Nhiều phụ huynh không muốn con 'nghỉ học vì rét'

 "Con vui như hội nhưng bố mẹ thì mếu", chị Lê An, 29 tuổi, ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm nói. Người mẹ buộc phải báo cáo cấp trên "đi gặp khách hàng" để ở nhà trông con buổi sáng, đồng thời lùi lịch hẹn khách vào buổi trưa, vì lúc đó sẽ có bố bé về thay ca.

Điều khiến chị An không hài lòng là nhà cách trường 400 mét, con đã được trang bị đầy đủ quần áo ấm, tất mũ nên trời rét không phải là vấn đề. Hơn nữa ở lớp có điều hòa hai chiều, chăn gối ấm. Trong khi ở nhà, cứ hở ra là con dùng thiết bị điện tử hoặc bày trò nghịch ngợm, càng bẩn và lạnh hơn so với đến trường.

Học sinh trường Marie Curie, Hà Nội, đến trường sáng 23/1. Ảnh: Ngọc Thành

Sáng nay, con gái chị Ngọc Vân, 35 tuổi, ở quận Hà Đông, vượt hơn 10 km đến cơ quan mẹ thay vì gần một km đến trường. Thông báo nghỉ học lúc gần 6h30 khiến vợ chồng chị không kịp trở tay.

"Kỳ nghỉ Tết đang tới gần, còn bao nhiêu công việc bộn bề cần giải quyết nên vợ chồng tôi không ai nghỉ được ở nhà trông con", chị Vân, một viên chức ngành tư pháp cho biết.

Ở cơ quan, người mẹ cũng không tập trung làm được việc vì cứ chốc chốc lại bị cô bé làm phiền. Theo chị, quy định nghỉ học vì rét đang áp dụng không linh hoạt theo vùng miền. Giờ ở các thành phố điều kiện vật chất tốt, nhiều nhà còn có cả ôtô đưa đón con nên không sợ thời tiết ảnh hưởng sức khỏe. Chị vẫn cho con trai út gần ba tuổi đi nhà trẻ hôm nay, chỉ cần mặc ấm.

"Sáng nay con gái tôi thắc mắc đi leo núi lạnh hơn con còn chịu được, sao nay lại nghỉ học?", chị Vân cho biết. Cô bé thích đến trường hơn phải ở nhà. Chị cũng nhớ ngày mình nhỏ nhiều hôm rét dưới 7 độ, tay lạnh cóng không cầm được bút nhưng vẫn thích được đến trường.

Hơn 6h sáng 23/1, hàng chục trường tiểu học và mẫu giáo Hà Nội cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C. Có trường cho học sinh nghỉ hoàn toàn; có trường vẫn nhận quản lý học sinh và giao bài tập ở nhà cho học sinh không đến lớp. Một số trường chủ động bố trí phương án học online, hoặc ra thông báo vào học muộn hơn.

Nhiều gia đình không có thói quen xem bản tin thời tiết hoặc tin nhắn nhóm lớp, nay cũng kiểm tra để cập nhật tình hình. Công văn nghỉ học được phát ra đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi, chủ yếu thành hai luồng ý kiến "bất phân thắng bại".

Một bộ phận đồng tình cho học sinh nghỉ cho rằng đây là quy định chung dành cho số đông và đã áp dụng từ lâu nên cứ thế mà làm. Trời rét, nếu trường không cho nghỉ thì gia đình cũng tự cho con nghỉ.

Một bộ phận phụ huynh không đồng tình cho rằng thời tiết khắc nghiệt thì nên cho các con học cách thích nghi, đảm bảo mặc ấm lúc đi đường, đến lớp ấm áp mà vẫn được vui thầy cô, vui bạn.

"Không hiểu ai sáng tác ra cái quy định này, chỉ khổ phụ huynh. Hà Nội thì toàn gia đình trẻ , không có ông bà, trường thì cách nhà chưa đến một km mà vẫn cho nghỉ", một phụ huynh nêu ý kiến.

Hai học sinh tiểu học ở quận Bắc Từ Liêm xem TV khi được nghỉ học ngày 23/1. Ảnh: Phan Dương

Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm, việc thu xếp cuộc sống và ứng phó kịp thời với các tình huống đặc biệt là một nội dung quan trọng trong quá trình học tập của học sinh và của các gia đình. Do vậy, quy định nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C hoàn toàn phù hợp.

"Trẻ Việt Nam sống ở vùng nhiệt đới, quen với trời nóng gần như quanh năm. Do vậy, với thời tiết đột ngột chuyển lạnh, nhiều em không đủ khả năng đề kháng. Trong điều kiện thời tiết có hại, nghỉ học là biện pháp phù hợp để tránh các hậu quả cho học sinh", bà Hương nói.

Ngoài ra, chuyên gia giáo dục này đã rằng, việc chăm sóc và giáo dục các con là trách nhiệm mà cha mẹ không thể thoái thác. Cần hiểu, nhà trường là nơi các con đến để học tập và rèn luyện, không phải là nơi giữ trẻ của các cha mẹ.

Theo quan điểm của bà, nếu cần rèn luyện tinh thần chịu khổ cho trẻ nhỏ, các cha mẹ cần thực hiện hàng ngày với các loại hoạt động khác nhau như cho trẻ tự chăm sóc bản thân, làm việc nhà. Việc cho con đi học khi trời quá lạnh không phải là rèn luyện trẻ mà thực sự là mạo hiểm, bởi trẻ thường có sức chịu đựng kém. Nếu con ốm, thay vì chỉ nghỉ một, hai ngày trông con, các phụ huynh sẽ phải nghỉ dài ngày, mất thêm thời gian, tiền bạc.

"Chúng ta hoàn toàn không nên chỉ vì bận rộn mà đề nghị thay đổi cả một quy định rất phù hợp", bà Hương nói.

Phó giáo sư Trần Thành Nam, hiệu phó trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết quy định được nghỉ học dưới 10 độ C nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người học. Thế nhưng thực tế cuộc sống nảy sinh nhiều vấn đề.

Ví dụ nhiệt độ xuống thấp các con nghỉ học, nhưng khi ô nhiễm không khí mức độ rất cao, đi ngoài đường cũng ảnh hưởng tới sức khỏe thì sao? Hoặc có những trường tọa lạc ngay công trường xây dựng, ô nhiễm bụi và tiếng ồn có nghỉ không?

"Khi sống trong một thế giới hiện đại, tất cả những quyết định nghỉ hay không nghỉ nên dựa trên 'cá nhân hóa' cho từng khu vực, thậm chí dựa vào tình hình kinh tế xã hội của khu dân cư ở đấy", ông Nam nói và dẫn ví dụ các vùng miền núi cao, đường xa, đi lại nguy hiểm thì nên cho học sinh nghỉ học vì rét, nhưng thành thị cơ sở vật chất trường lớp đến gia đình đều tốt hơn, việc nghỉ hay không cần cân nhắc.

Song song, phải tăng cường cho trẻ năng lực tự bảo vệ được mình trong mọi điều kiện. Kỹ năng sinh tồn cho trẻ không chỉ là bơi lội, còn là giữ ấm khi trời lạnh, bảo vệ cơ thể khi ô nhiễm không khí, tiếng ồn.

Dù các trường quyết định thế nào nên thông báo sớm nhất cho phụ huynh để được chuẩn bị. Trong khi nhiều trường hơn 6h sáng mới nhắn, sẽ khiến không ít gia đình không kịp trở tay.

"Cũng may một số trường có phương án kép như vẫn nhận học sinh, kết hợp online hay giao bài tập cũng là phần nào chia sẻ một phần bị động cho phụ huynh và giáo viên", nhà giáo dục Trần Thành Nam nói.

Hải Hiền - Phan Dương


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6582
Số người truy cập:
9248679