn 661 tỷ đồng. Dự án có thời gian hoạt động 50 năm; trong đó hơn 3 năm xây dựng, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 2 tháng.

Phối cảnh sân bay Sa Pa. Ảnh: Báo Lào Cai.

Cũng trong tháng 8, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản theo hình thức PPP trên nền sân bay cũ tại huyện Mai Sơn với diện tích 249 ha (mở rộng thêm 78,5 ha).

Tổng mức đầu tư dự án là 3.028 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một cần 2.500 tỷ đồng sẽ được thu xếp bằng hình thức PPP kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của tỉnh Sơn La. Giai đoạn một đạt công suất một triệu hành khách, 350 tấn hàng hóa mỗi năm. Giai đoạn hai sẽ mở rộng các hạng mục để đạt công suất 2 triệu hành khách, khoảng 6.000 tấn hàng hóa mỗi năm, phù hợp với quy hoạch sau năm 2030.

UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng sân bay Lai Châu công suất 0,5 triệu hành khách theo hình thức PPP. Theo quy hoạch, sân bay này đạt tiêu chuẩn dân dụng cấp 3C và quân sự cấp III, diện tích đất 167 ha, tại thị trấn Tân Uyên.

Theo UBND tỉnh, hiện nay đã có một số nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu xây dựng sân bay. Để đảm bảo cơ sở pháp lý, thuận lợi trong quá trình cắm mốc quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tỉnh kiến nghị được đầu tư theo hình thức PPP, giao tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Cuối năm 2021, sân bay Quảng Trị đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư hơn 5.820 tỷ đồng. Sân bay sẽ được xây dựng tại huyện Gio Linh, quy mô cấp 4C và quân sự cấp II, công suất đón một triệu hành khách và 3.100 tấn hàng hóa một năm.

Một phối cảnh sân bay Quảng Trị. Ảnh:T&T

Dự kiến sân bay Quảng Trị sẽ chia làm hai giai đoạn đầu tư, với tổng mức dự kiến 5.822 tỷ đồng. Giai đoạn một sẽ xây dựng các công trình cơ bản đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất đón 2,2 triệu hành khách mỗi năm vào 2046 và 5.000 tấn hàng hóa năm 2042.

Vốn đầu tư giai đoạn này 2.910 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động là 2.680 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư hơn 233 tỷ đồng.

Giai đoạn hai sẽ đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại cảng hàng không năm 2029, mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách. Vốn đầu tư giai đoạn này hơn 2.900 tỷ đồng.

Dự án cảng hàng không Quảng Trị sẽ có thời gian thực hiện 50 năm, dự kiến vận hành, thu phí hoàn vốn trong 47 năm 4 tháng.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay rất lớn, do vậy cần thiết huy động nguồn vốn xã hội. Xu thế chủ đạo trong huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay trên thế giới là mô hình PPP/nhượng quyền. Theo đó, Nhà nước chỉ giữ quyền sở hữu, kiểm soát các cảng hàng không lớn, đầu mối, có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.

Trong Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không được Bộ Giao thông Vận tải lập, các sân bay như Sa Pa, Nà Sản, Lai Châu, Quảng Trị được xếp vào nhóm 3. Đây là các cảng ở vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách mỗi năm.

Theo đề án này, Bộ Giao thông Vận tải chuyển giao sân bay nhóm 3 cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Trường hợp địa phương không tiếp nhận, Bộ tiếp tục quản lý, khai thác và đầu tư. Ngoài nguồn lực địa phương, các cảng hàng không mới nằm trong quy hoạch như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu sẽ huy động nguồn vốn xã hội theo phương thức PPP.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia hàng không, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng sân bay không đơn giản vì nguồn vốn lớn, từ 2.000 đến 4.000 tỷ đồng với sân bay công suất dưới 2 triệu hành khách mỗi năm, trong khi đó nguồn thu từ phí không lớn. Nếu sân bay phục vụ 2 triệu khách, nhà đầu tư mới thu được khoảng 200-250 tỷ đồng mỗi năm, tính cả chi phí khấu hao và vận hành thì phải qua hàng chục năm mới thu hồi được vốn.

Các năm đầu, sân bay thường không đạt công suất, nhất là ở miền núi, nơi nhu cầu đi lại không cao. Hiện nay nhiều cảng hàng không vẫn chưa đạt công suất thiết kế như Vân Đồn, Cần Thơ, Tuy Hòa, Chu Lai... "Địa phương cần giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng đồng bộ để thu hút nhà đầu tư tham gia góp vốn xây sân bay", chuyên gia nói.

Anh Duy


Giày Đại Phát solution
Số người online:
57445
Số người truy cập:
8578147